Trường yêu cầu đóng, không ai dám lên tiếng
"Bản thân phụ huynh chúng tôi không ai dám lên tiếng một khi Trường đã yêu cầu đóng (kể cả là tự nguyện) vì ai cũng lo con em mình sẽ bị “trù dập” nếu lên tiếng phản đối”.
Đó là chia sẻ của một phụ huynh học sinh trong thư gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam yêu cầu làm rõ một số khoản thu đầu năm học của con mình tại Trường THPT Mê Linh, Hà Nội.
Một số khoản thu được phụ huynh mong muốn tìm hiểu như sau: 180 nghìn tiền sổ liên lạc điện tử; 200 nghìn phí tham quan du lịch; 250 nghìn ủng hộ làm sân trường (trong khi sân trường đã được tài trợ hoàn toàn); tiền học thêm; tiền nước uống 100 nghìn; tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể; đồng phục mùa hè và mùa đồng; đồng phục thể dục…
Phụ huynh này mong muốn được xem xét xem các khoản thu như vậy có sai quy định hay không, tránh việc “lạm thu trục lợi của trường".
Phụ huynh học sinh trường THPT Mê Linh phản ánh việc đầu năm phải đóng nhiều khoản tiền không rõ có sai quy định hay không? Ảnh: Anh Minh |
Tự nguyện hay không dám phản đối?
Trước thông tin phản ánh của phụ huynh học sinh, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với hiệu trưởng Trường THPT Mê Linh – ông Nguyễn Đức Doanh về vấn đề này.
Về dịch vụ sổ liên lạc điện tử, ông Nguyễn Đức Doanh cho biết: “Nhà trường đã có thỏa thuận với cha mẹ học sinh rồi, có biên bản của các lớp kí, đồng ý tham gia. Với một số trường hợp nói là không có điều kiện, con hộ nghèo, đối tượng chính sách thì chúng tôi hoàn toàn miễn giảm, vẫn cho tham gia”.
Phản đối thu tiền 20/11, phụ huynh tố lãnh đạo trường THPT Mê Linh
Kể cả khi những món quà được trao, lời chúc được gửi đi, thì người gửi liệu đã thực sự xuất phát từ “tâm” hay chưa, còn người nhận liệu có thấy hạnh phúc?
Về việc đi tham quan du lịch, ông Doanh cho biết: “Trong chương trình học của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi một năm học sinh phải đi học tham quan dã ngoại truyền thống 1 lần”. Trường THPT Mê Linh hàng năm đều tổ chức. Đến thời điểm này (ngày 6/11 buổi làm việc với PV), việc đi tham quan chưa được triển khai.
Với số tiền thu 200 nghìn đồng, theo ông Doanh thì đó là “nhà trường thông báo dự kiến. Nhà trường yêu cầu lúc nào đi thì nộp, còn phụ huynh nào có điều kiện nộp trước đầu năm để các con không phải nộp, nếu nộp trước nhà trường vẫn thu bình thường, hoặc sau khi đi về nộp”.
Hàng năm, trường THPT Mê Linh thường tổ chức cho học sinh đi tham quan, có thể là Đền Hùng, Côn Sơn Kiếp Bạc… Như năm ngoái học sinh được đi tham quan khu di tích lịch sử Hoa Lư – Ninh Bình.
Trước khi đi, trường đều có báo cáo gửi lên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xin ý kiến, có tờ trình, Sở đồng ý thì mới đi.
Theo phụ huynh phản ánh, “trong khi sân trường đã được tài trợ hoàn toàn” mà vẫn phải nộp 250 nghìn tiền ủng hộ làm sân trường, hiệu trưởng Nguyễn Đức Doanh cho biết: “Sân tập trung làm cuối tháng 8, còn phần sân làm “xã hội hóa” cuối tháng 10”.
Việc thu tiền “xã hội hóa”, nhà trường họp với toàn thể cha mẹ học sinh, phổ biến tình thần chung. Về lớp, các thầy cô giáo chủ nhiệm triển khai đến từng phụ huynh của lớp. Cuối buổi, phụ huynh họp đồng ý ký vào biên bản.
Sau đó, nhà trường gửi hồ sơ lên Sở, bộ hồ sơ gồm có tờ trình, biên bản họp lãnh đạo nhà trường, biên bản họp giữa lãnh đạo nhà trường và ban đại diện cho mẹ hs thống nhất chủ trương, họp toàn thể hội đồng, biên bản họp giữa cha mẹ học sinh; bản thiết kế sân trường, dự toán ngân sách trình lên Sở thì Sở mới ra quyết định phê duyệt.
Số tiền thu 250 nghìn, theo ông Doanh, nhà trường “không quy định bao nhiêu tiền, tùy tâm, nhiều ít, có thể một vài trăm”. “Chúng tôi chỉ nói là tự nguyện, còn các lớp cha mẹ học sinh họp có ý kiến nên có một mức sàn, nên bằng như thế, còn ai khó khăn thì 3 chục, 5 chục, ai khó khăn nữa thì miễn, ai có điều kiện thì nộp nhiều hơn. Mức sàn từ 150 đến 250 nghìn, trong khoảng đó”.
“Cha mẹ học sinh đề xuất cho ý kiến, ai nộp bằng thế cũng được không bằng thế cũng được. mức thu hoàn toàn tự nguyện, ai không có cũng thôi, tất cả các trường hợp gia đình khó khăn, chính sách được miễn giảm, đều không phải đóng, hoặc có nhiều con học cũng chỉ góp bằng một học sinh khác, không bắt buộc”.
Trường mầm non có dấu hiệu lạm thu, hiệu trưởng né tránh phóng viên
Theo các phụ huynh có con học tại Trường mầm non Hợp Thành thì nhà trường đã đưa ra nhiều khoản thu vô lý, chồng chéo nhau và sai với quy định.
Trong văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội gửi trường THPT Mê Linh về việc thỏa thuận thống nhất về các khoản thu khác năm học 2014-2015 có quy định tiền học thêm 8.000 đồng/hs/tiết, tiền nước uống tinh khiết cho học sinh 10.000 đồng/hs/tháng (thu 10 tháng); cải tạo nâng cấp sân trường với mức thu tự nguyện.
Về việc thu tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, ông Doanh trả lời rằng: “không liên quan đến chúng tôi, nhà trường thu hộ. trước đây chúng tôi phản đối việc thu hộ, Sở Giáo dục cũng nói là không thu hộ, chúng tôi cho bên bảo hiểm mượn bàn ghế kê ở sân trường nhưng không ai đóng, sau đó sở cho phép thu hộ, nhưng ghi rõ là thu hộ”.
Về đồng phục cho học sinh, ông Doanh cho biết: “Hội cha mẹ học sinh làm, nhà trường không đứng ra làm việc ấy. nhà trường chỉ có chủ trương muốn học sinh mặc đồng phục đến trường. Đồng phục nhà trường không bắt buộc, ai không thích may của nhà trường thì tự may nhưng phải giống hệt thế”.
Cha mẹ học sinh đứng ra may đo, giữa cha mẹ học sinh và công ty may đồng phục, nhà trường chỉ đứng ra giám sát. Đối với đồng phục các năm còn mặc được không yêu cầu may. Chỉ có năm đầu tiên nhập học, nhà trường yêu cầu phải có đủ 2 áo sơ mi, 2 áo khoác để mặc thay đổi hàng ngày, sang năm 11 hay 12, nhà trường vận động học sinh nên may thêm 1 áo sơ mi, còn may hay không thì tùy các em.
Đồng phục màu đông cũng thế, chỉ may 1 lần, đến lớp 11,12 các em có nhu cầu thì may thêm, không thì thôi.
Năm đầu tiên phải có đủ, may của trường thì may, mua ở ngoài hoặc đặt may đâu thì tùy nhưng phải đúng kiểu dáng của nhà trường, theo mẫu. Các trường khác yêu cầu đồng phục cả áo cả quần, trường này chỉ yêu cầu đồng phục áo.
Về đồng phục thể dục, “nhà trường yêu cầu mỗi học sinh phải có một bộ quần áo để mặc thể dục và tập giáo dục quốc phòng. Giáo dục quốc phòng yêu cầu phải có quần áo riêng, theo mệnh giá mà bộ quốc phòng đưa xuống, một học sinh phải đầu tư tương đương 2 triệu 7 cho áo, mũ, giày dép, nhưng chúng tôi vận động học sinh may 2 trong 1, chỉ may 1 bộ để vừa mặc thể dục vừa mặc quốc phòng để tiết kiệm, mà 1 bộ chỉ có giá 200 nghìn thôi. Đồng phục này yêu cầu mỗi em có một bộ, nhưng có thể may riêng, may ngoài nhưng theo mẫu của nhà trường” – ông Doanh giải thích.
Theo các giấy tờ biên bản và giải thích của hiệu trưởng Trường THPT Mê Linh, các khoản thu đều có sự đồng ý bằng văn bản của đại diện cha mẹ học sinh các lớp, thậm chí của từng phụ huynh các lớp.
Không hiểu khi phụ huynh kí vào biên bản đồng ý trên tình thần tự nguyện đó là xuất phát đúng từ tinh thần tự nguyện hay có suy nghĩ "sợ ảnh hưởng đến việc học của con" nên không ai dám lên tiếng phản đối?
Rõ ràng, việc thực hiện thu các khoản thu khác luôn cần có sự thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường. Việc thỏa thuận cần trên tinh thần tự nguyện, mà ở đây ban đại diện cho mẹ học sinh, chi hội phụ huynh các lớp chính là đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của phụ huynh học sinh trong trường.
Nhưng liệu ban đại diện phụ huynh đã làm đúng vai trò của mình hay chưa, để nay biên bản đã kí, phụ huynh vẫn phán ánh, còn nhà trường thì cứ cụm từ "cha mẹ học sinh" mà nhắc đến.