Có gì mới trong hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp, thâm niên nhà giáo 2019?

17/12/2018 06:14
BÙI NAM
(GDVN) - Điểm mới là giáo viên được chuyển xếp lương, thăng hạng theo chức danh nghề nghiệp nhà giáo có mã số V.07....vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

LTS: Chỉ ra mới trong hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp, thâm niên nhà giáo 2019, nhà giáo Bùi Nam đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28/2018/TT BGDĐT ngày 25/10/2018 sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT- BGDDT-BNV-BTC BLĐTBXH hướng dẫn thực hiên một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và điểm a khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa ký và thông tư này có hiệu lực từ 10/12/2018.

Điểm mới trong hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp, thâm niên nhà giáo 2019 (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Điểm mới trong hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp, thâm niên nhà giáo 2019 (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Đối với phụ cấp thâm niên nhà giáo

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo như sau:

“a) Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07)”.

Đối với phụ cấp ưu đãi nhà giáo

Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập như sau:

“a) Đối tượng quy định tại khoản 1 mục này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các kí tự đầu của mã số hạng là V.07) thì được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Riêng đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 mục này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo”.

Cụ thể điểm b, c khoản 1 của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính quy định như sau:

Có gì mới trong hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp, thâm niên nhà giáo 2019? ảnh 2Tại sao lương cán bộ, giáo viên bị tự động trừ hàng tháng?

“b) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm.

c) Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.”

Theo đó, thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/12/2018.

Theo như thông tư trên thì về vấn đề hướng dẫn đối tượng, cách tính phụ cấp thâm niên dành cho nhà giáo không có nhiều thay đổi, điểm mới là giáo viên được chuyển xếp lương, thăng hạng theo chức danh nghề nghiệp nhà giáo có mã số V.07....vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Băn khoăn về hướng dẫn thực hiện phụ cấp ưu đãi cho giáo viên

Ở điểm c khoản 1 của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính quy định:

c) Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Theo thông tư 28/2018/TT BGDĐT ngày 25/10/2018 tiếp tục khẳng định chỉ có nhà giáo và cán bộ quản lý đang làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập: Trường mầm non, tiểu học, trung học (trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp), giáo dục đại học (cao đẳng và đại học) mới được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Tiếp vấn đề trên là hiện nay các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn tại các trường được hưởng phụ cấp chức vụ là 0,2 và 0,15 (không phân biệt hạng trường) cùng với hiệu trưởng và hiệu phó nên xếp cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục bao gồm: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn.

Có thể hiểu là theo quy định Hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần, Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần, tổ trưởng giảm 3 tiết/tuần, tổ phó giảm 1 tiết/tuần.

Như vậy. nếu làm tổ trưởng ở trường tiểu học phải dạy đủ 20 tiết, trung học cơ sở phải dạy đủ 16 tiết, ở trung học phổ thông phải dạy đủ 14 tiết sau khi đã giảm trừ 3 tiết (tương ứng đối với tổ phó chuyên môn phải dạy đủ là 22 tiết, 18 tiết và 16 tiết ở từng cấp học).

Đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng quy định trên là rõ ràng, phù hợp nhưng đối với quy định tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ngoài làm công tác chuyên môn, chỉ kiêm nhiệm công tác quản lý nhưng phải dạy đủ các tiết trên, chỉ cần thiếu 1 tiết/tuần cũng không được hưởng phụ cấp ưu đãi là vấn đề không phù hợp mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại cho phù hợp.

Có gì mới trong hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp, thâm niên nhà giáo 2019? ảnh 3Phải tăng lương cho thầy cô để loại bỏ phong bì, dạy thêm

Bên cạnh đó tổ trưởng, tổ phó cũng chỉ thực hiện theo nhiệm vụ của hiệu trưởng phân công, nên nhà trường phân công thiếu tiết do dư giáo viên nhưng lại không hưởng phụ cấp ưu đãi cũng là điều bất hợp lý.

Trong khi đó, các giáo viên khác không kiêm nhiệm chức vụ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn chỉ cần có đứng lớp là được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Trước đây thanh tra Nhà nước tỉnh Hậu Giang đã truy thu phụ cấp ưu đãi hàng trăm giáo viên kiêm nhiệm công tác tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đã gây bức xúc rất lớn trong lực lượng giáo viên, nhiều giáo viên kiêm nhiệm công việc đã xin thôi không giữ chức vụ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nữa.

Một lần nữa mong Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp xem xét, sửa đổi một phần mục c) Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cho phù hợp, có tình, có lý.

BÙI NAM