LTS: Bàn về vấn đề miễn giảm học phí đối với sinh viên ngành Sư phạm, Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam) có một vài ý kiến, đề xuất gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Gần 20 năm trước, ngày 31/8/1998, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 54/TTLT-Bộ GD&ĐT-TC về việc “Hướng dẫn thực hiện thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.
Thông tư đề cập đến chế độ miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên ngành Sư phạm.
Sự ra đời của Thông tư 54/TTLT-Bộ GD&ĐT-TC ngoài mục đích tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chính sách và số hộ nghèo chưa đủ khả năng chi trả cho con em theo học bậc đại học cũng còn nhằm khuyến khích thí sinh học lực khá theo học ngành Sư phạm.
Cần thu hút người vào học sư phạm phải là mức lương và việc làm chứ không phải là miễn học phí. (Ảnh minh hoạ: giaoducthoidai.vn) |
Căn cứ vào chuẩn nghèo quốc gia do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành, năm 1990 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là hơn 30%;
Năm 1992 giảm còn 30%, năm 1998 còn 15,7%, năm 2001 là xấp xỉ 17% và năm 2000 khoảng 10%. [1]
Theo số liệu mới công bố, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 8,23% (1.985.607 hộ), năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là dưới 7%. [2]
Như vậy, tại thời điểm ban hành Thông tư 54/TTLT-Bộ GD&ĐT-TC, số hộ nghèo chiếm 15,7% tổng số hộ cả nước và năm 2017 này số hộ nghèo giảm trên 50%.
Nếu tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm từ 1-1,5% được duy trì thì sau khoảng 5 năm nữa Việt Nam sẽ hết hộ nghèo (nếu nhà nước không có sự thay đổi về chuẩn nghèo).
Ngày 13/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo khoa học “Tác động của chính sách miễn học phí đối với chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên”.
Đa số ý kiến trình bày trong hội thảo đồng tình với đề xuất của Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, rằng nên bỏ chế độ miễn học phí với sinh viên sư phạm.
Tuy nhiên, một số cho rằng cần có lộ trình để các trường sư phạm chuẩn bị chuyển từ bao cấp sang tự chủ theo chủ trương chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cũng để các gia đình, phụ huynh học sinh có thời gian cân nhắc việc cho con em theo học ngành nào.
Người viết cho rằng việc duy trì hay bãi bỏ một chính sách cần được cân nhắc theo các hướng:
Thứ nhất, chính sách đó có đáp ứng nguyện vọng của mọi tầng lớp dân cư hay không?
Thứ hai, chính sách đó nếu được duy trì có mang lại hiệu quả tích cực, tạo động lực phát triển cho ngành liên quan nói riêng và xã hội nói chung hay không?
Thứ ba, bãi bỏ một chính sách đang thực thi cần giải quyết đồng bộ với việc ban hành những chủ trương, chính sách thay thế và cần đánh giá tác động đến đối tượng thụ hưởng chính sách đó.
Về vấn đề thứ nhất: Năm 2017 này, cả nước chỉ còn 7% hộ nghèo.
Không phải hộ nghèo nào cũng có con theo học trình độ đại học.
Do không có con số chính xác nên giả thiết khoảng 1/3 số hộ nghèo có con theo học cao đẳng, đại học (hơn 2%).
Trong 1/3 đó giả sử số theo học Sư phạm là 50% thì chính sách miễn giảm học phí chỉ có tác dụng với khoảng 1% hộ nghèo cả nước.
Rõ ràng chính sách miễn học phí ngành Sư phạm không có tác dụng nhiều với toàn bộ dân cư kể cả với hộ nghèo.
Vấn đề thứ hai: Duy trì miễn học phí có thực sự thu hút được học sinh giỏi vào ngành Sư phạm?
Câu hỏi này có thể trả lời ngay qua điểm chuẩn tuyển sinh vào các trường khối Y, Dược, Công an, Quân đội so với khối Sư phạm.
Điểm tuyển sinh cao đẳng, đại học ngành Sư phạm chưa bao giờ đạt đến ngưỡng thấp của các trường tốp đầu.
Đó là dẫn chứng không thể bàn cãi về việc Sư phạm không phải là ngành được thí sinh quan tâm.
Dưới đây là một vài số liệu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố.
Năm 2016, Nhà nước chi khoảng 10.172 tỷ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho trên 15,8 triệu đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo, người thuộc hộ cận nghèo;
Năm 2016, trên 21.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được vay tiền lần đầu với tổng số tiền hơn 27.321 tỷ đồng. [3]
Như vậy nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo mà việc miễn giảm học phí chỉ là một trong các chính sách đó.
Chúng ta đang thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học và tiến tới có thể là phổ cập cả bậc trung học cơ sở.
Nếu chủ trương này được thực thi, sẽ cần một nguồn lực rất lớn nên ngân sách quốc gia không thể dàn trải.
Từ các số liệu trích dẫn, có thể thấy bãi bỏ chế độ miễn học phí sinh viên sư phạm chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận rất nhỏ dân cư và sau vài năm nữa, khi không còn hộ nghèo thì chủ trương này cũng tự nhiên không còn phù hợp.
Vấn đề thứ ba: Chủ trương xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp mới chỉ là một trong nhiều giải pháp thu hút nhân lực cho ngành Sư phạm.
Tăng lương giáo viên, miễn học phí thành điểm nóng góp ý sửa Luật Giáo dục |
Đào tạo theo địa chỉ, bố trí công việc sau khi sinh viên sư phạm ra trường theo hướng sinh viên xuất sắc, giỏi được ưu tiên chọn trường là việc không thể trì hoãn.
Nên đẩy nhanh tiến trình xây dựng Luật Nhà giáo, thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo vào một đầu mối duy nhất thay vì tình trạng phân mảnh như hiện nay.
Cả ba vấn đề đặt ra đều đã có câu trả lời, do vậy việc bỏ chế độ miễn học phí ngành Sư phạm có lẽ chỉ nên bàn thêm về khía cạnh thời điểm, ngay bây giờ hay thêm một vài năm chuẩn bị để đỡ xáo trộn.
Xin bàn thêm một chút về vài ý kiến nêu trong hội thảo.
Thống kê của nhóm nghiên cứu Khoa Sư phạm, Đại học Cần Thơ nêu con số hơn 50% sinh viên chọn ngành Sư phạm do được miễn học phí, 55% sinh viên nói họ sẽ bỏ học nếu phải đóng học phí.
Đây mới chỉ là số liệu khoa Sư phạm của Đại học Cần Thơ và như vậy chưa phản ánh tình hình chung của các trường Sư phạm toàn quốc.
Mặt khác, nếu Sư phạm không phải là ngành yêu thích mà chỉ vì lý do được miễn học phí nên theo học thì có nên chấp nhận đầu vào như vậy?
Liệu sau này những giáo viên ấy có yêu nghề, có dành tâm huyết với nghề hay họ sẵn sàng bỏ nghề kiếm công việc khác?
Miễn học phí cho sinh viên sư phạm nói đúng ra là một giải pháp tình thế nhằm thu hút thí sinh vào ngành này.
Chủ trương này có thể phù hợp với một số gia đình gặp khó khăn về kinh tế chứ chưa chắc đã phù hợp với nguyện vọng của thí sinh.
Bởi học sư phạm ra làm nhà giáo không phải là lựa chọn đầu tiên của phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nếu không nói đó là lựa chọn cuối cùng.
Sau nhiều năm thực hiện, giải pháp tình thế ấy không mang lại chuyển biến mang tính đột phá cho công tác đào tạo đội ngũ giáo viên.
Đến năm 2017 này, điểm chuẩn vào ngành Sư phạm vẫn thua kém nhiều ngành khác như Y, Dược, Quân đội, Công an,…
Trong các kỳ tuyển sinh mấy năm gần đây, dòng thí sinh đổ xô vào các trường Quân đội, Công an, kể cả hệ dân sự nói lên điều gì?
Nếu miễn học phí góp phần tuyển chọn thí sinh giỏi cho ngành Sư phạm thì việc tiếp tục là không cần bàn luận.
Còn nếu chỉ để giải quyết khó khăn kinh tế cho gia đình thí sinh thì có nhiều cách làm khác như chính sách cho vay, trao học bổng,…
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu, lỗi thời |
Điều quan trọng nhất với người học là ra trường tìm được việc làm, thu nhập cao thì càng tốt.
Ngành Sư phạm hiện nay không đáp ứng được cả hai tiêu chí đó.
Vậy nên dẫu có miễn học phí thì thí sinh vẫn không xem sư phạm là “lựa chọn ưu tiên” - điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, thậm chí có vị Hiệu trưởng một trường Sư phạm còn nêu ý kiến:
“Tôi cam đoan trong số 100 giáo viên chỉ có vài ba người tâm huyết, sẵn sàng hi sinh vì nghề”. [4]
Tổ chức hội thảo “Tác động của chính sách miễn học phí đối với chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên” là một hoạt động đúng hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, dường như những người tổ chức vẫn còn né tránh, vẫn ngại động chạm đến những nhóm đối tượng khác đang được miễn học phí.
Căn cứ vào khoản 10, 11, 12 điều 4 Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì đối tượng miễn học phí gồm:
Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh;
Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Trong các nhóm đối tượng nêu trên, có những nhóm mà việc miễn học phí không phản ánh đúng sự công bằng xã hội trong đào tạo cũng như đãi ngộ (phụ cấp ưu đãi) sau khi ra trường.
Người viết đã rất nhiều lần đề xuất ý kiến về kế hoạch đào tạo giáo viên các cấp, nhân đây xin nhắc lại một lần nữa:
Điều quan trọng nhất thu hút thí sinh vào Sư phạm là sau khi tốt nghiệp được bố trí việc làm, muốn vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm một số việc sau đây:
Thứ nhất: Tổng điều tra lực lượng giáo viên từ mầm non đến phổ thông trung học theo các tiêu chí: Độ tuổi, chuyên môn, phân vùng lãnh thổ, trình độ đào tạo,…
Thứ hai: Sử dụng số liệu tổng điều tra dân số và khả năng biến động dân số trong vòng 5-10 năm để dự đoán số lượng học sinh nhập học các cấp.
Thứ ba: Sắp xếp lại mạng lưới các trường theo hướng trường liên cấp để tinh giản đội ngũ quản lý, chuyển lực lượng dôi dư sang làm giáo viên.
Thứ tư: Đề xuất với nhà nước chế độ “nghĩa vụ” đối với giáo viên, nghĩa là có chính sách rõ ràng đối với nhà giáo công tác ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, sự luân chuyển giáo viên phải làm công khai, minh bạch.
Thứ năm: Xây dựng phần mềm quản lý giáo viên cả nước, trước mắt cần hình thành “Cơ sở dữ liệu giáo viên” từ đó viết phần mềm quản lý và dự báo nhu cầu giáo viên các địa phương.
Phần mềm quản lý phải đưa ra số liệu chính xác trong năm có bao nhiêu giáo viên sẽ nghỉ hưu, dự báo số giáo viên bỏ nghề hoặc chuyển sang làm công tác quản lý từ đó quyết định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt hàng, người viết khẳng định nhiều doanh nghiệp phần mềm có thể hoàn thành trong vòng 6 tháng với nguồn kinh phí không cao (trong trường hợp Cục Công nghệ Thông tin của Bộ không đủ nhân lực).
Bỏ chế độ miễn học phí ngành Sư phạm phải là một tiến trình đồng bộ, nghĩa là phải hình thành chính sách tác động tích cực đến nhà giáo trong cả cuộc đời hành nghề chứ không phải chỉ trong 4 năm học tập.
Nói cách khác thu hút người vào học sư phạm phải là mức lương và việc làm chứ không phải là học phí.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/Ngh%C3%A8o_%E1%BB%9F_Vi%E1%BB%87t_Nam
[2] https://laodong.vn/kinh-te/nam-2017-ti-le-ho-ngheo-uoc-giam-con-duoi-7-569718.ldo
[3] http://laodongxahoi.net/nam-2017-viet-nam-phan-dau-giam-ty-le-ho-ngheo-tu-1-15nam-1306149.html