Vừa qua 20/11 vài ngày thì nhiều địa phương bắt đầu khởi động Hội thi giáo viên dạy giỏi. Một số giáo viên chia sẻ, chưa kịp nghỉ xả hơi vì mới lo bài hội giảng chào mừng ngày kỷ niệm của ngành thì nay lại tiếp tục phải lo giải pháp hữu ích và bài giảng cho Hội thi giáo viên giỏi.
Hình minh hoạ |
Phải nói thẳng một điều, phần đông giáo viên không muốn tham gia những hội thi như thế (trừ một số người muốn một lần khẳng định mình hoặc muốn có thành tích để thăng tiến). Tuy nhiên, khi địa phương đã tổ chức hội thi, dù muốn hay không cũng không thuộc quyền quyết định của các nhà giáo nữa.
Nói thế, có vẻ đang đi ngược với chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi, Bộ đã quy định rất rõ trong Thông số: 22/2019/TT-BGDĐT Ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông.
Nguyên tắc của Hội thi là dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi;
Tuy nhiên, trong thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Giáo viên ở nhiều địa phương vẫn đang trong tình cảnh phải tự nguyện đi thi giáo viên giỏi trong tâm thế bắt buộc.
Muôn cách để giáo viên phải đăng ký dự thi
Nhà trường cũng không thoải mái gì khi phải làm mọi cách để các thầy cô giáo tham gia hội thi. Bởi họ hiểu, nếu để giáo viên tự nguyện đăng ký dự thi theo nguyện vọng thì mỗi hội thi trong nhà trường tổ chức, nhiều thì có vài người, ít đôi khi chẳng có nỗi một người tham gia. Gọi là hội thi mà chỉ có vài người dự thi sao có thể tổ chức được?
Trường không tổ chức được hội thi lấy đâu nguồn để cử tham dự hội thi của cấp trên tổ chức? Lúc đó, những trường không tham gia chắc chắn cũng bị nhắc nhở.
Thế là trên tạo áp lực về trường, trường lại tạo áp lực về tổ chuyên môn. Cuối cùng, tổ chuyên môn phải dồn gánh nặng lên mỗi thành viên trong tổ.
Người ngoài ngành có thể thắc mắc và đặt câu hỏi, trường nào ép buộc giáo viên phải tham gia hội thi? Cơ sở nào buộc thầy cô đi thi khi bản thân họ không muốn? Làm thế há chẳng vi phạm quy định của Bộ Giáo dục trong Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT hay sao?
Là người trong nghề lại quá hiểu, không có trường học nào công khai ép buộc giáo viên phải tham gia hội thi, là tự các thầy cô đăng ký đi thi. Chỉ có giáo viên mới hiểu, không đăng ký đi thi cũng không thể được.
Bởi, chỉ vì không đồng ý tham gia hội thi, giáo viên ấy sẽ trở thành người “chống đối” khi làm liên luỵ nhiều người. Vì thế, có thầy cô đã thi trong ấm ức, trong sự bức xúc.
Giao chỉ tiêu về tổ
Về lý, nhà trường không ép giáo viên đi thi nhưng lại giao chỉ tiêu về tổ chuyên môn. Thế là, không muốn tổ chuyên môn của mình vắng bóng thí sinh, từng tổ trưởng sẽ đi vận động tổ viên của mình tham gia hội thi.
Vận động lần một không được sẽ vận động lần hai. Ngoài vận động, tổ sẵn sàng giúp sức từ soạn bài, dạy dùm lớp đến cả việc chung tay viết giải pháp để dự thi. Với sự nhiệt tình như thế, dù không muốn thì cũng ít giáo viên nào nỡ từ chối.
Ban giám hiệu sẽ gặp gỡ
Nếu tổ chuyên môn vẫn không thể lay chuyển thì chính ban giám hiệu sẽ có cuộc gặp mặt riêng với thầy cô giáo ấy. Cũng là những màn động viên như tham gia thi là thêm một lần cọ xát để học hỏi kinh nghiệm, để mình trưởng thành hơn.
Có những hiệu trưởng còn rất chân tình chia sẻ, kiểu như phong trào của ngành tổ chức, nhà trường không thể không tham gia. Có khó khăn gì cứ báo, nhà trường sẽ hỗ trợ hết mình.
Có những thầy cô nói rằng, dù trong lòng không muốn tham gia nhưng không thể lấy lý do gì thoái thác. Nếu khó khăn, nhà trường sẽ sẵn sàng hỗ trợ, vậy biết lấy lý do gì để từ chối đây?
Người viết cũng đã không ít lần từ chối tham gia các hội thi giáo viên giỏi. Thế nhưng khi được hiệu trưởng mời vào phòng nói chuyện kiểu như trường mình thuộc trường chuẩn quốc gia mức độ 2 nên cấp trên đưa về 10 chỉ tiêu tham gia hội thi. Nếu ai cũng từ chối, làm sao đủ chỉ tiêu giữ chuẩn?
Bản thân ngộ ra rằng, chính hiệu trưởng đôi khi cũng bị đẩy vào tình thế khó xử. Họ cũng sẽ bị cấp trên gây khó khi không thực hiện đúng chỉ tiêu.
Tự nhiên bị rơi vào tình thế, vì sự từ chối của mình mà ảnh hưởng đến bao người. Vì thế, dù không muốn tham gia cũng phải đồng ý.
Dễ bị cô lập và lọt “tầm ngắm”
Theo chia sẻ của một số giáo viên, khi đã được nhà trường làm công tác tư tưởng nhưng thầy cô vẫn cương quyết không tham gia hội thi sẽ dễ bị đưa vào diện “theo dõi” và lọt “tầm ngắm” của Ban giám hiệu vì ai cũng thích một giáo viên "ngoan" theo nghĩa "gọi dạ, bảo vâng" chứ không ưa một thầy cô có tư tưởng “chống đối”.
Những giáo viên này sẽ liên tục bị để ý để bắt lỗi, bị gây khó khăn. Khi đã bị Ban giám hiệu để ý thì sẽ ít dần đồng nghiệp thân thiện do họ cũng sợ bị liên luỵ. Không muốn rơi vào tình huống như này, nhiều thầy cô giáo chia sẻ “đi thi quách cho xong”.
Ảnh hưởng đến kết quả thi đua
Khác với nhiều địa phương, giáo viên vì vị nể phải tham gia thi giáo viên giỏi. Một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thầy cô giáo cho biết, dù không muốn thi giáo viên giỏi nhưng các thầy cô vẫn phải đăng ký tham gia, lý do là vì sợ ảnh hưởng đến kết quả thi đua cuối năm.
Đó là việc, nhà trường đã xây dựng một bảng chấm điểm. Trong đó, có những điểm cộng như tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp trường được cộng 1 điểm, cấp huyện cộng 2 điểm, cấp tỉnh cộng 3 điểm.
Những điểm số này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đua cuối năm. Dẫn đến thu nhập tăng thêm sẽ bị giảm sút. Nhà trường sẽ có những mức thưởng theo từng bậc thi đua khá chênh lệch.
Ví như giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ nhận 20 triệu đồng thì giáo viên hoàn thành nhiệm vụ chỉ được khoảng 5 triệu đồng.
Về nguyên tắc, thi giáo viên giỏi là nhu cầu của mỗi cá nhân, giáo viên chỉ tham gia dự thi khi bản thân tình nguyện. Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục đã quy định rất rõ: nhà trường không được ép buộc giáo viên phải tham gia.
Trong thực tế, vẫn đang diễn ra hoàn toàn ngược lại. Nói là không ép nhưng giáo viên vẫn đang phải tham gia trong tâm thế bị bắt buộc nhưng nhiều trường học vẫn vô can trong chuyện này.
Thay đổi tư duy người lãnh đạo mới là điều khó
Công tâm nhìn nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất lắng nghe và thấu hiểu những áp lực xung quanh Hội thi giáo viên giỏi (giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi).
Bởi thế, Bộ đã ban hành Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông đã tăng thời hạn bảo lưu giáo viên dạy giỏi cấp trường (2 năm mới tổ chức một lần thay vì quy định cũ là năm nào cũng tổ chức).
Bộ cũng nhấn mạnh: Nguyên tắc của Hội thi là dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi;
Dù là quy định mới nhưng không ít địa phương vẫn “lách” quy định bằng cách gây sức ép lên giáo viên, buộc họ phải tự nguyện đăng ký tham gia đầy đủ những hội thi này. Sức ép dây chuyền (phòng ép về trường, trường lại ép xuống tổ, tổ ép giáo viên).
Chỉ có giáo viên là khốn khổ vì phải chịu trận, trong khi phòng rồi trường được báo cáo thành tích đã tổ chức thành công những hội thi. Trong báo cáo khi nào chẳng thể hiện những nội dung kiểu, giáo viên tham gia nhiệt tình. Hội thi đã tạo sân chơi học hỏi, giao lưu kiến thức, phương pháp giảng dạy cho các thầy cô một cách bổ ích.
Vì thế, dù Bộ Giáo dục đã “cởi” quy chế hội thi nhưng cơ sở vẫn “trói” chặt bằng những chỉ tiêu thi đua thì giáo viên rất khó được “giải phóng” khỏi những áp lực thành tích thế này.
Thay đổi những nội quy, những quy định đôi khi rất dễ, nhưng để thay đổi suy nghĩ của một số lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương hiện nay mới vô cùng khó.
Chừng nào, người lãnh đạo không nặng thành tích mà luôn đặt nặng chất lượng học tập của học sinh lên hàng đầu thì lúc đó giáo viên mới được giải phóng khỏi những phong trào mang tính bề nổi.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.