Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngày 29/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc, bắt đầu vòng thi viết đối với 12 ứng viên thi tuyển vào 3 vị trí phó hiệu trưởng của 3 Trường trung học phổ thông là An Nhơn Tây, An Nghĩa và Quang Trung.
Các trường này nằm ở địa bàn huyện Củ Chi, Cần Giờ, cách xa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần đầu tiên, Sở áp dụng thí điểm thi tuyển cán bộ quản lý giáo dục ở các trường học.
Theo ông Hiếu, việc thi tuyển này sẽ không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, mà còn là cơ hội để các thầy cô chủ động chọn ngôi trường gần nhà để ứng tuyển.
Các ứng viên tham gia thi tuyển phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông hôm 29/10 (ảnh: P.L) |
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, việc thi tuyển sẽ không còn tình trạng “nước trôi thì thuyền trôi”, có nghĩa là có cán bộ quản lý về hưu thì đương nhiên đội ngũ kế cận sẽ lên thay.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 cho biết, cách đây 1 tháng, quận 3 hoàn thành việc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng cho Trường Mầm non 7.
Có tổng cộng 2 ứng viên tham gia thi tuyển, chọn ra một người. Việc thi tuyển chỉ diễn ra một vòng. Ứng viên sẽ bảo vệ chương trình hành động của mình trước các thành viên Ban giám khảo, là những người đại diện cho các cơ quan, ban ngành có liên quan của quận.
Chương trình hành động của các ứng viên cần có được nội dung họ cần làm gì để phát triển trường, nơi họ dự kiến về làm lãnh đạo, cần thấy được các năng lực, cam kết của ứng viên.
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa khẳng định, việc áp dụng thí điểm hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo trường học rất hay và sẽ thực chất hơn quy trình bổ nhiệm, xét tuyển như hiện vẫn làm.
Trong khi đó, ngược lại thì một vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo khác thì lại cho rằng, nên áp dụng song song cả hình thức thi tuyển và xét tuyển là tốt nhất.
Vị này cho biết, quận nơi ông làm Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã từng tổ chức thi tuyển, chọn ra hiệu trưởng một trường trung học cơ sở từ cách đây vài năm.
Tuy nhiên, hiệu trưởng này làm được ít năm thì cũng phải chuyển sang đơn vị khác do gặp vấn đề trong cách quản lý.
Vị này chia sẻ, chuyên môn và quản lý là hai lĩnh vực khác nhau, giỏi chuyên môn thì chưa chắc giỏi quản lý. Quản lý muốn giỏi thì phải cả một quá trình tích lũy, thử thách trong thực tiễn.
Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo trường học cũng là một cách làm hay, nhưng các ứng viên muốn tham gia thi tuyển cần có tiêu chuẩn đã từng giữ chức danh lãnh đạo nào đó ở trường, ở tổ chuyên môn, phải đã từng có kinh nghiệm quản lý, được bồi dưỡng và rèn luyện từ thực tế, cần nằm trong danh sách được quy hoạch ở vị trí lãnh đạo.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, quận 12 thì nói rằng, hiện quận vẫn chưa tính và chưa có phương án thi tuyển chức danh lãnh đạo các trường học trên địa bàn quận.
Trong đợt này, giáo viên muốn tham gia vào vị trí ứng tuyển phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông của Sở phải đảm bảo đủ điều kiện là được quy hoạch vào vị trí phó hiệu trưởng, còn đủ 5 năm công tác tính từ khi dự tuyển, có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng ngoại ngữ ở bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam, đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên hoặc chức danh nghề nghiệp tương ứng từ hạng III trở lên, có chứng chỉ chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cấp học tương đương.
Sau khi hoàn thành bài thi viết hôm 29/10, các ứng viên còn phải trải qua phần thi trình bày đề án (thời gian thông báo sau) trong thời gian tối đa 30 phút, thi chất vấn trong thời gian từ 30 đến 40 phút.