Ngân sách dành cho giáo dục đang chiếm 20% tổng chi ngân sách quốc gia. Thực tế đó cho thấy vị thế của ngành này trong chính sách ưu tiên của nhà nước, và là minh chứng cho quan điểm có tính thống nhất của Đảng và Chính phủ qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử: “Giáo dục và đào tạo luôn là quốc sách hàng đầu”.
Tuy nhiên, nguồn ngân sách khổng lồ đó đã bị thất thoát bởi những thu chi thiếu tính toán. Giáo dục thì vẫn thiếu, vẫn yếu, còn nguồn tiền thì cứ rơi rớt một cách đầy lãng phí.
Đầu tiên phải kể đến sự lãng phí trong xây dựng các công trình giáo dục. Đó là những dự án mà nguồn lợi không đến được tới tay người dân. Hoặc bỏ hoang, hoặc không sử dụng triệt để lợi ích từ nguồn vốn đầu tư ban đầu. Điển hình, là 40 điểm trường của huyện Như Xuân, Thanh Hóa - một trong 60 huyện nghèo nhất cả nước bị bỏ hoang, gây thất thoát nhiều tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Một dự án lãng phí tiếp theo là cơ sở Cao đẳng Nghề của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Dù ngôi trường này được đầu tư tới gần 200 tỷ đồng để xây dựng thì khi đưa vào hoạt động, nó lại chỉ dành cho 100 sinh viên tham gia học tập. Thậm chí, không chỉ những cơ sở đào tạo, mà ngay cả những công trình thuộc hạ tầng giáo dục, khi xây dựng người ta bố trí ngân sách thu chi cũng bất hợp lí. Như: xây nhà vệ sinh 236 triệu ở trường THCS Long Hiệp, Quãng Ngãi, hay khu KTX sinh viên của tỉnh Lâm Đồng, sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ, bỏ ra hơn 1000 tỉ đồng và nhận lại là một em sinh viên đăng kí...
Bên cạnh những công trình xây dựng thì sự lãng phí còn thể hiện ở những đề án giáo dục khác. Điển hình như đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Trước nhu cầu hội nhập, các địa phương hào hứng đón nhận đề án và mạnh tay chi tiền mua sắm trang thiết bị nhằm hiện thức hóa ước mơ xã hội hóa. Tuy nhiên, việc bỏ tiền ra lại không thể mang lại lợi ích như mong muốn.
Viết sách giáo khoa phải xem quyền lựa chọn của người học
(GDVN) - Mỗi nhà trường không cần thiết xem xét và cho phép sử dụng sách giáo khoa nào, mà đó là quyền của người học từ sự tư vấn của người dạy.
Bởi trình độ, năng lực nhận thức của đội ngũ giáo viên không bắt kịp những tính năng hiện đại của các máy móc thiết bị. Tiếp đó, người ta phổ cập chuẩn Châu Âu cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở tất cả các bậc học. Trong khi chương trình đạo tạo mang “phong vị” Âu hóa thì đội ngũ giảng dạy lại thuộc lực lượng sở tại. Thậm chí có tỉnh còn lấy ngay những giáo viên của tỉnh, tập huấn dăm ba buổi rồi đẩy lên đứng lớp. Những đề án đầy tính hình thức như thế không chỉ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, mà còn làm hao tốn tiền bạc của nhân dân.
Trong khi đó, giáo dục miền núi vẫn yếu, thiếu, với nhiều những khó khăn và thách thức. Năm học mới đã bắt đầu, nhưng cảnh tượng những trường tranh vách đất, những lớp học tả tơi, những đứa trẻ đến trường chịu cảnh thiếu bàn, thiếu ghế…vẫn vẽ lên một viễn cảnh xám xịt về bức tranh giáo dục vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Không có cách nào khác, chúng ta phải có trách nhiệm san phẳng những ranh giới giáo dục đang tồn tại trong xã hội này.
Đôi khi, vẫn có những dự án, những chương trình sát nhu cầu thực tế, hợp lòng dân. Nhưng rồi, chỉ tiếc rằng, vẫn tồn tại những chính sách nửa vời, không thiết thực. Như: chương trình hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Dự án đã được triển khai, nhưng nguồn vốn thì vẫn chưa thấy. Khóa học sinh 12 năm học 2013-2014, đã trông chờ cả năm trời, tuy nhiên đến nay khi các em ra trường thì đồng tiền đó vẫn chỉ là con số trên các giấy tờ văn bản.
Như thế, giáo dục vẫn là “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, “mỗi vùng một vương quốc”. Trong khi ngân sách dành cho giáo dục luôn là những con số không nhỏ thì những bất cập trong vấn nạn thu phí học đường vẫn tồn tại. Đầu năm học, dư luận hoang mang trước những khoản quỹ mà học sinh phải đóng góp. Và thực tế là gần như tất cả các khoản thu chi trường học đều phải vận động từ nhân dân. Mà trong đó, có rất nhiều những điều khoản vô lý. Vậy, ngân sách “rót” xuống thì “chảy” vào đâu?
Ngân sách, xét cho cùng đều là tiền thuế của dân đóng góp. Thiết nghĩ, một xã hội đang phát triển như chúng ta rất cần phải sử dụng nguồn vốn đó một cách hữu hiệu nhất để mang tới lợi ích tối đa cho cộng đồng. Không đâu khác, chính những lỗ hổng, những yếu kém về thu chi là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự tụt hậu của giáo dục nước nhà. Và tất yếu, muốn phát triển thì cần phải thay đổi!