Có một bộ phận học Tiến sĩ chỉ với mục đích 'thăng quan tiến chức'

09/05/2022 06:58
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" chỉ mang tính ứng dụng và không thể là một luận án tiến sĩ.

Những ngày qua, câu chuyện xôn xao về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đã đặt ra nhiều băn khoăn về vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề tài trên không thể là một đề tài nghiên cứu khoa học, và dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Quy trình nghiệm thu một đề tài khoa học, quy trình bảo vệ một luận án tiến sĩ được diễn ra như thế nào? Tại sao lại để lọt những đề tài “vô lý” như thế?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, theo Luật Giáo dục đại học cũng như các văn bản quy định, trong giáo dục đại học có hai hướng là hướng nghiên cứu (mang tính hàn lâm, học thuật và sáng tạo ra cái mới) và hướng ứng dụng.

Để lọt các luận án TS không đủ tầm có trách nhiệm của Bộ, Hội đồng bảo vệ

Đối với hướng nghiên cứu, có thể đào tạo từ trình độ cử nhân, thạc sĩ và đến tiến sĩ. Tuy nhiên, đối với hướng ứng dụng, chỉ đào tạo trình độ cử nhân và thạc sĩ, không đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.(Ảnh:NA)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.(Ảnh:NA)

Đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" chỉ mang tính ứng dụng và không thể là một luận án tiến sĩ được.

Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã quy định rất rõ về “Tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp theo của các cấp học và trình độ đào tạo”.

Cụ thể, đối với Giáo dục đại học: “Giáo dục trình độ đại học và giáo dục trình độ thạc sĩ có 2 định hướng: nghiên cứu và ứng dụng; giáo dục trình độ tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu.

Các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu có mục tiêu và nội dung theo hướng chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học phát triển các công nghệ nguồn làm nền tảng để phát triển các lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ.

Các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng có mục tiêu và nội dung theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người (Điều 2, Quyết định số 1981/QĐ-TTg).

Như vậy, đã là đào tạo tiến sĩ thì phải theo định hướng nghiên cứu, còn đề tài của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh hoàn toàn theo hướng ứng dụng.

“Rất khó để chấp nhận một đề tài như vậy lại được bảo vệ thành công, bởi lẽ chúng ta đã có quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ rồi.

Một đề tài của nghiên cứu sinh bao giờ cũng được hướng dẫn bởi những người có chuyên môn, là những nhà khoa học. Những người hướng dẫn nếu làm đúng trách nhiệm phải xem xét đề tài đó có thực sự xứng đáng làm luận án tiến sĩ hay không?

Sau đó có Hội đồng thông qua đề tài, thông qua đề cương, sau quá trình đánh giá mới đi đến bảo vệ. Điều đáng nói, sau khi bảo vệ thành công vẫn phải qua vòng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để lọt một đề tài như thế không phải trách nhiệm của cá nhân nghiên cứu sinh, của người hướng dẫn mà còn có trách nhiệm của Hội đồng bảo vệ, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Tiến sĩ Khuyến nêu quan điểm.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những đề tài như thế. Câu chuyện này đã cho thấy chúng ta đang đào tạo tiến sĩ không đúng với Luật, và những chuẩn mực đánh giá đối với luận án tiến sĩ đang bị giảm sút rất nhiều.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận số 638/TB-TTCP ngày 29/4 về Thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015 - 2019 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Qua thanh tra đã cho thấy, giai đoạn trước năm 2017, công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn nhiều khuyết điểm, sai phạm. Đây chính là hồi chuông báo động về công tác đào tạo tiến sĩ của chúng ta hiện nay.

“Chạy” theo học vị chỉ vì hư danh

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, nhiều người theo học tiến sĩ, chạy theo học vị chỉ vì hư danh.

Ở các nước, những người làm công tác nghiên cứu, công tác giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu mới học tiến sĩ, họ làm nghiên cứu phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp của mình và đó mới là những tiến sĩ thực sự.

Còn ở Việt Nam, có một bộ phận học tiến sĩ để đạt mục đích “thăng quan tiến chức”, để làm quản lý, lãnh đạo.

Học vị tiến sĩ là yêu cầu tối thiểu để làm việc ở vị trí giảng dạy tại các trường đại học theo định hướng nghiên cứu, hoặc làm việc ở các viện nghiên cứu khoa học, đó là tiêu chuẩn tối thiểu để xem xét tuyển dụng tại những đơn vị này.

Còn ở các doanh nghiệp hay những cơ quan quản lý khác, không nên đặt học vị tiến sĩ làm tiêu chuẩn để tuyển dụng, bổ nhiệm những vị trí quản lý, lãnh đạo vì điều này là không cần thiết, dễ dẫn đến tình trạng người ta “đua” thành tiến sĩ chỉ vì hư danh, chất lượng đào tạo tiến sĩ giảm.

“Một vấn đề nữa là hiện nay chúng ta đang đào tạo tiến sĩ theo kiểu tại chức, họ vừa phải làm việc, vừa phải học tiến sĩ, không tập trung thời gian làm nghiên cứu, không hoàn thành đúng thời hạn mà vẫn bảo vệ xuất sắc là điều vô lý.

Việc để lọt luận án tiến sĩ gây xôn xao dư luận như thời gian qua khiến người ta lo ngại vấn đề tiêu cực có thể xảy ra. Rồi sau này, nếu những tiến sĩ như vậy có thể được xét chức danh phó giáo sư, giáo sư là điều không thể chấp nhận.

Cần phải có sự chấn chỉnh trong công tác đào tạo tiến sĩ. Từ việc sàng lọc đối tượng học tiến sĩ, phải đưa ra những điều kiện, yêu cầu để đảm bảo đào tạo tiến sĩ đúng mục đích, đúng đối tượng.

Cán bộ hướng dẫn, Hội đồng bảo vệ cũng phải làm việc hết trách nhiệm của mình. Người hướng dẫn trong một khoảng thời gian nhất định không nên hướng dẫn quá nhiều nghiên cứu sinh, không phải chỉ để người ta mượn tên mà bỏ quên trách nhiệm của mình.

Cuối cùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước, đưa ra được các quy định để kiểm soát chặt chẽ quy trình đào tạo tiến sĩ, có thẩm định đối với các đề tài luận án tiến sĩ đã được bảo vệ, tránh để lọt những đề tài thiếu tính nghiên cứu như đã xảy ra”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay.

Luận án có tiêu đề "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thuộc chuyên ngành giáo dục học, được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

Bản đầy đủ luận án có 126 trang A4, gồm có 3 chương, trong đó tại phần "Những đóng góp mới của luận án", theo nghiên cứu sinh này, luận án đã đánh giá thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy, còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; thiếu cộng tác viên cầu lông; công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế.

Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La...

Linh Trang