Đó là quan điểm của thầy Tạ Quang Sum - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hòa về vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa được xã hội quan tâm thời gian gần đây.
Báo Giáo dục Việt Nam gửi đến bạn đọc bài viết thể hiện quan điểm của thầy:
Bộ sách giáo khoa – ý niệm tồn dư từ thời bao cấp
Những ngày vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội đã hâm nóng lại chuyện dài sách giáo khoa. Nhiều vấn đề tạo ra tranh cãi mà thật ra không đáng, trong đó nổi bật là : Sách giáo khoa hay bộ sách giáo khoa – một hay nhiều bộ sách giáo khoa! Có biệt hóa được về cả tên gọi và nội dung của vấn đề thì việc thảo luận mới đi đến chung cuộc để tạo ra hoàn cảnh thực hiện nhiều việc cần đổi mới.
Thật ra bộ sách giáo khoa chỉ là ý niệm tồn dư từ thời bao cấp mỗi trường học đều có tủ sách dùng chung. Vào đầu năm học mỗi học sinh được mượn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học, gồm cả sách bài học – sách bài tập – sách tham khảo… Có quyển được sử dụng nhiều, có quyển không hề được mở ra, nhưng người ký tên mượn vẫn được – phải mượn trọn bộ cho đến cuối năm học.
Sách giáo khoa hay bộ sách giáo khoa – một hay nhiều bộ sách giáo khoa. Ảnh: TNO |
Thói quen này đến nay trở thành tập quán khó thay: Trường học nào cũng yêu cầu học sinh phải có đủ bộ sách giáo khoa. Vì thế vào đầu năm học mới, mỗi cha mẹ lại phải đi mua cho con một bộ sách giáo khoa, dù có thể học sinh không khai thác hết tính năng của cả bộ. Như vậy chủ đề cần bàn về giáo dục ngày nay là sách giáo khoa và những việc liên quan đến nó chứ can chi mà phải kéo theo cả bộ sách giáo khoa !!!
Sách giáo khoa một thời được xem là pháp lệnh mà người dạy phải chuyển đến người học từng bài không thiếu một chữ. Bởi thế mỗi khi tranh cãi nhau về chuyên môn, giáo viên thường chỉ lấy sách giáo khoa làm chuẩn !
Niềm tin vào Bộ Giáo dục cứ vơi dần
Bộ Giáo dục lý giải sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa "chuẩn" âu cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng khổ nỗi bây giờ nhiều người không tin vào bộ.
Việc sử dụng sách giáo khoa hiện nay hầu như không đúng với ý đồ và chức năng chính thống của sách vốn là nguồn dữ liệu văn bản. Sách giáo viên để thầy cô dùng trong việc soạn giảng, sách học sinh để người học tìm hiểu trước khi nghe giảng, để bổ sung phần kiến thức mở rộng không thể học đại trà trên lớp...
Thế nhưng phần lớn thầy cô giáo chỉ chép lại một ít kiến thức từ sách giáo khoa để có cái gọi là giáo án phục vụ việc kiểm tra. Gần đây có thêm “giáo án điện tử” thì cứ vô tư download trên mạng xuống là có ngay tác phẩm của mình. Học sinh thường chỉ đặt quyển sách trên bàn, hoặc dò theo từng đoạn thầy giảng, hoặc không nghe giảng gì hết mà cứ tranh thủ chép trước một số đoạn cho xong bài học.
Phương pháp dạy và học như vậy không còn phù hợp với thời kỳ CNTT đang cung ứng nhiều tiện ích truy cập vào kho kiến thức khoa học cho cả cộng đồng. Như vậy học sinh có cần đến cả bộ sách giáo khoa đâu, mà phải tập cho người học có thói quen mới chọn mua từng quyển sách phù hợp yêu cầu của mình.
Một quyển sách giáo khoa do một nhóm người viết (mà thật ra được phân công cho một người, vì thực tế diễn ra cho thấy hội đồng biên soạn giao việc cho mỗi người viết một phần nào đó, rồi kết nối lại thành khối kiến thức cho một lớp) thì chắc chắn là không phong phú về nội dung mô tả chủ đề và phương pháp nghiên cứu.
Không gian tư duy hẹp và nhân sự phụ trách mỏng thì làm sao không chủ quan và phiến diện. Nhiều quyển sách giáo khoa dành cho mỗi môn học – ở mỗi lớp là giải pháp tích cực phù hợp với thời kỳ thịnh vượng của công nghệ truyền thông.
Bộ Giáo dục không nên viết và phát hành sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT không nên là chủ thể hoạt động viết và phát hành sách giáo khoa. Nguyên lý chính tắc Bộ là cơ quan soạn thảo và ban hành chương trình khung giáo dục toàn cấp, kèm theo hướng dẫn triển khai chi tiết nội dung và định hướng mục tiêu sư phạm đối với người dạy. Sách giáo khoa như vậy thuần nhất là sản phẩm văn hóa thuộc loại thực phẩm bổ sung phục vụ học sinh.
Bộ Giáo dục không phải quản lý từng chữ trong sách giáo khoa
Theo lịch làm việc, chiều nay (11/11), Quốc hội sẽ thảo luận tổ về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Không nên dùng cụm từ xã hội hóa hay tư nhân hóa việc viết và phát hành sách giáo khoa mà nên dùng cụm từ chuyên môn hóa. Nghĩa là cho phép nhiều tổ chức chuyên về khoa học giáo dục – cá nhân có nghiệp vụ sư phạm được viết sách giáo khoa, trình bản thảo cho bộ phận chuyên trách kiểm duyệt của Bộ GD&ĐT thẩm định, việc chọn nhà xuất bản in và phát hành là quyền của chủ thể tác phẩm văn hóa giáo dục đó.
Như vậy tất cả sách giáo khoa lưu hành trên thị trường đều phải được phép của Bộ GD&ĐT, đó là loại sản phẩm đã được bảo chứng nghiêm cẩn. Mỗi nhà trường không cần thiết xem xét và cho phép sử dụng sách giáo khoa nào, mà đó là quyền của người học từ sự tư vấn của người dạy.
Một quyển sách hay – có tác dụng giáo dục tốt chắc chắn sẽ được nhiều thầy cô giáo và học sinh giới thiệu với nhau để sử dụng, chọn lọc tự nhiên và khách quan sẽ loại dần những quyển sách và tác giả yếu kém. Đó cũng là sự liên thông giữa giáo dục và nền kinh tế thị trường, mà ngân sách quốc gia không phải chịu bất cứ một khoản kinh phí nào cho việc : Tổ chức bộ máy viết – phát hành - quản lý, bù đắp thiệt hại do tồn đọng… sách giáo khoa.
Tóm lại cái khó hiện nay là Bộ GD&ĐT không chịu buông những sự vật – vụ việc – hoạt động kinh tế giáo dục… gắn bó với Bộ đã quá lâu về cả quyền lực và quyền lợi. Nếu Bộ minh định phạm trù quản lý, nhận rõ trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân, can đảm buông quyền lợi để giữ vững và ổn định quyền lực, nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, thì chuyện dài sách giáo khoa sẽ đến hồi kết có hậu. Dòng chảy sách giáo khoa sẽ nhanh chóng có lối thoát, đó là một dòng bình lưu bồi đậm phù sa cho cả hai bờ dạy và học.