Thư ngỏ cuối năm, cứ đến hẹn là nhà trường… sẽ gửi!

27/04/2023 06:36
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một khi bệnh thành tích còn thì thư ngỏ sẽ còn. Cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác và không biết bao giờ mới kết thúc!

Phụ huynh có con đang theo học tại các trường mầm non đến trung học phổ thông có lẽ đã quá quen thuộc với chuyện “thư ngỏ” vận động đóng góp của nhà trường trong mỗi năm học. Thông thường, mỗi năm, phụ huynh sẽ có 3 lần nhận thư ngỏ.

Lần đầu tiên là khi bước vào năm học, thư ngỏ lúc này kêu gọi ủng hộ học sinh nghèo, mua sắm, sửa chữa một số hạng mục cơ sở vật chất của lớp, của trường. Lần thứ hai là cuối học kỳ I, nhà trường sẽ kêu gọi phụ huynh “đóng góp tự nguyện” để khen thưởng cho học sinh giỏi nhưng thường chỉ khen (phát giấy khen) chứ không thưởng.

Lần thứ ba trong năm học là điệp khúc phát thưởng cho học sinh giỏi, xuất sắc cuối năm; thưởng cho học sinh đạt được các giải cao trong năm học; thưởng cho học sinh nghèo học giỏi.

Tóm lại, lần nào trường gửi cũng đều có lý do chính đáng nhằm phục vụ cho học sinh và nội dung thư ngỏ là kêu gọi phụ huynh “đóng góp tự nguyện” nhưng nhiều trường học lại giao cho giáo viên chủ nhiệm vận động với số tiền được ấn định cụ thể.

Và, lần nào cũng đều là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra ký tên. Hiệu trưởng nhà trường gần như “đứng ngoài” việc vận động này.

Bệnh thành tích khiến cho các trường học lạm phát danh hiệu học tập ở cuối năm học (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Bệnh thành tích khiến cho các trường học lạm phát danh hiệu học tập ở cuối năm học

(Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Những lá “thư ngỏ” được tính toán rất kĩ lưỡng

Chỉ còn vài tuần nữa sẽ kết thúc năm học 2022-2023 nhưng trên thực tế học sinh lớp 9 và lớp 12 đã và đang kiểm tra học kỳ để chuẩn bị bước vào giai đoạn ôn thi chuyển cấp. Lúc này, việc nhà trường rất chú trọng là vận động phụ huynh “đóng góp tự nguyện” để phát thưởng cho học sinh giỏi vào dịp tổng kết năm học.

Việc đầu tiên là nhà trường sẽ họp Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các lớp, Ban giám hiệu nhà trường sẽ nêu lên những thành tích tiêu biểu mà thầy và trò trong nhà trường đã đạt được trong năm học.

Nhà trường sẽ liệt kê ra bao nhiêu em đạt giải học sinh giỏi văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh; bao nhiêu em đạt giải hùng biện tiếng Anh; bao nhiêu em đạt giải Toán máy tính cầm tay cấp huyện, cấp tỉnh; bao nhiêu em đạt giải phong trào Đoàn- Đội để tạo điểm nhấn với Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Tiếp theo, sẽ dự kiến trong năm học sẽ có bao nhiêu học sinh xuất sắc; học sinh giỏi; học sinh tiên tiến. Việc nêu các thành tích như vậy sẽ tạo được những ấn tượng cần thiết trước Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp.

Tiếp đến, nhà trường sẽ trình bày lý do, học sinh đạt được nhiều thành tích trong học tập như vậy nhưng kinh phí nhà trường có hạn, chỉ có thể khen thưởng được những em nhất, nhì, ba của khối, của lớp…những em giỏi đại trà và những em đạt các giải cấp tỉnh, cấp huyện thì nhà trường không có kinh phí phát thưởng.

Như vậy, sẽ tội nghiệp học trò sau cả năm học tập, đạt được thành tích mà không được thưởng. Tất nhiên, sẽ có một vài phụ huynh (thường là hiệu trưởng đã gặp gỡ trước) trong ban Đại diện phụ huynh đứng lên đề cập đến việc xã hội hóa để phát thưởng cho học trò. Khi ý kiến nêu ra, về cơ bản các phụ huynh đại diện các lớp sẽ đồng ý.

Thế là thư ngỏ được nhà trường in ra (đã lưu sẵn hàng năm) và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh ký tên vào thư ngỏ phát theo số lượng học sinh các lớp. Học sinh sẽ đem về cho phụ huynh.

Có lẽ, sợ những đồng tiền vận động này thất lạc nên bao giờ trong thư ngỏ kêu gọi đóng góp của Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng rất cẩn thận ghi thêm dòng chữ: “Phụ huynh ghi rõ số tiền ủng hộ bằng số và bằng chữ” ở cuối thư.

Vậy là phụ huynh đóng góp bao nhiêu sẽ bỏ tiền vào phong bì và ghi cụ thể trong thư ngỏ rồi đưa cho con em mình nộp lại “thư ngỏ” cho nhà trường. Số tiền đó, trên danh nghĩa sẽ phát thưởng cho học trò vào buổi lễ tổng kết năm học.

Mỗi năm học, nhà trường sẽ gửi 3 lần gửi thư ngỏ đến phụ huynh, trong đó có 2 lần gửi vận động phát thưởng cho học trò, vì thế phần nhiều phụ huynh ở khu vực có điều kiện sẽ bỏ vào thư ngỏ mỗi lần 100 ngàn.

Cuối năm, nếu con em mình đạt học sinh xuất sắc, giỏi hay tiên tiến sẽ nhận được khoảng 5 đến 10 cuốn vở (tập) tương ứng với danh hiệu mà các em đạt được.

Có lẽ, đây là cách làm rất “sáng tạo” trong việc xã hội hóa giáo dục nên giờ đây gần như trường nào cũng áp dụng thành công. Trên danh nghĩa giấy trắng mực đen thì nội dung thư ngỏ là Ban đại diện cha mẹ học sinh soạn ra, ký tên.

Hiệu trưởng nhà trường không hề can thiệp vào việc vận động (nếu sự cố xảy ra) vì nội dung thư là lời kêu gọi là của Ban đại diện cha mẹ học sinh, chữ ký là của trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh ký.

Vì sao phải gửi thư ngỏ vận động phụ huynh đóng góp để khen thưởng học trò?

Việc lạm dụng thư ngỏ để kêu gọi phụ huynh “đóng góp tự nguyện” khiến cho nhiều phụ huynh đang ngao ngán khi có con đang theo học ở các trường phổ thông hiện nay.

Điều chúng ta dễ nhận ra là nếu như nhà trường đánh giá đúng học lực của học trò thì không cần thiết phải thường xuyên “mượn tay” Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi phụ huynh đóng góp để khen thưởng cho học trò.

Hiện nay, tình trạng học sinh ở các nhà trường đang lạm phát tỉ lệ học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, học sinh khá vì tỉ lệ học lực này chiếm phần lớn số lượng học sinh trong các nhà trường.

Cấp Tiểu học thì phần lớn học sinh đạt loại học lực hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập ở các môn học nên phần nhiều học sinh đạt danh hiệu Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập.

Đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng có thành tích học tập rất cao. Những lớp đang học chương trình 2018 thì danh hiệu học sinh xuất sắc; học sinh giỏi chiếm một số lượng rất lớn; những lớp đang thực hiện chương trình 2006 thì học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến chiếm gần hết các lớp.

Tỉ lệ học sinh trung bình chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Đương nhiên, học sinh yếu kém gần như mỗi trường chỉ có vài em mà thôi.

Danh hiệu nhiều, nhà trường có tiếng là dạy giỏi, học sinh học giỏi. Tất nhiên phụ huynh cũng có tiếng thơm vì con em mình đạt được thành tích học tập tốt. Nói gì thì nói, cuối năm học sinh mang về một vài tấm giấy khen, 5-10 cuốn vở được nhà trường khen thưởng cũng mừng lắm chứ.

Thế nhưng, đánh giá thật, khen thưởng đúng đối tượng thì những danh hiệu đó mới đáng trân trọng, mới tạo động lực cho học sinh phấn đấu, học tập.

Thực tế học sinh bây giờ có phải giỏi đại trà như vậy hay không? Một khi học sinh có học lực xuất sắc, giỏi thì việc gì học thêm lại tràn lan như hiện nay? Nhiều môn học bây giờ có đốt đuốc cũng khó tìm được học sinh có điểm khá. Chủ yếu là điểm 9, điểm 10 và điểm trung bình môn đều xếp ở mức giỏi.

Học sinh có học lực giỏi ngày nay nhiều, nhưng không đến mức giỏi đại trà, giỏi gần hết lớp như một số nơi đang tổng kết cho học trò. Bộ hướng dẫn các trường dạy phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò nhưng nhiều giáo viên hiện nay vẫn hướng học sinh học thuộc lòng.

Vì thế, trước ngày kiểm tra giới hạn thật ít kiến thức, thậm chí ra sẵn câu hỏi, đáp án trắc nghiệm rồi cho học sinh học trước. Ngày kiểm tra, học sinh chủ yếu là tái hiện lại đáp án của thầy cô đã đưa trước cho học thuộc.

Một khi học sinh đạt danh hiệu nhiều sẽ dẫn đến kinh phí khen thưởng sẽ lớn mà kinh phí nhà trường sẽ khó đáp ứng được. Vì thế, việc xã hội hóa kinh phí khen thưởng cho học trò là điều tất yếu.

Có điều, nhà trường không đứng tên kêu gọi phụ huynh đóng góp, gần như hiếm có hiệu trưởng nào lại dại dột ký tên vào thư ngỏ gửi phụ huynh để vận động tiền khen thưởng nên trưởng ban đại diện hội cha mẹ học sinh phải gánh vác trách nhiệm này.

Nếu như, nhà trường cứ dạy thật, đánh giá thật, mỗi lớp chỉ vài em đạt danh hiệu khen thưởng đúng với năng lực của học trò thì đâu đến nỗi năm nào nhà trường cũng phải phát thư ngỏ.

Thế nhưng, làm sao ngăn được bệnh thành tích trong các nhà trường ở thời điểm hiện nay? Một khi bệnh thành tích còn thì thư ngỏ sẽ còn. Cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác và không biết bao giờ mới kết thúc!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG