Tiết dạy chuyên đề càng hoàn hảo, giả dối càng lên ngôi

06/11/2021 07:26
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những tiết dạy dự giờ, học sinh chúng ta quá giỏi. Câu hỏi nào cũng biết, cũng trả lời trơn tru, bài tập nào cũng làm nhanh chóng, tình huống nào đóng cũng hay

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng vừa tổ chức Chuyên đề “Dạy học môn Ngữ văn lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” với hai tiết dạy minh họa hai nội dung đọc hiểu văn bản, nói và nghe.

Đại diện ngành giáo dục các quận, huyện đưa ra nhận xét, góp ý đối với tiết dạy minh họa môn Ngữ Văn chương trình giáo dục phổ thông 2018, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Ảnh: Phương Linh)Đại diện ngành giáo dục các quận, huyện đưa ra nhận xét, góp ý đối với tiết dạy minh họa môn Ngữ Văn chương trình giáo dục phổ thông 2018, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Ảnh: Phương Linh)

Chuyên đề có sự tham dự trực tuyến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách Cánh diều; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống và ông Văn Công Hùng, tác giả tác phẩm Đồng Tháp Mười mùa nước nổi.

Sau tiết dạy, đã có nhiều ý kiến nhận xét được đưa ra, những điều làm được cũng như tồn tại cần khắc phục. Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngô Quyền nói: “Tiết đọc, hiểu, chúng tôi cảm thấy đây là tiết dự rất bổ ích, cho thấy sự công phu trong việc thiết kế các hoạt động dạy học cho học sinh, hướng tới sự phát triển năng lực, phẩm chất cho học trò…”.

Người viết bài không nhận xét về tiết dạy chuyên đề ở Hải Phòng bởi không được tham dự, cũng không khẳng định tiết dạy được nhà trường, được giáo viên chuẩn bị công phu đến cỡ nào vì không được “mục sở thị”.

Là người trong nghề, cũng đã không ít lần được nhà trường chọn dạy chuyên đề, mô hình mới cho cấp trên dự, cũng có nhiều đồng nghiệp ở khắp mọi nơi chia sẻ về những tiết dạy nơi trường các thầy cô công tác, nên xin được phép trao đổi về hình thức tổ chức lấy tiết dạy dự giờ để đánh giá về chất lượng chương trình, về sách giáo khoa như cách mà các địa phương vẫn đang áp dụng hiện nay có thật sự khách quan?

Những tiết dạy được chuẩn bị "tận răng”

Từ trước đến nay, để đánh giá một phương pháp, một mô hình dạy học mới, về chương trình và sách giáo khoa, ngành giáo dục thường tổ chức thao giảng dự giờ với sự góp mặt của các chuyên viên phòng-sở, lãnh đạo cơn quan quản lý giáo dục các cấp, giáo viên cốt cán...

Thông qua tiết dạy, người tham dự sẽ đưa ra những nhận xét, góp ý về mặt ưu điểm, khuyết điểm để rồi đi đến kết luận phương pháp ấy, mô hình ấy, sách giáo khoa và chương trình ấy rất hiệu quả.

Thế nhưng trong thực tế giảng dạy, lại không “đẹp” được như thế. Đơn giản chỉ vì những tiết dạy thao giảng dự giờ cho các chuyên gia, các lãnh đạo trường, phòng, sở đã được chuẩn bị "tận răng”, tập đi tập lại nhuần nhuyễn, thành thục như một vở kịch, nó khác xa với những tiết dạy bình thường khác.

a. Chuẩn bị từ giáo viên đến học sinh

Để chuẩn bị cho tiết dạy thao giảng dự giờ có cấp trên tham dự, đầu tiên nhà trường chọn giáo viên thể hiện, chọn lớp, chọn học sinh tham gia. Ngoài lớp học tốt nhất khối, những học sinh tiếp thu chậm còn được khuyến khích cho nghỉ học buổi ấy, hoặc nghỉ tiết học ấy.

Giáo viên được chọn dạy, ngoài việc chuẩn bị cho mình như giáo án, đồ dùng dạy học còn lo chuẩn bị cho học sinh một cách khá công phu. Giáo viên sẽ soạn câu hỏi, câu trả lời và chọn học sinh đảm nhận. Để tiết dạy có tình huống, có thầy cô còn cho học sinh câu hỏi yêu cầu học thuộc và hỏi giáo viên.

Thế là mỗi ngày lên lớp dạy, bao giờ giáo viên cũng dành một khoảng thời gian cố định để tập cho học sinh đặt câu hỏi, trả lời, nêu tình huống, với những bài có đóng vai càng phải tập công phu hơn rất nhiều.

b. Chuẩn bị từ nhà trường

Khi giáo viên đã chuẩn bị mọi khâu xong, nhà trường sẽ tổ chức dự giờ. Thành phần tham dự là ban giám hiệu, giáo viên cốt cán của trường, các tổ trưởng chuyên môn. Sau tiết dạy là phần góp ý, chỉnh sửa giáo án cho hoàn chỉnh. Trước ngày dạy dự giờ, nhà trường sẽ dự lại lần cuối.

Những tiết dạy “diễn” như thế để rút ra ưu điểm và tồn tại của mô hình, của phương pháp dạy học mới có chính xác?

Chúng tôi gọi những tiết dạy dự giờ báo trước được chuẩn bị công phu như thế là tiết dạy “diễn”. Bởi, chưa dạy mà giáo viên sẽ nói gì, hỏi gì, giảng gì học sinh đã biết hết, chưa dạy mà thầy cô cũng đã biết được học sinh sẽ trả lời thế nào, làm bài ra sao.

Những tiết dạy như thế này, phần nhiều là hoàn hảo. Có chăng, những góp ý về tồn tại để khắc phục lần sau cũng chỉ là những “râu ria” (theo cách nói của giáo viên chúng tôi) nên không đáng kể gì.

Thế nên, mô hình nào, phương pháp nào, sách giáo khoa nào sau thời gian dạy thử nghiệm ở trường mà chẳng được đánh giá là hiệu quả, là phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh.

Những tiết dạy trong thực tế, khác xa những tiết dạy dự giờ

Quan sát những tiết dạy dự giờ, điều dễ nhận ra nhất là học sinh của chúng ta quá giỏi. Câu hỏi nào cũng biết, cũng tranh nhau trả lời một cách trơn tru, bài tập nào cũng làm được một cách rất nhanh chóng, tình huống nào trả lời cũng đúng, hoạt cảnh nào đóng cũng hay.

Nhiều kiến thức chưa cần giáo viên giảng cũng đã biết tuốt. Học sinh còn khá mạnh dạn, tự tin, biết đặt vấn đề để hỏi, để chất vấn thầy cô. Nhiều em mạnh dạn lên đóng vai, hoạt cảnh rất tự nhiên. Nếu người dự không ở trang ngành, xem qua một tiết dạy dự giờ chắc chắn sẽ trầm trồ thán phục.

Còn dạy ở lớp thì sao? Không ít em, thầy cô phải chỉ tận tay, giảng đến khản hơi, làm mẫu cho nhắc lại mà vẫn làm sai, vẫn trả lời không được. Còn bảo các em này nhập vai, nêu tình huống để các em xử lý thì đa phần không làm được. Vậy mà tiết dạy dự giờ, em nào cũng giỏi giang, cũng thông thái.

Học vậy bảo sao không được đánh giá tiết dạy hiệu quả, học sinh chủ động tìm kiến thức, luôn tự chủ, sáng tạo…phát huy tốt năng lực phẩm chất…

Muốn đánh giá đúng, dự giờ đừng báo trước

Thường thì những tiết dạy dự giờ chuyên đề, đánh giá mô hình, phương pháp hay sách giáo khoa chương trình mới đều được báo trước hàng tháng trời. Bởi thế, nhà trường, giáo viên có rất nhiều thời gian chuẩn bị nên các tiết dạy không còn tự nhiên. Vì thế, việc nhận xét, đánh giá sẽ không đúng, không khách quan.

Muốn biết phương pháp ấy, mô hình ấy, sách giáo khoa và chương trình ấy có hiệu quả không, hiệu quả ở mức nào thì cứ vi hành vào một vài lớp để dự giờ. Không nhất thiết phải dự hết tiết, dự giờ vài hoạt động đã có thể đánh giá được.

Tuy nhiên, dự giờ kiểu này, người dự giờ cần đánh giá khách quan, tránh kiểu quy chụp học sinh không trả lời được hay chưa hiểu bài mà cho rằng do giáo viên dạy dở, nhà trường chỉ đạo chuyên môn không tốt.

Thấy hiện thực mới biết được mô hình ấy áp dụng có phù hợp không, kiến thức yêu cầu như thế có cao không…từ đó, những chuyên gia giáo dục, những nhà biên soạn chương trình, viết sách giáo khoa mới điều chỉnh phù hợp hơn so với thực tế.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương