Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng hướng dẫn đánh giá năng lực học trò theo chương trình mới

26/06/2020 08:55
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các thầy cô là cán bộ quản lý cần thay đổi cách thức quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường cho phù hợp với việc triển khai chương trình mở.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu được triển khai ở bậc tiểu học. Khá nhiều câu hỏi thắc mắc cần lời giải đáp của các chuyên gia giáo dục, của các tác giả chương trình.

Những đề tài được bàn nhiều nhất là chọn sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên và về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt-Ngữ văn (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Nguyên Điều phối viên chính, Ban

Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng chủ biên sách giáo khoa

Tiếng Việt-Ngữ văn (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản

Giáo dục Việt Nam (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thế nhưng một vấn đề góp phần không nhỏ vào việc triển khai thành công chương trình mới là hoạt động đánh giá kết quả học tập của học sinh thì gần như bị lãng quên.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng : “Khâu đánh giá kết quả học tập của học sinh là cực kỳ quan trọng. Nếu không đổi mới cách đánh giá thì không thể đổi mới nội dung và phương pháp dạy học”.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân mật với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt-Ngữ văn (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, xung quanh vấn đề này

Phóng viên: Thưa thầy, khi áp dụng chương trình mới thì việc đánh giá kết quả học tập của học sinh sẽ thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng: Đổi mới đánh giá là một trong những nội dung then chốt trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này.

Nếu không thay đổi hoạt động đánh giá thì sẽ không thể nào thực hiện được chương trình một cách hiệu quả như mình kỳ vọng vì chương trình đã chuyển từ mô hình chương trình cung cấp kiến thức sang mô hình chương trình phát triển năng lực cho người học.

Theo đó, đánh giá phải tập trung vào mục tiêu phát triển năng lực cho người học. Nếu không đánh giá được năng lực của người học thì làm sao biết được kết quả học tập của học sinh đạt đến đâu?

Lâu nay, các câu hỏi trong các đề kiểm tra, đề thi chủ yếu tập trung vào khả năng học sinh ghi nhớ kiến thức và trình bày lại kiến thức.

Chương trình mới đã chuyển đổi mục tiêu thì đánh giá cũng phải thay đổi cho phù hợp với mục tiêu đó.

Phóng viên: Thưa thầy về căn bản việc đánh giá kết quả học tập của học sinh chương trình mới khác với việc đánh giá trong chương trình hiện hành như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng: đánh giá kết quả như lâu nay, tập trung nhiều vào kiểm tra đánh giá thông qua bài thi.

Kiểm tra đánh giá theo chương trình mới thông qua việc giáo viên quan sát, ghi chép học sinh về mức độ tiến bộ của người học từ năng lực đến phẩm chất. Chứ không chỉ tập trung vào việc giải toán giỏi, viết bài nhanh như trước đây.

Như việc các em có chăm chỉ? Tinh thần làm việc có tốt không? Việc hợp tác nhóm thế nào?

Quan trọng nhất vẫn là việc học sinh có tiến bộ không? Và tập trung kiểm tra đánh giá ở phương diện đó.

Đề kiểm tra đánh giá mới cần tăng cường những câu hỏi đòi hỏi vận dụng kiến thức và kĩ năng thích hợp của các em.

Giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học tăng cường kết hợp và tích hợp kiến thức kĩ năng của các môn học lại.

Đánh giá trong chương trình mới khác với đánh giá trong chương trình hiện hành về mục tiêu, nội dung, căn cứ, phương pháp và hình thức đánh giá.

Về mục tiêu, đánh giá kết quả học tập của học sinh không phải chỉ để cho điểm, làm cơ sở cho việc xếp loại học sinh, tạo nên sự cạnh tranh giữa các học sinh, giáo viên, nhà trường, địa phương, mà đánh giá trước hết là nhằm thu thập thông tin phản hồi từ phía người học để biết được người học tiến bộ đến đâu trong quá trình học tập và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Nội dung và căn cứ đánh giá không phải là kiến thức và khả năng ghi nhớ kiến thức mà là phẩm chất, năng lực được quy định trong chương trình, trong đó cần chú trọng năng lực giải quyết những vấn đề của đời sống.

Về phương pháp và hình thức đánh giá, chương trình mới không chỉ tập trung vào đánh giá định kì thông qua các bài kiểm tra, bài thi như lâu nay mà kết hợp cả đánh giá giá định kì và đánh giá thường xuyên.

Khác với đánh giá định kì, đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua việc giáo viên quan sát, theo dõi, ghi chép...

Các hoạt động của học sinh trong quá trình học tập để nắm được mức độ tiến bộ của người học.

Các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, vốn được chú trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chủ yếu được đánh giá thông qua hình thức này.

Như vậy, định hướng đánh giá trong chương trình mới không chỉ tập trung vào khả năng giải toán giỏi, viết bài nhanh,... như trước đây.

Những biểu hiện cho thấy các em có chăm chỉ, có trung thực, có tính thần hợp tác và làm việc nhóm, có khả năng sáng tạo,... hay không, đều là những nội dung cần được chú trọng trong đánh giá.

Đánh giá không nhằm đến sự so sánh và tạo ra cạnh tranh mà quan trọng nhất vẫn là để nắm được học sinh có tiến bộ hơn hay không, tiến bộ như thế nào so với chính các em trước đó và đạt đến mức độ nào so với mục tiêu mà chương trình quy định.

Định hướng đánh giá mới cần đòi hỏi tập trung vào khả năng vận dụng kiến thức và kĩ năng của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Như vậy thì câu hỏi cũng thường có tính chất tích hợp, đòi hỏi học sinh phải huy động kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực tri thức, nhiều môn học để giải quyết.

Phóng viên: Thưa thầy, hiện nay ở các trường đều có một ngân hàng đề sử dụng cho các đợt kiểm tra đánh giá. Vậy bây giờ thay chương trình mới, ngân hàng đề phải bỏ đi?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng: Vấn đề là ngân hàng đề thế nào? Nếu ngân hàng đề thi ra theo hướng phát triển năng lực của học sinh thì vẫn dùng được.

Nếu là ngân hàng đề thi chỉ kiểm tra kiến thức thôi thì cần phải hạn chế, nhưng không bị loại bỏ hoàn toàn.

Nhà trường vẫn có thể dùng những đề kiểm tra ấy cho những kì kiểm tra ngắn, thực hiện trong quá trình dạy học như kiểm tra 15 phút, vì dù sao đi nữa thì cũng cần kiểm tra khả năng nắm kiến thức của học sinh ở một mức độ nào đó.

Phóng viên: Thưa thầy, trước những đổi mới căn bản toàn diện như thế thì nhiệm vụ của nhà trường lúc này là phải làm gì?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng: Đầu tiên, chính cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng phải hiểu rõ tinh thần đổi mới, hiểu rõ chương trình và sách giáo khoa theo mô hình phát triển năng lực.

Các thầy cô là cán bộ quản lý cần thay đổi cách thức quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường cho phù hợp với việc triển khai chương trình mở.

Trước kia, chương trình quy định cứng số tiết cho từng tuần, nhưng bây giờ chỉ quy định số tiết cả năm học của từng môn.

Việc quy định chung này, tạo cho nhà trường khả năng linh hoạt trong triển khai kế hoạch dạy học. Điều đó cũng tạo ra thách thức cho nhà trường vì phải có khả năng tự chủ và sáng tạo.

Cán bộ quản lý và giáo viên trong nhà trường cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn để kịp thời đánh giá hiệu quả của công tác quản lý và dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vai trò của hiệu trưởng là dẫn dắt tất cả các hoạt động trong nhà trường theo đúng định hướng đổi mới.

Cán bộ quản lý và giáo viên phải hiểu rõ mục tiêu giáo dục để đổi mới hoạt động đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Nếu nhà trường không đổi mới cách thức đánh giá thì giáo viên sẽ tiếp tục dạy học theo lối cũ. Nếu đánh giá thay đổi thì chắc chắn giáo viên phải thay đổi. Định hướng đánh giá như bánh lái của “con tàu giáo dục”. Bánh lái rẽ sang hướng nào thì con tàu sẽ rẽ theo hướng đó.

Trước mắt, trong thời gian tới, các trường tiểu học cần ưu tiên cho công tác tập huấn giáo viên, trước hết là ở lớp 1, để dạy học theo sách giáo khoa mới.

Đổi mới nhanh hay chậm là phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng trường và khả năng của từng giáo viên. Tích cực, khẩn trương, nhưng mọi thứ cần được chuẩn bị kĩ lưỡng.

Điều đáng trăn trở nhất của chúng tôi là trong bối cảnh hiện nay, nhiều giáo viên chưa có động lực đổi mới thực sự do cuộc sống còn nhiều khó khăn, lương thấp, điều kiện làm việc hạn chế trong khi áp lực công việc thì nhiều.

Tôi tin là nhà nước và chính quyền địa phương sẽ có chính sách phù hợp để từng bước cải thiện tình hình.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn thầy!

Phan Tuyết