Đổi mới tư duy về quản trị vẫn chưa gắn với việc nâng cao trách nhiệm

23/07/2020 09:05
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề quyền lực và phân cấp quyền lực; thói quen bao cấp vẫn là một sức ì lớn trong tư duy cũng như cách hành xử của người quản lý lẫn người được quản lý.

Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề cho việc đổi mới tư duy quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học Việt Nam, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh tự chủ đại học, phân định rõ quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục đại học, vấn đề cơ quan chủ quản, vấn đề sở hữu, vấn đề Hội đồng trường, mối quan hệ giữa Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường…

Các nhà khoa học đã phân tích nguyên nhân những rào cản và đề ra rất nhiều giải pháp quan trọng, khả thi cho việc triển khai tự chủ đại học; cả kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục đại học trong nước và quốc tế.

Với góc độ đơn vị tham mưu cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong việc thẩm tra việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục đại học và giám sát Chính phủ trong lĩnh vực này, tôi xin ghi nhận ý kiến của các thầy, các chuyên gia để báo cáo với Ủy ban.

Như các thầy đã phát biểu trong hội thảo, đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đã được thể hiện trong chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Gần đây nhất là Nghị quyết 29 và 19 của Trung ương; Luật 34. Luật 34 đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là đẩy mạnh tự chủ, xác định vị thế quan trọng của Hội đồng trường.

(Ảnh minh họa: Tapchitaichinh.vn)

(Ảnh minh họa: Tapchitaichinh.vn)

Luật đã quy định vai trò tự quyết của các cơ sở giáo dục đại học thông qua việc ban hành quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường do Hội đồng trường quyết định.

Tuy nhiên, nhận thức và hành động của các cơ quan làm chính sách và cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật vẫn đang là những rào cản trong việc thực hiện tự chủ đại học.

Vấn đề quyền lực và phân cấp quyền lực; thói quen bao cấp vẫn là một sức ì lớn trong tư duy cũng như cách hành xử của người quản lý lẫn người được quản lý.

Qua khảo sát thực tiễn triển khai Luật Giáo dục đại học chúng tôi nhận thấy việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện Luật còn chậm, chất lượng còn hạn chế.

Các cơ sở giáo dục phần lớn vẫn còn chậm đổi mới, nhận thức về tự chủ còn hạn chế, lúng túng trong triển khai tự chủ.

Nhiều cơ sở giáo dục tự chủ, đặc biệt là những đơn vị được giao tự chủ, tuy đề nghị xóa bỏ cơ quan chủ quản nhưng vẫn sợ khi phải tự mình quyết định.

Có một vấn đề làm chúng tôi suy nghĩ là: hiện nay Luật đã giao quyền cho Hội đồng trường nhưng khi triển khai, hầu như phần lớn các cơ sở giáo dục đại học chưa có Hội đồng trường đủ mạnh.

Vấn đề này đang là rào cản mà Ủy ban đã nhận thấy rất rõ qua khảo sát thực tiễn.

Đổi mới tư duy về quản trị trường đại học vẫn chưa gắn với việc nâng cao trách nhiệm.

Giải trình không chỉ gồm việc báo cáo mà phải công khai minh bạch, căn bản là hiệu quả, là chất lượng đầu ra của cơ sở đại học.

Kính thưa các nhà khoa học, Chủ nhiệm Ủy ban chúng tôi là người rất tâm huyết trong việc đổi mới, phát triển giáo dục, đặc biệt là đại học.

Ủy ban chúng tôi trong thời gian qua đã thẩm tra và giúp Quốc hội sửa đổi 2 Luật về Giáo dục ( Luật Giáo dục sửa đổi; Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học); Ủy ban đã tiến hành nhiều nội dung giám sát chuyên sâu về giáo dục đại học như vấn đề tự chủ đại học, kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, về đại học tư thục… với quan điểm là phải đổi mới mạnh mẽ quản lý Nhà nước về giáo dục đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học...

Đặc biệt Ủy ban chúng tôi rất trân trọng tinh thần dân chủ, lắng nghe ý kiến chuyên gia.

Hàng năm, Ủy ban có tạo ra các diễn đàn về giáo dục (gọi là VEC). Năm 2018 chúng tôi có một diễn đàn lớn về giáo dục đại học “Giáo dục đại học - chuẩn hóa và hội nhập Quốc tế”.

Năm nay, Ủy ban đang chuẩn bị diễn đàn VEC 2020 có chủ đề là “Tự chủ đại học-từ chính sách đến thực tiễn”.

Diễn đàn này rất lớn, có hàng trăm đại biểu tham dự trong đó có lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội; cơ quan làm chính sách; có Bộ trưởng và các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt có các chuyên gia, đại diện các cơ sở giáo dục đại học, các đối tượng tác động…

Đây là một diễn đàn dân chủ để Quốc hội lắng nghe ý kiến chuyên gia, làm cơ sở cho việc đề xuất việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục.

Hội thảo bàn về một vấn đề thú vị mà cũng rất khó, nhận thức là một quá trình.

Chắc chắn những vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận.

Chúng tôi cũng hy vọng tất cả các nhà khoa học hôm nay sẽ tiếp tục đóng góp cho Ủy ban tại diễn đàn VEC 2020 tới đây góp phần để Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy giáo dục đại học phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn và ghi nhớ những ý kiến tâm huyết của các thầy.

Ngày 13/6/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cuộc tọa đàm quy tụ gần 100 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học đặt dưới sự đồng chủ trì của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông.

Tọa đàm khoa học đã nhận được trên 20 báo cáo tham luận về tự chủ đại học, vai trò cũng như chức năng của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Ban giám hiệu và cơ quan quản lý trực tiếp...Phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc về vấn đề bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, từ chủ trương nghị quyết, quy phạm pháp luật đến thực tiễn.

Được sự đồng ý của Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông, Giáo dục Việt Nam lần lượt đăng tải các bản tham luận tại Tọa đàm này để cung cấp thêm thông tin đến bạn đọc quan tâm. Nội dung, văn phong tham luận thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng)