Đưa cao đẳng về Bộ Giáo dục để tránh chồng chéo, giẫm đạp lên nhau về chức năng

08/04/2021 07:15
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không chủ động nguồn tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thì việc quy hoạch mạng lưới các trường nghề chỉ tồn tại trên giấy.

Vừa qua Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về kiến nghị này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp (đề nghị không nêu tên) cho rằng, rõ ràng, một đất nước mà có tới 2 Bộ quản lý về giáo dục đào tạo như hiện nay sẽ không phù hợp bởi mỗi bộ thực hiện một chức năng chính khác nhau. Khi chồng chéo, giẫm đạp lên nhau về chức năng sẽ dẫn tới không phù hợp trong thiết kế bộ máy của Chính phủ.

Do đó, vị này cho rằng, cần đưa giáo dục đào tạo về một đầu mối quản lý nhà nước đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo việc sử dụng nguồn lực quốc gia thông minh hơn.

Mặt khác, Đảng và Chính phủ khi ấy buộc trách nhiệm giải trình về chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo ra và sự cân đối các trình độ đào tạo, việc sử dụng nguồn lực hiệu quả của người đứng đầu Bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Hiện nay giữa hai Bộ lẫn vai trò và chức năng nên không quy trách nhiệm một cách rõ ràng về tình hình đào tạo nhân lực trước Quốc hội, Chính phủ nói riêng và trước xã hội nói chung.

Giai đoạn hiện nay và trước mắt đất nước bước vào thời kỳ mới của sự phát triển đòi hỏi phải thay đổi tư duy phát triển giáo dục đào tạo để có nguồn nhân lực tốt đáp ứng các nhu cầu phát triển rất mới mà Đại hội 13 đã chỉ ra.

Ảnh minh họa: Báo Người Lao động

Ảnh minh họa: Báo Người Lao động

Nếu tư duy vẫn manh mún, cục bộ, "cạnh tranh thị phần" quản lý nhà nước, dẫn đến cạnh tranh nguồn lực và ngóng chờ vào nguồn ngân sách như hai ba thập kỷ trước thì sẽ khó có sự phát triển đột phá về chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực.

Nếu được chấp thuận đưa giáo dục và đào tạo về một đầu mối quản lý nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ tạo ra sự thay đổi mới trong bối cảnh mới, phù hợp với mục tiêu và định hướng của Đảng.

Đó là việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học sẽ khả thi và hiệu quả hơn do nguồn lực đỡ bị phân tán. Bài toán quy hoạch theo Luật Quy hoạch được giải quyết nhằm để khi thác, huy động sử dụng nguồn lực (công và tư) hiệu quả và thông minh hoàn toàn bị thách thức do các cơ quan quản lý chồng chéo như hiện nay.

Vị này cho rằng: "Nếu không chủ động nguồn tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thì việc quy hoạch mạng lưới các trường nghề chỉ tồn tại trên giấy.

Trong ba dòng chảy khi có hai dòng chảy giáo dục phổ thông và giáo dục đại học mở rộng ra thì ngay lập tức giáo dục nghề nghiệp sẽ tự động co hẹp lại và dẫn đến sự lãng phí đầu tư cơ sở vật chất cho trường nghề nhưng không có hoặc rất ít người học. Mong muốn về kiến tạo và phát triển vẫn là mục tiêu trong mơ".

Mặt khác, người học sẽ hưởng lợi nhiều hơn do cơ hội học tập suốt đời dễ dàng hơn rất nhiều do hệ thống được vận hành một cơ chế thống nhất về đảm bảo chất lượng, cơ chế liên thông (tín chỉ có giá trị thống nhất hơn) và giảm bớt rất nhiều các thủ tục quy định mang tính hành chính khác.

Cũng theo chuyên gia này, những vấn đề gây tranh cãi vừa qua về cho phép hay không cho phép dạy các môn văn hóa trong trường nghề để thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cũng là những hệ quả của việc quản lý nhà nước chồng chéo mà ra.

Nhiều mô hình giáo dục nghề nghiệp trên thế giới rất hiệu quả, nhưng Việt Nam không học được mà làm chính sách theo kiểu duy ý chí, không có nghiên cứu chỉ làm cho hệ thống giáo dục đào tạo có hình ảnh không đẹp cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của một Chính phủ kiến tạo đang rất tích cực đổi mới.

Tinh gọn bộ máy quản lý theo tinh thần của Nghị quyết hội nghị Trung ương 6, Đại hội 12.

Việc Thủ tướng chỉ đạo về giáo dục đào tạo sẽ dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian họp hành. Các trường và địa phương giảm chi phí giao dịch giữa hai hệ thống. Hệ thống hội nhập tốt hơn với thế giới và khu vực. Bởi có tình trạng hiện nay hai Bộ đều cử đại diện đi đàm phán quốc tế có khi chỉ về một vấn đề khiến quá trình mất thời gian.

Chuyên gia này cho rằng, hiện hàng chục triệu lao động cần đào tạo lại, đào tạo nâng cấp kỹ năng tại doanh nghiệp phục vụ cho chuyển đổi số và nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng dường như Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội không mấy quan tâm để tham mưu chính sách, cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp đứng ra đào tạo kỹ năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Kinh nghiệm Hàn Quốc đào tạo ban đầu và đào tạo liên tục thuộc nhiệm vụ của Bộ Việc làm và Lao động như hình dưới đây (nguồn: Giáo dục nghề nghiệp ở Hàn Quốc- KRIVET)

Nhìn nhận từ thực tế, chuyên gia này đánh giá, từ khi chuyển cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có một vấn đề đã chưa được đánh giá đầy đủ tính phức tạp của vấn đề về quản lý ở địa phương.

Cụ thể là việc chuyển nhiệm vụ ở từ cơ quan Trung ương này sang cơ quan Trung ương khác không mấy khó khăn nhưng lại chưa lường hết được những khó khăn quản lý nhà nước ở địa phương.

Hiện nay, năng lực quản lý nhà nước của hầu hết các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều rất yếu do những hiểu biết về sự vận hành và quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngược lại, sở Giáo dục và Đào tạo vì hầu hết cán bộ đều đã kinh qua công tác dạy học, tích lũy kinh nghiệm cả mấy chục năm nên tính chuyên nghiệp trong việc hướng dẫn, quản lý cơ Sở Giáo dục và Đào tạo bài bản hơn.

Trong bối cảnh phân cấp từ Trung ương đến địa phương, một khi địa phương không đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý về Giáo dục và Đào tạo thì việc cải cách hành chính sẽ gặp khó khăn và hệ thống vận hành kém hiệu quả. Trong đó, cải cách hành chính là một trong các nhiệm vụ ưu tiên của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, người dân hy vọng nhiều vào những quyết sách mới trong đào tạo nhân lực có chất lượng cao, hiệu quả ở kỷ nguyên chuyển đổi số.

Thanh Sơn