Những tồn tại về chương trình đào tạo theo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục

13/04/2019 06:06
An Nhiên
(GDVN) - Các cơ sở giáo dục đại học của chúng ta đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, nhưng vẫn còn một số tồn tại và hạn chế nhất định.

Ngày 12/4/2019, tại Trường đại học Điện lực đã diễn ra hội thảo Tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo “Khó khăn và Giải pháp”.

Tham dự buổi hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã có chia sẻ về những tồn tại của chương trình đào tạo theo kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục: đánh giá và khuyến nghị.

Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Kiểm định chất lượng giáo dục là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục Việt Nam. Điều này đã được ghi rõ trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Tính đến tháng 5/2018, bốn Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam (Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Đà Nẵng) đã kiểm định chất lượng 122 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 1.172 cơ sở giáo dục đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.

Trong số 117 cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng giáo dục có 84,6% là các trường đại học/học viện công lập và 15,4% là các trường đại học tư thục.

Công cụ để Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học là Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng gồm 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Quyết định số 06/VBHN-BGDĐT ngày 04/3/2014.

Để đạt tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng, cơ sở giáo dục đại học phải đạt tối thiểu 49/61 tiêu chí (xấp xỉ 80,33% tổng số tiêu chí) và số tiêu chí tối đa chưa đạt yêu cầu được phép là 12/61 tiêu chí (19,67% tổng số tiêu chí).

Kết quả Kiểm định chất lượng 117 cơ sở giáo dục đại học cho thấy chỉ có 1 trường đại học đạt kết quả cao nhất với 56 tiêu chí đạt yêu cầu và 5 tiêu chí chưa đạt yêu cầu; trường đại học có kết quả cao thứ hai với 55 tiêu chí đạt yêu cầu và 6 tiêu chí chưa đạt yêu cầu.

Theo chủ điểm của Hội thảo sẽ tập trung phân tích sâu các tiêu chí liên quan đến chương trình đào tạo, hoạt động đào tạo và đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục đại học như:

Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của đào tạo trình độ đại học và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Những tồn tại về chương trình đào tạo theo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục ảnh 2Đang diễn ra Hội thảo Tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

Phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá được đa dạng hoá, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và phù hợp với hình thức đào tạo, hình thức học tập, mục tiêu môn học và đảm bảo mặt bằng chất lượng giữa các hình thức đào tạo; đánh giá được mức độ tích lũy của người học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề.

Có kế hoạch đánh giá chất lượng đào tạo đối với người học sau khi ra trường và kế hoạch điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục nhằm giảm tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên.

Đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định. Giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo; đảm bảo cơ cấu chuyên môn và trình độ theo quy định; có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Từ việc phân tích kết quả Kiểm định chất lượng 117 cơ sở giáo dục đại học đã đạt được Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học mặc dù đã đạt tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng, nhưng vẫn phải tiếp tục khắc phục những tồn tại đã được các đoàn đánh giá ngoài và các hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục chỉ ra kèm theo các khuyến nghị cụ thể để giúp cơ sở giáo dục đại học phát huy những điểm mạnh và có giải pháp khả thi để khắc phục các tồn tại của bản thân.

Thực tiễn trên thế giới đã khẳng định khó có cơ sở giáo dục đại học nào đạt được 100% các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.

Vì vậy, chúng ta cần hiểu rằng, cơ sở giáo dục đại học của chúng ta đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, nhưng vẫn còn một số tồn tại và hạn chế nhất định và các cơ sở giáo dục đại học này bắt buộc phải có báo cáo tự đánh giá giữa chu kỳ Kiểm định chất lượng giáo dục về việc nhà trường đã khắc phục được những tồn tại/hạn chế được đoàn đánh giá ngoài chỉ ra trong báo cáo đánh giá ngoài, cũng như trong các nghị quyết của các hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục.

An Nhiên