Không vì hoa hồng, hiệu trưởng có sốt sắng thay đổi mẫu mã đồng phục không?

11/07/2019 06:19
Phan Tuyết
(GDVN) - Đừng vì khoản hoa hồng hấp dẫn mà trực tiếp biến trường học làm nơi kinh doanh, huy động công sức của cả một tập thể mà lợi nhuận chỉ chảy vào túi một ai đó.

Cứ vào đầu mỗi năm học, câu chuyện đồng phục học sinh luôn là đề tài cho nhiều người bàn tán.

Cũng chỉ vì có trường thay đổi mẫu đồng phục, trường bán đồng phục giá cao, trường chất lượng đồng phục quá tệ…mới gây bức xúc nhiều trong dư luận đến thế.

Vì hoa hồng, nhiều trường đang kinh doanh cả đồng phục và sách (Ảnh minh hoạ: Baoquangbinh.vn)
Vì hoa hồng, nhiều trường đang kinh doanh cả đồng phục và sách (Ảnh minh hoạ: Baoquangbinh.vn)

Nếu không vì hoa hồng…

Một số nhà may chuyên cung cấp đồng phục cho nhà trường cho biết, đến trường chào hàng luôn phải đưa mức hoa hồng ra trước.

Thế nên mức chào giá ban đầu phải hấp dẫn, phải trội hơn những nhà may khác mới mong được cái gật đầu đồng ý từ hiệu trưởng.

Sẽ có 2 mức hoa hồng chung và riêng. Hoa hồng chung để hiệu trưởng công bố trong “bộ sậu” liên quan.

Hoa hồng riêng chỉ mình hiệu trưởng nhận. Nếu phải chi hoa hồng nhiều thì giá bán đồng phục trường ấy đương nhiên phải cao hơn hoặc chất lượng thấp hơn trường bên cạnh.

Vì điều này, nên cũng với những bộ đồng phục như nhau, mỗi trường lại có mức bán khác nhau.

Để giành độc quyền bán đồng phục với cả phụ huynh (không thể mua bên ngoài hay dùng đồ cũ), có trường liên tục đổi mẫu mã hàng năm.

Nhiều phụ huynh than trời vì bộ đồ chị để lại cho em còn khá mới nhưng vẫn phải bỏ đi mua bộ khác.

Sự sốt sắng thay đổi mẫu mã đến chóng mặt như thế làm người ta nghi ngờ, đặt câu hỏi nếu không có lợi lộc gì thì nhà trường có làm thế không?

Còn nhớ, ngôi trường cấp 3 con tôi học năm ấy, cuối năm họp phụ huynh, nhà trường đưa ra ý kiến thay đổi và thêm đồng phục cho học sinh năm học mới.

Không vì hoa hồng, hiệu trưởng có sốt sắng thay đổi mẫu mã đồng phục không? ảnh 2
Đồng phục học sinh “miếng bánh ngon” cho hiệu trưởng

Ngoài bộ áo dài cho nữ sinh còn quy định thêm bộ đồng phục nữ.

Trước đây, học sinh nữ chỉ mặc áo dài suốt tuần, nay đổi lại mặc áo dài vào thứ hai đầu tuần, những ngày khác mặc quần xanh áo trắng.

Học sinh nam vẫn mặc quần xanh áo trắng nhưng đã thay đổi lô gô, cổ áo để khác đồ cũ đang dùng.

Dù phần lớn phụ huynh đều phản đối, nhưng Ban đại diện cha mẹ học sinh đồng ý, thế là nhà trường vẫn quyết làm.

Vậy là, một học sinh vào lớp 10 phải mua tới 3 bộ đồng phục (một là bộ áo dài, bộ quần xanh áo trắng và bộ thể dục).

Điều bất bình và vô lý ở chỗ, nhà trường lại quy định ba khối lớp 10,11 và 12 đồ thể dục có 3 màu khác nhau.

Vì thế, khi lên lớp 11 các em vẫn không thể mặc đồ lớp 10 của chính mình dù còn khá mới.

Cũng không thể mua ngoài chợ (dù giá rẻ hơn vì lô gô của trường sẽ không có).

Nhiều phụ huynh phải bỏ ra một khoản tiền lớn đổi đồng phục cho con (đặc biệt là gia đình có tới vài ba con đang học).

Nhưng hiệu trưởng lại nhận được món lợi khủng. Chỉ tính khoảng gần 2 nghìn học sinh x 400 ngàn đồng (tính mức trung bình) thì 10% hoa hồng sẽ hơn hai năm tiền lương giáo viên mới ra trường.

Không ít ý kiến cho rằng, đồng phục màu mè làm gì, cứ quần xanh áo trắng là đẹp nhất.

Nào đâu chỉ đồng phục một bộ? Có trường còn đồng phục từ chiếc áo ngủ, cái khăn (trường bán trú).

Trường quy định thêm chiếc áo khoác mùa đông, đôi giầy, đôi dép…

Người am hiểu cho biết, chỉ ở xứ ta mới có kiểu quy định đồng phục nhiêu khê như thế, bên Mỹ người ta còn chẳng quy định đồng phục thế nào.

Học sinh đến trường mặc sao cũng được miễn là thấy lịch sự và thoải mái. Vậy mà các em học tập vẫn tốt.

Nhà trường đừng biến thành nơi kinh doanh

Không vì hoa hồng, hiệu trưởng có sốt sắng thay đổi mẫu mã đồng phục không? ảnh 3
Đồng phục học sinh từ bình đẳng thành ám ảnh

Với kiểu cái gì cũng bán (sách vở, đồng phục, bút viết…) như hiện nay, nhiều trường học đang biết môi trường giáo dục thành nơi kinh doanh, chợ búa.

Người ta cứ lấy lý do, bán sách vì sợ bên ngoài sách giả, bán vở, đồ dùng học tập để cho đồng nhất dễ dạy, bán quần áo đồng phục để cho đẹp, lịch sự mang cái nét đặc trưng của từng trường mà che giấu mục đích chính là những món hoa hồng béo bở.

Hãy lắng nghe chia sẻ của anh Trần Văn Hải, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh một cách khá bức xúc:

“Cháu nhà tôi năm nay vào lớp 1. Thấy trường báo gia đình nạp 400 nghìn đồng để mua bộ sách giáo khoa, nộp 300 nghìn đồng để mua đồng phục.

Tôi tìm hiểu bên ngoài thì thấy giá bộ sách chỉ 190 nghìn đồng, đồng phục kiểu loại, chất liệu như vậy có 150 nghìn đồng.

Không biết có phải nhà trường đang kinh doanh sách giáo khoa và đồng phục học sinh hay không?!”… {1}

Cùng suy nghĩ và tâm trạng như anh còn có nhiều người cũng nhu thế.

Trường học chỉ nên làm tốt công tác dạy và học

Nhiệm vụ chính của nhà trường là làm tốt công tác dạy và học.

Chuyện đồng phục, sách vở, đồ dùng của học sinh hãy để phụ huynh tự lo.

Đừng vì những khoản tiền hoa hồng hấp dẫn mà trực tiếp biến trường học làm nơi kinh doanh, huy động công sức của cả một tập thể mà lợi nhuận chỉ chảy vào túi một vài cá nhân  nào đó.

Tài liệu tham khảo:

https://baonghean.vn/dep-mai-dong-phuc-hoc-sinh-48255.html {1}

https://eva.vn/tin-tuc/dong-phuc-hoc-sinh-moi-truong-mot-gia-c73a192763.html

Phan Tuyết