Thi và kiểm tra học kỳ ở trường phổ thông khác nhau như thế nào?

20/12/2023 06:44
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trừ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, các cuộc thi luôn có sự cạnh tranh thứ bậc cao, thấp với nhau và tỉ lệ, số lượng giải được Ban tổ chức ấn định từ trước.

Cách gọi “thi” hoặc “kiểm tra” trong các trường phổ thông thì thầy và trò không xa lạ gì vì học kỳ nào, năm học nào cũng gặp những từ ngữ này. Tuy nhiên, gọi đúng tên gọi thì không phải học sinh nào, giáo viên nào cũng gọi đúng.

Việc một số giáo viên, học sinh không gọi đúng bản chất vấn đề một phần là do thói quen, một phần là chưa nắm kĩ mục đích của việc thi và kiểm tra ở nhà trường phổ thông một cách cặn kẽ.

Chính vì thế, trong dịp kiểm tra học kỳ ở các nhà trường, mọi người vẫn thường nghe từ “thi học kỳ”, thậm chí có người còn gọi “thi kiểm tra học kỳ”. Lỗi sơ đẳng này không chỉ một số giáo viên, học sinh mà Ban giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên sử dụng sai từ ngữ trong các kế hoạch của nhà trường và lúc triển khai công việc trước hội đồng sư phạm.

Ảnh minh họa: Nguyễn Cao

Ảnh minh họa: Nguyễn Cao

Kiểm tra và thi khác nhau như thế nào?

Hàng chục năm nay, trong các văn bản hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, xếp loại học lực, cho học sinh không có cụm từ nào gọi là “thi”. Chẳng hạn, khi học Chương trình 2006, Bộ ban hành Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Sau đó, Bộ ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/ 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi triển khai Chương trình 2018, ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Đối với Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT có các loại bài kiểm tra: Kiểm tra thường xuyên (KTtx) gồm: Kiểm tra miệng; kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết. Kiểm tra định kỳ (KTđk) gồm: Kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ (KThk).

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn có 2 hình thức đánh giá: Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

- Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.

Chính vì vậy, việc kiểm tra (đánh giá) thường xuyên hay định kỳ mà giáo viên và nhà trường tổ chức đối với từng môn học, từng học kỳ chỉ gọi là kiểm tra thường xuyên hoặc kiểm tra định kỳ (kiểm tra giữa học kỳ; bài kiểm tra cuối học kỳ) mà thôi.

Việc kiểm tra này chỉ mang tính chất đánh giá lại quá trình học tập của học trò nên kiểm tra thường xuyên do giáo viên bộ môn tự thực hiện; kiểm tra định kỳ do nhà trường tổ chức hội đồng và học sinh làm bài không nhiều áp lực vì các em được bao nhiêu điểm thì cộng với các điểm còn lại thành điểm trung bình môn, kết quả học tập của học kỳ, năm học.

Từ đó, ra kết quả học lực: Giỏi; Khá; Trung bình; Yếu; Kém (các lớp học chương trình 2006) và xếp vào các loại tương ứng: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt (các lớp học chương trình 2018). Cuối năm học, những em xếp loại trung bình môn ở mức Yếu hoặc Chưa đạt thì được kiểm tra lại trong dịp hè.

Hiểu một cách đơn giản, kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Trong khi đó, từ “thi” - trừ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ra thì các cuộc thi, hội thi thường mang tính cạnh tranh thứ hạng với nhau giữa lớp này với lớp khác, giữa trường này với trường khác, địa phương này với địa phương khác.

Có thể kể đến như: thi học sinh giỏi cấp huyện; thi học sinh giỏi cấp cấp tỉnh; thi học sinh giỏi quốc gia; thi kể chuyện; thi văn nghệ; thi Hội khỏe Phù Đổng; thi tìm hiểu…

Vì thế, trừ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, các cuộc thi luôn có sự cạnh tranh thứ bậc cao, thấp với nhau và tỉ lệ, số lượng giải đã được Ban tổ chức ấn định từ trước. Vì thế, khi tham gia thi thì có em đậu, có em rớt, có em đạt giải cao (Nhất, Nhì, Ba…) và cũng có nhiều em không đạt giải.

Những em không đạt giải sẽ không có cơ hội “thi lại” trong năm học đó để đạt giải. Người thi chỉ được tham gia thi một lần duy nhất trong thời gian tổ chức kỳ thi được cấp có thẩm quyền quy định.

Thay đổi tên gọi phải bắt đầu từ các thầy cô giáo ở nhà trường

Thỉnh thoảng, đọc các kế hoạch kiểm tra học kỳ của nhà trường hằng năm, chúng tôi vẫn thường xuyên bắt gặp một số từ, cụm từ như: “ôn thi”; “ngày thi”; “bài thi”; “môn thi”; “gác thi”; “phòng thi”; “chấm thi”…

Trước mỗi buổi kiểm tra, Ban giám hiệu vẫn sinh hoạt nhiều khi vẫn nói “thi học kỳ”, thậm chí có lúc còn nhấn mạnh “thi kiểm tra học kỳ”.

Trên bảng ghi lịch kiểm tra hằng ngày và phân công giám thị vẫn viết “Hội đồng thi”; “môn thi”. Trên lớp, một số giám thị vẫn viết trên bảng “Thi học kỳ”; “môn thi” như một thói quen…

Thay đổi thói quen, hay nói đúng hơn là gọi đúng tên cho một kỳ kiểm tra định kỳ ở nhà trường là điều mà các thầy cô cần thay đổi. Đặc biệt là những thầy cô quản lý ở các nhà trường phổ thông.

Khi làm Kế hoạch kiểm tra học kỳ, Ban giám hiệu bỏ đi từ “thi” khi không cần thiết. Khi viết trên bảng các lớp, giáo viên chỉ cần viết: “Kiểm tra cuối học kỳ I”; “Môn: Lịch sử” thì mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Một khi mà thầy cô nói đúng, viết đúng thì học sinh cũng sẽ gọi đúng. Nếu học sinh gọi chưa đúng, thầy cô có thể nhắc nhở học sinh gọi đúng tên gọi. Thực tế cho thấy, bản chất của “thi” và “kiểm tra” hoàn toàn khác nhau nhưng những nhầm lẫn trong các nhà trường hiện nay vẫn xuất hiện khá nhiều.

Những lỗi sơ đẳng này không chỉ đối với học sinh, phụ huynh mà ngay cả một số nhà giáo, quản lý nhà trường, thậm chí có cả chuyên viên phòng, sở giáo dục khi ban hành kế hoạch kiểm tra học kỳ vẫn thường lặp lại.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI