Thiếu giáo viên vẫn là bài toán khó đối với hệ giáo dục thường xuyên

26/08/2024 08:41
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm học 2023 - 2024, GDTX tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ nâng quy mô học viên, đa dạng hóa nội dung dạy học theo nhu cầu của cộng đồng, xóa mù chữ,...

Mạng lưới trường bao phủ cả nước, số lượng học viên cấp trung học phổ thông tăng lên

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.

Đến nay, quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.

Cả nước hiện có 19.651 cơ sở giáo dục thường xuyên (tăng 834 cơ sở giáo dục thường xuyên so với năm học 2022 - 2023).

Trong đó gồm có các trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (bao gồm cả trung tâm giáo dục kỹ năng sống).

Các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ động xây dựng và triển khai tổ chức linh hoạt kế hoạch dạy học của trung tâm. Tư vấn hướng dẫn học viên và cha mẹ học viên lựa chọn các môn học phù hợp với năng lực của học viên theo định hướng nghề nghiệp.

Các địa phương đã chú trọng rà soát, phân loại trình độ học sinh, xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi để chuẩn bị cho các em đủ điều kiện để tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc thực hiện dạy văn hóa kết hợp với học nghề được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo nội dung của từng chương trình, đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng.

gdvn-qc3-3173.jpg
Tính đến nay, đã có lệ 98,98% xã/phường/thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. (Ảnh: Trần Lý)

Năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện kế hoạch giảng dạy theo định hướng tinh giản đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học viên, đảm bảo chương trình dạy học; chủ động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên; khuyến khích giáo viên chủ động, tích cực xây dựng, khai thác, sử dụng kho bài giảng điện tử E-learning và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình Giáo dục thường xuyên; đồng thời, tổ chức lớp cho học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đảm bảo quy định và nhu cầu của người học.

Theo thống kê, cả nước có 6.015 học viên theo học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở (giảm 499 học viên so với năm học 2022 - 2023), trong đó, người lao động từ 18 tuổi trở lên là 805 học viên; người khuyết tật là 63 học viên (tập trung tại các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai).

Số người học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông là 422.882 học viên, tăng 38.016 học viên so với năm học 2022 - 2023. Một số tỉnh có số học viên tăng lên là Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình,...

Đa dạng hóa nội dung giảng dạy theo yêu cầu của người học

Ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, các địa phương đã chủ động rà soát, bố trí sắp xếp vị trí công tác cho đội ngũ viên chức và người lao động theo đúng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp tại các phòng chuyên môn giáo dục thường xuyên; phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại các lớp 10 và lớp 11.

Đến nay, cả nước có khoảng 17.666 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (trong đó, có 1.651 cán bộ quản lý giáo dục, 16.015 giáo viên, 3.140 nhân viên).

Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã bám sát định hướng đổi mới Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông để chủ động tuyển dụng giáo viên, đưa giáo viên đào tạo lại, đào tạo bổ sung, sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cùng với việc củng cố, phát triển mạng lưới, nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã chủ động tham mưu với ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến và triển khai kế hoạch chuyển đổi số, đảm bảo cung ứng các chương trình học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho người học ở mọi lứa tuổi trên địa bàn, chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Cơ bản đến nay điều kiện cơ sở vật chất của đa số các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã đảm bảo cho việc giảng dạy các chương trình giáo dục thường xuyên.

Bên cạnh đó, các trung tâm học tập cộng đồng tích cực triển khai các chương trình giáo dục khác đáp yêu cầu đa dạng của người học như: Hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; trồng cây ăn quả và kỹ thuật nuôi gia súc gia cầm; tổ chức phổ biến chuyên đề về kinh tế vườn, kinh tế trang trại, kinh doanh, dịch vụ trong nông nghiệp; tổ chức truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình; phổ biến kiến thức làm mẹ; tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,...

Những nội dung khóa học tại các trung tâm học tập cộng đồng đã mang đến cơ hội học tập thường xuyên cho nhiều người, ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là cho những người không có điều kiện học chính quy.

Số học viên tham gia lớp xóa mù chữ tăng gần 2,5 lần

Về công tác xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ, các địa phương đã chủ động mở các lớp xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ; tuyên truyền, huy động, vận động người chưa biết đọc, biết viết, người chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ; vận động các nguồn lực xây dựng, sửa chữa trường lớp, hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập.

Một số tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Đồng Tháp, Lạng Sơn bình quân mỗi năm mở được hơn 30 lớp xóa mù chữ với trên 1.000 học viên.

Bên cạnh đó, hằng năm, các địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí dành cho công tác xóa mù chữ từ các nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đến nay, đã có 31 địa phương (Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Trà Vinh, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn,...) ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức chi cho công tác xóa mù chữ theo các hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Kết quả, năm học 2023 - 2024, cả nước đã huy động được 90.508 học viên tham gia học các lớp xóa mù chữ (tăng gần 2,5 lần số học viên so với năm học trước); tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 lần lượt là 98,87% và 97,37%.

Thiếu giáo viên vẫn là bài toán khó

Cũng như giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cũng phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên và nhiều khó khăn đặc thù khác.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên biên chế dạy văn hóa tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên còn ít, chưa đủ về số lượng và cơ cấu theo các môn học, đội ngũ giáo viên hợp đồng lao động không ổn định nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Mặt khác, cơ chế chính sách cho đội ngũ nhà giáo chưa đồng bộ, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ tại các địa phương chưa được chú trọng.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên còn thiếu, ít được quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm.

Tại một số địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, đặc biệt ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên còn cũ, lạc hậu, vẫn còn các phòng học cấp 4 hiện đang xuống cấp, tập trung ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,...

image(26).png
Giờ học địa lý của học sinh trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh: Website nhà trường)

Chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế do chất lượng đầu vào giáo dục thường xuyên thấp, học viên chưa có ý thức học tập trong khi cùng một lúc học hai chương trình (chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp trung cấp nghề) nên có khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng.

Việc huy động người mù chữ ra học các lớp xóa mù chữ ở một số địa phương còn nhiều người mù chữ chưa được quan tâm chỉ đạo thường xuyên.

Công tác điều tra, rà soát số người mù chữ chưa được coi trọng, số liệu không cập nhật thường xuyên và chưa chính xác. Việc huy động người học xóa mù chữ tại một số địa phương như Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Trà Vinh còn gặp nhiều khó khăn.

Minh Quân