TPHCM khảo sát phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ 2025, tôi xin có ý kiến

08/08/2023 06:41
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khảo sát ý kiến giáo viên về 2 phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Ngày 5/8/2023, tôi nhận được một đường link khảo sát từ lãnh đạo đơn vị nơi tôi đang công tác (Thành phố Hồ Chí Minh ) về phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. [1]

Ngày 6/8/2023, một số đồng nghiệp ở các tỉnh, thành cũng chuyển cho tôi một đường link khảo sát có nội dung tương tự về kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Nội dung link ghi rõ: Dành cho mục đích nghiên cứu, không phải là chính sách chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2]

Nội dung khảo sát cho biết, dự thảo phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, kỳ thi được tổ chức thi theo môn trong 03 ngày, gồm các môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và các môn học lựa chọn (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Nội dung khảo sát đề nghị giáo viên nghiên cứu và cho ý kiến về một trong hai phương án môn thi sau đây:

Nội dung khảo sát 2 phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025. (Ảnh: Ánh Dương)
Nội dung khảo sát 2 phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025. (Ảnh: Ánh Dương)

Phương án thi thứ nhất

Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông dự thi 04 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 02 môn lựa chọn trong số 04 môn đã lựa chọn học ở lớp 12;

Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông dự thi 03 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 02 môn lựa chọn trong số 04 môn đã lựa chọn học ở lớp 12.

Ưu điểm của phương án thi thứ nhất:

1) Kế thừa kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay về quy định số môn thi; phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và môn học lựa chọn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

2) Việc thi nhiều môn góp phần đánh giá toàn diện hơn quá trình học tập; giúp thí sinh phát huy năng lực, sở trường; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học.

Một số hạn chế của phương án thi thứ nhất:

1) Công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh còn nặng nề (mỗi thí sinh có thể phải dự thi đến 03 ngày);

2) Chưa bảo đảm bình đằng về đánh giá kết quả học tập giữa thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông và thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp cấp trung học phổ thông trong khi đề thi mỗi môn thi giống nhau, bằng tốt nghiệp cấp trung học phổ thông giống nhau;

3) Chưa bảo đảm bình đẳng giữa các thí sinh trong chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình để sử dụng kết quả thi xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học.

Chẳng hạn, thí sinh dự thi có năng lực, sở trường và nguyện vọng xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học theo tổ hợp môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ sẽ có lợi thế nhiều hơn so với thí sinh chọn tổ hợp môn Toán, Vật lí, Hóa học để xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học;

4) Thí sinh có năng lực sở trường đã chọn học môn Âm nhạc, Mỹ thuật theo định hướng nghề nghiệp nhưng không được thi các môn này để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phương án thi thứ hai

Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông đều dự thi 02 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và 02 môn lựa chọn trong số các môn đã học ở lớp 12.

Ưu điểm của phương án thi thứ hai:

1) Công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh gọn nhẹ, giảm tốn kém (để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông mỗi thí sinh có thể chỉ dự thi trong 1,5 ngày cho 04 môn thi);

2) Bảo đảm cân bằng trong việc chọn tổ hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội giữa các thí sinh xét tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học;

3) Bảo đảm bình đẳng về đánh giá kết quả học tập giữa thí sinh học giáo dục phổ thông và thí sinh giáo dục thường xuyên.

Một số hạn chế của phương án thi thứ hai:

1) Tác động của việc tổ chức kỳ thi đối với quá trình dạy học ở cấp trung học phổ thông ít nhiều còn hạn chế nhất là đối với môn Ngoại ngữ, Lịch sử;

2) Thí sinh có năng lực sở trường đã chọn học môn Âm nhạc, Mỹ thuật theo định hướng nghề nghiệp nhưng không được thi các môn này để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phương án thi thứ 2 giảm áp lực cho thí sinh

Qua việc khảo sát 2 phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, cá nhân tôi nghiêng về phương án thứ hai vì:

1) Giảm áp lực thi cử cho thí sinh; 2) bảo đảm cân bằng trong việc chọn tổ hợp môn cho thí sinh xét tuyển sinh vào đại học; 3) Bình đẳng về đánh giá kết quả học tập giữa các đối tượng thí sinh (giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên).

Hơn nữa, hiện nay thí sinh có thể xét tuyển vào đại học theo nhiều phương thức như: lấy điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực,... bên cạnh kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì việc chọn phương án thi tốt nghiệp gồm 02 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 02 môn lựa chọn, theo tôi là hợp tình, hợp lí.

Tôi cho rằng ngành giáo dục cần chỉ đạo các nhà trường phổ thông phải quyết liệt thay đổi phương pháp dạy học môn Ngoại ngữ (chủ yếu là môn Tiếng Anh), Lịch sử để nâng cao chất lượng dạy, học thì lúc đó phương án thi thứ 2 - thí sinh dự thi 02 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 02 môn lựa chọn - mới có hiệu quả.

Tôi lấy ví dụ, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua cho thấy, việc cải thiện chất lượng dạy, học môn Tiếng Anh trong trường phổ thông còn nhiều vướng mắc, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực trạng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không thể giao tiếp, sử dụng tiếng Anh đang là thách thức rất lớn.

Để học sinh thành thạo bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) môn Ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo tôi, ngành giáo dục cần tích hợp chương trình, giảm tải môn học, tăng thời lượng dạy, học.

Để học sinh nâng cao kỹ năng giao tiếp, phải bố trí thêm giáo viên chuyên luyện kỹ năng nghe, nói, không nên để một giáo viên đảm nhiệm cả bốn kỹ năng như hiện nay.

Cùng với đó, cần đầu tư phòng học, thiết bị dạy học đạt chuẩn, đội ngũ giáo viên bảo đảm chất lượng... Đặc biệt, phải có thẩm định chất lượng học ngoại ngữ từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông và có sự liên thông chặt chẽ.

Tương tự, với môn Lịch sử, học sinh cần thường xuyên được đến bảo tàng, tham gia hoạt động trải nghiệm nhằm giúp các em say mê và thấu hiểu lịch sử, từ đó có tình yêu thương, cảm phục, lòng tự hào và tự tôn dân tộc.

Học sinh có thể làm dự án, hoàn thiện các sản phẩm như vẽ tranh, chụp ảnh, làm poster, viết bài luận, dựng video... để lấy điểm kiểm tra, đánh giá thay cho việc phải học thuộc lòng nội dung trong sách giáo khoa.

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay vẫn ra theo dạng trắc nghiệm, kiểm tra trí nhớ thí sinh. Đó cũng là lí do khiến giáo viên không dám từ bỏ cách dạy nhồi nhét kiến thức dẫn đến học sinh sợ học sử.

Tôi cũng mong thí sinh được chọn môn Âm nhạc và Mỹ thuật để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSc7Q1cV7__TkFKT1rdYWzQdVgNmk7vmcLF6dzIkeceWv3_LyA/viewform

[2]https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSc7Q1cV7__TkFKT1rdYWzQdVgNmk7vmcLF6dzIkeceWv3_LyA/viewform

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương