Thiếu giáo viên, thiếu trường lớp và những bài toán đặt ra cho ngành GD năm 2023

24/01/2023 06:32
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ kỳ vọng, năm 2023 sẽ thực hiện thật tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo mục tiêu đặt ra.

Thành tựu giáo dục năm 2022 là kỳ vọng cho chất lượng giáo dục thời gian tới

Trò chuyện với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong những ngày đầu xuân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, năm 2022, mặc dù chúng ta vẫn phải chịu tác động ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng nhìn chung, ngành giáo dục đã duy trì được sự ổn định và đảm bảo được chất lượng.

Đặc biệt, trong năm qua, học sinh Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong các kỳ thi quốc tế, khẳng định được vị thế của giáo dục Việt Nam, đây cũng là tín hiệu đáng mừng về chất lượng của giáo dục của chúng ta.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ phấn khởi khi chia sẻ về những thành tựu của ngành giáo dục năm 2022. (Ảnh: Tùng Dương)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ phấn khởi khi chia sẻ về những thành tựu của ngành giáo dục năm 2022. (Ảnh: Tùng Dương)

Năm 2022, chúng ta cũng duy trì, phát triển số lượng học sinh theo chiều hướng phát triển của dân số, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho người dân. Toàn ngành đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng hơn trong công tác giảng dạy và quản lý. Đó là những thành tựu đáng ghi nhận, tạo động lực và cho chúng ta kỳ vọng, tin tưởng tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trong năm tiếp theo.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận những vấn đề nổi cộm, chưa làm được trong thời gian qua để có giải pháp khắc phục.

Thời gian qua, một trong những vấn đề bức thiết cần được quan tâm là thiếu giáo viên, đặc biệt là thiếu giáo viên đáp ứng cho chương trình giáo dục phổ thông mới, như các môn Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin, Mỹ Thuật, Âm nhạc.

Nhu cầu về giáo viên luôn biến động theo quy luật hình sin (lượn sóng), có lúc tăng, lúc giảm. Cách đây 3 - 4 năm về trước, chúng ta thừa giáo viên nhưng đến nay lại thiếu giáo viên trầm trọng. Tuy nhiên, để có nhân lực giáo viên phải trải qua quá trình đào tạo 4 năm, nếu không có kế hoạch, tầm nhìn dài hạn thì chúng ta có thể đối mặt với sự thiếu hụt đội ngũ, vì không phải thiếu là bổ sung ngay được. Một khi thiếu giáo viên thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Và để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng giáo viên, chúng ta phải xem xét, tính toán việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm.

Từ yêu cầu về chuẩn giáo viên theo Luật Giáo dục 2019, hiện nay đang có xu hướng sáp nhập hay giải thể một số trường cao đẳng sư phạm địa phương. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi một cơ sở đào tạo giáo viên không phải một sớm, một chiều là có ngay được, nếu khi nhu cầu giáo viên tăng cao mà không có đủ cơ sở đào tạo thì hệ quả khó lường.

Vậy nên phải tính toán lại, có giải pháp để nhanh chóng ổn định tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên, phân cấp rõ ràng nhiệm vụ đào tạo giáo viên từ trung ương đến địa phương.

Thầy Nhĩ trăn trở: “Hiện nay, còn một tồn tại là chế độ chính sách, cơ chế lương thưởng đối với giáo viên cũng chưa đủ tốt để họ yên tâm gắn bó với nghề.

Trong năm 2022, có đến 16.000 giáo viên nghỉ việc, đây là con số báo động về nhân lực đội ngũ ngành giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có đề xuất nâng mức lương, phụ cấp cho giáo viên, song, chúng ta phải nghiên cứu thêm những chính sách đãi ngộ, có mức thang lương ưu đãi đối với giáo viên sao cho thỏa đáng.

Trong năm 2023, phải nhanh chóng giải quyết bài toán thiếu giáo viên, cùng với đó, trong bối cảnh ngân sách cho giáo dục còn eo hẹp thì cần có các chính sách đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để có thể dành ngân sách tăng thêm phụ cấp cho giáo viên”.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ kỳ vọng, năm 2023, ngành giáo dục sẽ làm tốt vấn đề chuyển đổi số, tạo cú hích mạnh mẽ trong giảng dạy và quản lý, đào tạo nên những học sinh có trình độ công nghệ số trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, phải thực hiện thật tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, đổi mới sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học,... đảm bảo đạt được mục tiêu đã đặt ra.

Thứ ba, đối với giáo dục đại học, cần nghiên cứu các chính sách để thúc đẩy tự chủ đại học một cách mạnh mẽ hơn, để tự chủ đi vào thực chất và tạo cơ chế cho giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ, hội nhập với giáo dục thế giới.

Đồng thời, chúng ta phải nhanh chóng giải quyết vấn phân cấp đào tạo, quản lý đội ngũ giáo viên từ trung ương đến địa phương, xây dựng các trường cao đẳng sư phạm từng bước trở thành những trường đại học địa phương đa ngành.

Cần sớm giải quyết bài toán thiếu giáo viên, thiếu trường lớp

Chia sẻ với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, bức tranh giáo dục năm 2022 đã có nhiều khởi sắc, nhiều tín hiệu tích cực, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất là tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương và thiếu trường học ở những thành phố lớn. Đây là hai vấn đề bức thiết cần được quan tâm giải quyết hiện nay.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: moet.gov.vn)

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: moet.gov.vn)

Tính đến năm 2022, cả nước thiếu 100.000 giáo viên, thừa cục bộ hơn 5.♦000 giáo viên và có 16.000 giáo viên nghỉ việc (theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng, cần phải xác định thiếu giáo viên vì nguyên nhân gì, thiếu tổng số hay thiếu theo cơ cấu thành phần. Từ đó đưa ra được hướng xử lý đúng đắn.

Nếu chúng ta không tìm hiểu nguyên nhân, không có dự báo về nhu cầu giáo viên cũng như không có kế hoạch dài hạn trong việc đào tạo nguồn giáo viên thì sẽ rất đáng lo ngại về bài toán giáo viên trong tương lai.

Khi thừa thiếu giáo viên cục bộ với số lượng lớn, chứng tỏ công tác dự báo của chúng ta chưa làm tốt. Cơ quan quản lý Nhà nước phải có sự chỉ đạo tập trung, tổ chức hướng dẫn cho các địa phương thực hiện dự báo nhu cầu giáo viên tương lai theo từng năm, từ tổng số đến cơ cấu thành phần (nhu cầu giáo viên theo bộ môn, theo cấp học, theo trình độ đào tạo,…). Từ đó,chúng ta tập hợp dữ liệu thông tin trên toàn quốc để có giải pháp khả thi, hiệu quả.

Việc dự báo căn cứ vào mức độ tăng dân số cơ học ở từng khu vực, vùng miền, bởi sự sự dao động dân số kéo theo dao động sĩ số học sinh. Bên cạnh đó cần lưu tâm đến dự báo nguồn bổ sung đào tạo ở các trường sư phạm qua từng năm, từng giai đoạn.

“Điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân của vấn đề thiếu giáo viên, tương ứng với mỗi nguyên nhân chúng ta sẽ đưa ra giải pháp phù hợp. Ví dụ thiếu nguồn tuyển là do các trường sư phạm đào tạo không đủ số lượng đáp ứng nhu cầu, trường hợp này phải có giải pháp tăng cường đào tạo cho các cơ sở đào tạo giáo viên. Hay nếu nguồn tuyển dư thừa nhưng do biên chế hạn hẹp thì phải tiếp tục tăng biên chế cho ngành giáo dục.

Nếu thiếu giáo viên theo từng môn học, vì có những môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà chúng ta chưa đào tạo kịp thì cần phải có giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề. Có thể lựa chọn những người có chuyên môn theo từng môn học và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có cơ chế thu hút họ tham gia giảng dạy tại các trường học.

Song, cuối cùng vẫn phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn trong việc đào tạo cũng như tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ số lượng và đạt chất lượng”, thầy Báo phân tích.

Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, thêm một vấn đề bất cập nữa là chúng ta thiếu sự đồng bộ trong cơ chế quản lý, vì thực tế trong nhiều năm qua, các địa phương thiếu giáo viên nhưng lại không có biên chế. Việc cắt giảm biên chế giáo viên đã ảnh hưởng tới vấn đề tuyển dụng ở các tỉnh, thành phố. Bộ Giáo dục và Đào tạo không được nắm quyền quyết định đối với tài chính và nhân sự cho ngành giáo dục.

Về vấn đề thiếu lớp học, trường học ở các đô thị lớn, Giáo sư Báo cho rằng nguyên nhân vì chưa có chiến lược đô thị hóa bền vững. Một nghịch lý hiện nay là khi các đô thị thiếu trường học, lớp học thì ở một số vùng nông thôn lại sáp nhập hai trường học làm một, có một số cơ sở bị bỏ hoang.

Chính vì vậy, phải có chiến lược lâu dài và bền vững trong việc phát triển đô thị hóa, đảm bảo trường học, lớp học cho các em ở khu vực đô thị, thành phố trung tâm.

Bước sang năm mới, Giáo sư Đinh Quang Báo gửi gắm ngành giáo dục sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để chủ động vượt qua những khó khăn còn tồn tại.

“Tôi tin tưởng toàn ngành sẽ từng bước cải thiện để nâng cao chất lượng. Một khi chất lượng giáo dục được nâng lên, giải quyết tốt bài toán đội ngũ từ số lượng đến chất lượng thì chúng ta mới có thể thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, và đó cũng chính là yếu tố đảm bảo giáo dục phát triển mạnh, bền vững”, thầy Báo khẳng định.

Phạm Minh