Sức ỳ của giáo dục đại học tại Việt Nam quá lớn

03/11/2018 07:09
Phương Linh
(GDVN) - “Chúng ta phát biểu nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng thực tế các trường lại quá chậm, vì sức ỳ của giáo dục đại học tại Việt Nam quá lớn”.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ như trên, tại hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng”.

Hội thảo này do Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 2/11/2018 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo dục khai phóng tại Việt Nam chưa đậm nét

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, hướng tới việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của trung ương, đây là dịp để các trường trong cả nước cùng trao đổi, chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (ảnh: P.L)
Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (ảnh: P.L)

Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, chuyển biến trong hoạt động đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng là có, nhưng chưa nhiều và chưa đậm nét. Giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa hình thành được bóng dáng của hệ thống giáo dục mở, hướng giáo dục đến việc thực học, thực hành.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như các xu hướng giáo dục mới, giáo dục khai phóng tại Việt Nam vẫn chưa đậm nét, dù nền tảng, điều kiện tiếp cận của các trường với xu hướng học tập, sự tiến bộ công nghệ của xã hội là rất lớn.

Cơ sở đào tạo đại học tăng nhanh

Theo Phó Giáo sư Dương Văn Sáu – Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, các cơ sở giáo dục có đào tạo đại học hiện nay đang tăng nhanh, nhưng chất lượng tăng chưa tương xứng, nên trở thành vấn nạn.

Phó Giáo sư Dương Văn Sáu giải thích: Đưa ra thị trường quá nhiều trường, nhưng không đáp ứng được với thực tế, nên sẽ tạo ra “rác” cho xã hội. Nơi nào, tỉnh nào cũng có trường đại học, nhưng không phải trường nào cũng đáp ứng được với yêu cầu của xã hội.

Vấn đề tuyển sinh cũng được Phó Giáo sư Dương Văn Sáu nhìn nhận là có rất nhiều vấn đề đặt ra trong thực tế, nhất là từ vụ việc mùa tuyển sinh năm 2018 vừa qua.

Đại diện Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội nhìn nhận, hiện chúng ta đang đào tạo đại học từ tinh hoa, đỉnh cao xuống thành phổ cập, đại trà, nên sẽ có rất nhiều “hàng nhái”, “hàng chợ”.

Toàn cảnh hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng” (ảnh: P.L)
Toàn cảnh hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng” (ảnh: P.L)

“Khi có bộ lọc của thế giới, sự chia sẻ giữa đào tạo trong nước và quốc tế, thì các “hàng nhái” này sẽ bị loại bỏ” - Phó Giáo sư Dương Văn Sáu kết luận.

Sức ỳ của giáo dục đại học tại Việt Nam quá lớn

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Chúng ta phát biểu nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng thực tế các trường lại quá chậm, vì sức ý của giáo dục đại học tại Việt Nam quá lớn. Không chỉ vậy, tư duy của con người, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo còn trì trệ, không kịp thay đổi với thời đại”.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nói rằng, chưa bao giờ, nền tảng công nghệ thuận lợi để các trường cùng hợp tác, chia sẻ nguồn lực để cùng phát triển như hiện nay.

Thời gian trước, một thầy giáo không dám chia sẻ bài giảng lên mạng, vì sợ trường này hay trường kia lấy, nhưng còn bây giờ, thầy giáo giảng bài ở đây, nhưng cả thế giới vẫn có thể theo dõi bài giảng này qua mạng.

Người đứng đầu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh còn chỉ ra, các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện rất lạc hậu, như tính chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào diện tích văn phòng, đội ngũ giảng viên không còn phù hợp, nếu các trường áp dụng hình thức chia sẻ nguồn lực hiện tại của mình.

Nếu cho phép sinh viên học trên điện thoại di động, thì hoàn toàn không cần gì đến phòng ốc.

“Muốn cải cách giáo dục đại học cần có tư duy mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải trở thành một cầu nối, tập trung nguồn lực để gắn kết, chia sẻ với nhau” – Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.

Phương Linh