Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Nên thi 5 hay 6 môn, Lịch sử bắt buộc hay lựa chọn?

29/08/2023 06:42
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hai phương án cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trong đó có phương án Lịch sử là môn lựa chọn.

Ngày 24/8/2023, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 2 phương án cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (sau đây gọi tắt là kì thi tốt nghiệp). [1]

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo để báo cáo trình Thường trực Chính phủ về phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 trở đi.

Theo đó, kì thi tốt nghiệp gồm các môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Tại hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 2 phương án để khảo sát ý kiến lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức kì thi tốt nghiệp đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cụ thể, phương án 1 gồm 6 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn thí sinh đã lựa chọn học. Phương án 2 gồm 5 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.

Là giáo viên bậc trung học phổ thông, người viết xin có đôi điều về phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp từ năm 2025 trở đi như sau.

Ảnh minh họa: Lã TiếnẢnh minh họa: Lã Tiến

Thứ nhất, tôi lựa chọn phương án 2 cho kì thi tốt nghiệp từ năm 2025 - tức là thí sinh thi 5 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn (trong đó có cả môn Lịch sử).

Bởi vì, thí sinh thi 5 môn (thay vì 6 môn) sẽ giảm tải áp lực cho các em, điều này phù hợp với dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố vào thời điểm cuối tháng 3/2023.

Dự thảo nêu, "việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đánh giá được năng lực của học sinh theo chuẩn đầu ra của Chương trình giáo dục phổ thông 2018". [2]

Thứ hai, bàn về phương án kì thi tốt nghiệp từ năm 2025, thời gian qua, nhiều các chuyên gia giáo dục cho rằng, tính phân hóa trong kỳ thi tốt nghiệp không cao, nên nếu muốn lựa chọn để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng theo đúng phẩm chất, năng lực của ngành đào tạo thì các trường vẫn cần tổ chức các kỳ thi bổ sung. [3]

Vì vậy kỳ thi tốt nghiệp nên tổ chức nhẹ nhàng, chủ yếu để xét học sinh tốt nghiệp, chứ không phải để cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong việc tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc xét tuyển đầu vào ở bậc đại học, cao đẳng sẽ do các trường tự lo, còn kỳ thi tốt nghiệp phải trở về đúng nghĩa là đánh giá tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, để các em học sinh không quá nặng nề, áp lực về kỳ thi này.

Thứ ba, nếu chọn phương án án 1 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn), trong đó Lịch sử là môn thi bắt buộc thì sẽ gây mất cân bằng giữa số lượng thí sinh chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội như các kì thi vừa qua.

Thông tin trong một bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/6/2023 cho biết: Tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp đến ngày 15/6/2023 là 1.024.063. Trong đó, thí sinh đăng kí bài thi Khoa học tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52% tổng số thí sinh; thí sinh đăng kí bài thi Khoa học xã hội là 566.921, chiếm 55,30% tổng số thí sinh. [4]

Kì thi tốt nghiệp năm 2022 cho thấy, tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên là 319.676 (chiếm 31.94%) trong khi tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học xã hội là 555.813 (chiếm 55.53%). [4]

Thứ tư, quan điểm cá nhân người viết cho rằng, cần thay đổi phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, thi cử môn Lịch mới là điều cần thiết.

Nhiều đồng nghiệp của người viết dạy môn Khoa học tự nhiên nhưng thầy cô rất giỏi lịch sử. Giáo viên chia sẻ, tri thức lịch sử mà họ có được phần lớn lại không phải từ các nhà trường phổ thông mà qua các clip, phim tài liệu, video trên Youtube, tài liệu tự đọc tìm hiểu.

Hơn nữa, thầy cô cũng cho biết một điều chắc chắn rằng, những học sinh thi khối A, A1, B, D sẽ không tập trung vào môn Lịch sử để lấy điểm cao.

Như thế, với những học sinh thi chỉ được hai ba điểm môn Lịch sử thì mục đích thi môn này để các em phải học sử, liệu có đạt được mục tiêu?

Thứ năm, thí sinh thi 5 môn sẽ giúp các em, gia đình và xã hội tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc.

Giả sử chọn phương án 2 cho kì thi tốt nghiệp từ năm 2025, thời gian thi sẽ như sau: Ngày thứ nhất: buổi sáng thi Toán, buổi chiều thi Ngữ văn. Ngày thứ hai: buổi sáng thi 2 môn lựa chọn, buổi chiều thi môn Ngoại ngữ.

Như thế, so với kì thi tốt nghiệp hiện nay, thí sinh sẽ thi 2 môn lựa chọn với thời lượng 100 phút thay vì 150 phút nếu thi 3 môn lựa chọn.

Là cán bộ làm công tác giám thị và thanh tra kì thi tốt nghiệp nhiều năm qua, người viết nhận thấy, không tích hợp kiến thức liên môn nhưng thí sinh phải thi 3 môn liên tiếp với thời gian 150 phút là áp lực không nhỏ.

Thứ sáu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án 2 cho kì thi tốt nghiệp từ năm 2025, theo người viết, có thể chưa đầy đủ hết mà cần có thêm các lựa chọn khác để cân nhắc, thảo luận.

Người viết xin phép đề xuất thêm một phương án nữa: Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên đều dự thi tốt nghiệp 02 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và 02 môn lựa chọn trong số các môn đã học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Âm nhạc, Mỹ thuật).

Phương án cá nhân người viết đưa ra là khả thi vì những lí do sau đây:

1) Công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh gọn nhẹ, giảm tốn kém (để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp mỗi thí sinh có thể chỉ dự thi trong 1,5 ngày cho 04 môn thi);

2) Bảo đảm cân bằng trong việc chọn tổ hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội giữa các thí sinh xét tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học;

3) Bảo đảm bình đẳng về đánh giá kết quả học tập giữa thí sinh học giáo dục phổ thông và thí sinh giáo dục thường xuyên.

4) Thí sinh có năng lực sở trường đã chọn học môn Âm nhạc, Mỹ thuật theo định hướng nghề nghiệp được thi các môn này để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào trung cấp, cao đẳng, đại học.

Hiện các nhà trường trung học phổ thông trên cả nước rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm chốt phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 trở đi để học sinh có cơ sở trong việc chọn môn học phù hợp với khả năng và mong muốn nghề nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/thi-tot-nghiep-thpt-5-hay-6-mon-lich-su-bat-buoc-hay-lua-chon-185230825163714195.htm

[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/cong-bo-du-thao-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-119230317190850777.htm

[3] https://congan.com.vn/doi-song/se-doi-moi-hoan-toan-tu-nam-2025_150190.html

[4] https://giaoduc.net.vn/ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-2022-co-hon-58000-thi-sinh-tu-do-post226465.gd

[5] https://giaoduc.net.vn/tphcm-khao-sat-phuong-an-to-chuc-ky-thi-tot-nghiep-tu-2025-toi-xin-co-y-kien-post237151.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương