Việc thi và xét thăng hạng luôn là đề tài nóng hổi thu hút sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo khắp mọi miền đất nước.
Các thí sinh làm bài sát hạch xét thăng hạng (Báo Thái Bình) |
Đã có nhiều ý kiến được phản ánh về những bất cập trong việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng ở nhiều địa phương, thế nhưng vẫn chưa được sửa đổi.
Ngày 30/12/2019, Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 31/2019/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung và hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
Thông tư 31/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/3/2020.
Những trường hợp miễn thi ngoại ngữ
Theo đó, miễn thi ngoại ngữ đối với viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp dự thi thăng hạng trong 04 trường hợp sau:
-Người có tuổi đời đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ.
-Viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận;
|
-Chứng chỉ này phải còn trong thời hạn quy định tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
-Có bằng tốt nghiệp là bằng ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của hạng dự thi.
-Có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của hạng dự thi học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
Thông tư thiết thực nhận được nhiều sự đồng tình của giáo viên
Trong khá nhiều cuộc thi thăng hạng ở các địa phương, chúng tôi không ít lần được chứng kiến những giọt nước mắt uất ức của nhiều thầy cô giáo lớn tuổi.
Những giáo viên này, thường có trình độ chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm đứng lớp dày dặn nhưng bị hạn chế về trình độ ngoại ngữ do trước đây chưa bao giờ được học.
Đã có thầy cô dự thi biết bao lần nhưng không thể qua khỏi của ải ngoại ngữ cho biết, Thông tư này, quả là một tin thật sự vui cho nhiều thầy cô giáo lớn tuổi.
Một số giáo viên hiện đang công tác tại vùng rừng núi nơi chủ yếu là con em dân tộc thiểu số cũng hồ hỡi nói rằng:
"Bao nhiêu năm giảng dạy nơi này, giáo viên chúng tôi phần lớn đã có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số nhưng vẫn buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ (chứng chỉ này gần như chẳng bao giờ dùng tới)".
Vì những quy định như thế nên khi tham dự kỳ thi thăng hạng cũng chẳng mấy người đạt được.
Cũng như những giáo viên đã có bằng tốt nghiệp ngoại ngữ nhưng theo quy định cũ khi thi thăng hạng vẫn phải thi thêm một ngoại ngữ khác.
Sẽ hết tình trạng có bằng đại học ăn lương trung cấp?
Trong ngành giáo dục, hiện vẫn có nhiều thầy cô giáo tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng bao năm nay vẫn phải ăn lương trung cấp.
Lý do, một số tỉnh thành không tổ chức thi, xét thăng hạng cho nhà giáo. Một số tỉnh thành khác lại tổ chức thi nhưng giáo viên không thể vượt qua rào cản ngoại ngữ.
Nay, với sự ra đời của Thông tư 31/2019/TT-BLĐTBXH thì những bất cập về lương bổng của nhiều giáo viên hy vọng sẽ được cải thiện một cách hợp lý.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-31-2019-TT-BLDTBXH-thi-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc-giao-duc-nghe-nghiep-437865.aspx?ac=emailss