Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT năm 2012 có hiệu lực chính thức từ hôm nay (14/2).
Người viết là giáo viên trung học phổ thông cũng theo dõi, trao đổi với nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh. Đa số ý kiến ủng hộ các quy định mới của Thông tư và nếu thực hiện nghiêm sẽ mang lại hiệu quả giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
![1-4777-168.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/juznus/2025_02_13/1-4777-168-2784-7769.png)
Hạn chế dạy thêm tràn lan, ngăn chặn hành vi tiêu cực trong dạy thêm
Một trong những điểm mới của Thông tư 29 là quy định dạy thêm không thu tiền trong nhà trường cho 3 đối tượng học sinh: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Quy định mới của Thông tư 29 về cơ bản sẽ không cho phép dạy thêm với học sinh tiểu học; với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, chỉ dạy thêm cho học sinh giỏi và học sinh cần bổ trợ hoặc trường hợp cuối cấp cần ôn thi tốt nghiệp. Nghĩa là, việc học thêm chỉ dành cho những người… thực sự cần nó, chứ không phải theo trào lưu, bị ép buộc hoặc đơn giản chỉ là thói quen.
Thông tư giúp tư duy lại về bản chất của giáo dục không chỉ là truyền dạy kiến thức mà còn là phát triển con người toàn diện. Hệ thống chương trình, kiến thức, sách giáo khoa về cơ bản được thiết kế để cho việc học sinh chỉ cần học trên lớp là đủ. Những người lớn đã trải qua việc học tập và phát triển bản thân thì dễ dàng nhìn ra rằng, việc học không chỉ là tiếp thu kiến thức mà còn là quá trình rèn luyện bản thân. Học sinh cần đến trường để học về tính kỷ luật, về làm việc nhóm, về các kỹ năng sống, kỹ năng xử lý cảm xúc… là những thứ mà khi ra trường, đi làm, các em sẽ phải áp dụng.
Quan trọng hơn, việc quản lý để hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan sẽ là cơ hội để khơi dậy việc tự học, tự tìm tòi tiếp thu kiến thức của học sinh dưới sự hỗ trợ hướng dẫn của thầy cô. Với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, các điều kiện để tự học hiện nay đều rất thuận lợi với đa số học sinh.
Cùng với đó, Thông tư 29 không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa ngoài nhà trường. Quy định này ngăn chặn triệt để nguy cơ giáo viên kéo học sinh của mình đang dạy chính khóa ra ngoài dạy thêm mặc dù học sinh không có nguyện vọng, không có nhu cầu.
Thực tế theo dõi nhiều bài viết về vấn nạn dạy thêm, học thêm được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vừa qua cho thấy, giáo viên dạy thêm ở nhà riêng hoặc thuê phòng dạy thêm trong điều kiện dạy học không đảm bảo và chủ yếu dạy chính học sinh trên lớp của mình. Có lớp bậc tiểu học 45 học sinh mà có đến 30 học sinh đi học thêm lớp bên ngoài do giáo viên chủ nhiệm giảng dạy. Nhiều câu hỏi đặt ra về chất lương giảng dạy thực sự trên lớp của giáo viên, về việc có bao nhiêu học sinh thực sự là có nhu cầu tự nguyện học?
Thông tư 29 đã giải quyết được những tiêu cực này. Và học sinh học thêm bên ngoài nhà trường là hoàn toàn tự nguyện và có nhu cầu thật sự. Nếu các em không có nhu cầu học thêm thì phụ huynh không tốn khoản tiền nào cho con họ học thêm.
Phụ huynh giảm được gánh nặng tài chính
Thứ nhất, việc không phải chi trả các khoản phí học thêm giúp phụ huynh tiết kiệm chi phí, dành nguồn lực cho những nhu cầu khác của gia đình.
Chẳng hạn, trong bài “Tiền học thêm đang là khoản chi phí tốn kém nhất của học sinh phổ thông” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17/08/2024 cho thấy phụ huynh phải chi số tiền học thêm cho con họ rất lớn, dao động từ 2 triệu đến gần 4 triệu đồng mỗi tháng.
Giả sử phụ huynh nuôi từ hai đứa con ăn học thì khoản tiền đóng học thêm cho con họ là gánh nặng lớn đối với họ.
![Mức chi phí cho học tập được một phụ huynh tạm nhẩm tính vào đầu năm cho cả năm học. Trong đó có khoản học thêm gần như tính cố định theo tháng. Có học sinh đã học thêm từ hè. picture3-4109.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/edxwpcqdh/2025_02_10/picture3-4109-2555-7771.png)
Vì vậy, quy định học sinh không đóng tiền học thêm trong nhà trường, không bị ép buộc học thêm tại cơ sở giáo dục ngoài trường học nhận được sự đồng tình rất cao từ phía phụ huynh, đặc biệt đối với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ hai, dạy thêm miễn phí tạo cơ hội tiếp cận kiến thức bình đẳng cho tất cả học sinh, không phân biệt giàu nghèo.
Những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể tham gia học thêm để củng cố kiến thức, nâng cao trình độ, từ đó tăng cơ hội vào các trường học tốt, các bậc học cao hơn.
Việc dạy thêm, học thêm miễn phí góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nơi mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng, không phân biệt điều kiện kinh tế.
Thứ ba, việc dạy thêm không thu tiền thể hiện sự quan tâm, tâm huyết của giáo viên đối với học sinh.
Điều này giúp gắn kết tình thầy trò, tạo môi trường học tập thân thiện, gần gũi, giúp học sinh cảm thấy thoải mái, tự tin hơn trong quá trình học tập.
Dạy thêm miễn phí giúp học sinh củng cố kiến thức, bù đắp những lỗ hổng kiến thức, từ đó nâng cao chất lượng học tập.
Đồng thời, giáo viên cũng có cơ hội trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn.
Ngoài ra, việc dạy thêm, học thêm không thu tiền còn có thể mang lại những lợi ích khác như giảm bớt áp lực về tiền bạc cho học sinh và phụ huynh, tạo môi trường học tập thoải mái, lành mạnh, giúp học sinh tập trung vào việc học tập; thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp.
Tuy nhiên, để việc dạy thêm, học thêm không thu tiền đạt hiệu quả giáo dục, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa giáo viên, nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Giáo viên cần có tâm huyết, trách nhiệm; học sinh cần có ý thức tự giác, chăm chỉ; phụ huynh cần ủng hộ, động viên con em mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.