LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu tiếp phần 2 bài phân tích "Có thể cùng khai thác những vùng biển nào trên Biển Đông?" của Tiến sĩ Trần Công Trục.
Tiếp theo phần 1, "Liệu Philippines có "sập bẫy" gác tranh chấp, cùng khai thác của Trung Quốc?".
Thứ tư, phân tích sâu hơn, có thể nói đây cũng là một tính toán khôn ngoan của phía Philippines xuất phát từ vị thế pháp lý trong tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa về thời điểm, hoàn cảnh và cách thức tiến hành…
Bởi vì, lịch sử của quá trình Philppines tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa đã chứng minh và ngay cả phía Philippines cũng thừa nhận:
Họ đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền chỉ từ những năm 50 của thế kỷ trước và đã chiếm đóng trên thực tế một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Trên danh nghĩa pháp lý, họ cũng chỉ đòi hỏi chủ quyền đối với các thực thể nằm trong phạm vi hình lục giác bao lấy một phần quần đảo Trường Sa (trừ nhóm đảo Trường Sa lớn) mà họ gọi là “Kalayaan”.
Họ lập luận rằng, nhóm đảo này mặc dù không phải là một bộ phận cấu thành quốc gia quần đảo nhưng vẫn thuộc chủ quyền của Philippines, vì chúng ở gần Philippines về mặt khoảng cách địa lý.
Tuy nhiên, nguyên tắc “khoảng cách địa lý” không có giá trị để bảo vệ cho quyền thụ đắc lãnh thổ của họ đối với quần đảo Trường Sa, dưới ánh sáng của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Cho nên, sự hưởng ứng này cũng có thể là một biện pháp pháp lý nhằm giành lấy sự công nhận trên thực tế việc chiếm đóng phi pháp của họ, nếu các bên liên quan chấp nhận “đề xuất” này.
Thứ năm, trong quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia, trước khi đạt được một kết quả cuối cùng, một “giải pháp tạm thời” có thể được các bên liên quan tính đến để thỏa thuận áp dụng.
Nhưng, “giải pháp tạm thời” này không làm ảnh hưởng hay có tác động gì đến kết quả của quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan.
Tuy vậy, trong thực tiễn, cách hiểu và vận dụng giải pháp này như thế nào vẫn còn có những nhận thức khác nhau..., đặc biệt là những nội dung pháp lý, chính trị nhạy cảm có liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Philippines có từ bỏ Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông không? |
Chính vì vậy, khi triển khai ký và thực hiện các thỏa thuận đó, các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc, tính toán rất kỹ và thận trọng.
Nếu không sẽ bị mắc bẫy, bị rơi vào những tình huống bất lợi khó có thể khắc phục được, nhất là trên phương diện pháp lý.
Chẳng hạn, tại Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, qui định về việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển nằm kề hoặc đối diện nhau đã ghi rõ:
“Trong khi chờ ký kết thỏa thuận nói ở Khoản 1, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng”. (Khoản 3).
Trong thực tế, vận dụng quy định này của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, các quốc gia ven biển đã thỏa thuận áp dụng giải pháp “hợp tác phát triển (khai thác) chung” (ioint-development) ở vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa chồng lấn - gọi tắt là “vùng chồng lấn”(over-lapping area).
Khi áp dụng giải pháp này, các bên đều vận dụng, trên cơ sở phải tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình.
Nếu tạo ra “vùng chồng lấn” thì các bên liên quan cần đàm phán để hoạch định ranh giới trong phạm vi “vùng chồng lấn” đó.
Trong khi đàm phán, nếu như chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng thì các bên có thể áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” các “vùng chồng lấn”.
Như vậy, nếu yêu sách ranh giới biển và thềm lục địa nào không dựa vào các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thì đương nhiên không được xem xét để áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” rất thiết thực này.
Chẳng hạn, đường “lưỡi bò” chiếm trên 80% diện tích Biển Đông do Trung Quốc tự vạch ra không phù hợp với bất cứ một quy định nào của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đã bị cộng đồng quốc tế lên án và bị Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 phủ quyết, mặc dù Trung Quốc đã chính thức công bố và tìm mọi cách hợp thức hóa yêu sách này.
Vì vậy, dưới ánh sáng của Luật pháp quốc tế, yêu sách “lưỡi bò” này cũng không bao giờ được coi là một yêu sách hợp lý, có căn cứ khoa học để xem xét áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” vùng chồng lấn được tạo ra bởi con đường “hoang tưởng” này.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không quy định áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác cùng khai thác” cho tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ giữa các quốc gia. Đây là một loại tranh chấp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này.
Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành, giải pháp tạm thời trong quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ hay phân định biên giới quốc gia trên đất liền thường được vận dụng là “giữ nguyên hiện trạng”.
Thực chất, đây chính là nguyên tắc Status - quo.
Liên quan đến giải pháp tạm thời theo nguyên tắc Status - quo, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã vận dụng thành công giải pháp tạm thời này cho quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa 2 nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình Luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội 2008.
2. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121203/giai-quyet-tranh-chap-bang-thuong-luong-va-luat-phap-quoc-te.aspx Truy cập ngày 21/02/2012
3. Nguyễn Hồng Thao, Tòa án công lý quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2000.
4. Vu Duong Ninh (ed.), Bien gioi tren dat lien Viet Nam-Trung Quoc [China‐Vietnam Land boundary], Hanoi (Cong An Nhan Dan ed. 2011).
5. Tôn Sinh Thành, QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA CÔNG TÁC BIÊN GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN (Nghiên cứu Biển Đông,17/03/201)
6. Nguyễn Bá Diến, ÁP DỤNG CÁC NGUYÊN TẮC VỀ THỤ ĐẮC LÃNH THỔ TRONG LUẬT QUỐC TẾ GIẢI QUYẾT HÒA BÌNH CÁC TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG ( Nghiên cứu Biển Đông,15/03/2010 )
7. AFP, Tokyo ngày 21/4/1995. Ngày 20/4/1995, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã phát biểu chính thức tại Tokyo rằng: "Quan điểm của Việt Nam là giữ gìn hiện trạng để duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp thay vì là sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực."
8. TS Trần Công Trục: “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, năm 2012.
9. TS Đặng Đình Quý: “Tìm kiếm giải pháp vì hòa bình và công lý ở Biển Đông”,NXB Thế giới, Hà Nội, năm 2015.
10. Hoàng Việt, PHÂN TÍCH CÁC YÊU SÁCH VỀ "ĐƯỜNG LƯỠI BÒ" THEO LUẬT QUỐC TẾ ( Nghiên cứu Biển Đông ,25/02/2010 )
11. Nguyễn Minh Ngọc, QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA VÀ VẤN ĐỀ PHÂN ĐỊNH BIÊN GIỚI BIỂN TẠI VỊNH THÁI LAN ( Nghiên cứu Biển Đông, 21/02/2010 )
12. GS Vũ Hải Âu “Tình hình tranh chấp hiện nay ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tạp chí lịch sử quân sự, Hà Nội , số 6-30 1988.
13. Luật ga Lưu Văn Lợi, “Cuộc tranh chấp Việt – Trung về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” NXB Công an Nhân dân, Hà nội, 1995.
14. M. Clagett Brice, (Bản dịch) “Những yêu sách đối kháng của Việt nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư chính và Thanh Long trong Biển Đông”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
15. Minh Nghĩa, “Pháp luật quốc tế đối với vấn đề thiết lập chủ quyền lãnh thổ trên các lãnh thổ vô chủ”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, Hà Nội, số 6-30, 1988.