Tôi không thấy việc triển khai chương trình mới lớp 1, 2, 6 suôn sẻ, mà rối bời

09/04/2022 06:17
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, chương trình mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 được triển khai suôn sẻ, sự thực có đúng?

Ngày 25/3/2022, VietNamNet đăng tải bài viết "Tổng Chủ biên nói về gần 100 tổ hợp môn trong chương trình lớp 10 mới", dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018) cho biết:

"Nói thêm về việc triển khai chương trình mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6, ông Thuyết nhận định có thể có những bất cập ở một vài khâu nào đó nhưng về cơ bản, chương trình các lớp này đã được triển khai suôn sẻ, nếu không kể ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, chưa có những bất cập về kế hoạch dạy học." [1]

Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, Giáo sư Thuyết đã quá lạc quan với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do ông làm Tổng Chủ biên.

Bất cập trong xây dựng chương trình tổng thể

Thứ nhất, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đưa ra ba yêu cầu chương trình mới phải phù hợp: điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường; khả năng tiếp thu của học sinh, bởi đó là kinh nghiệm xương máu được rút ra từ những thất bại của một số chương trình trước đây.

Thực tiễn cho thấy, Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đáp ứng được cả ba yêu cầu trên. Đơn cử, nhiều bài toán hóc búa chưa có lời giải khi trường trung học phổ thông triển khai dạy môn Nghệ thuật lớp 10 vì thiếu giáo viên - bởi cách làm chương trình kiểu "sinh con rồi mới sinh cha".

Một điều vô lí nữa là, chương trình bậc trung học phổ thông có Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương nhưng không có giáo viên đơn môn dạy mà do hiệu trưởng phân công giáo viên kiêm nhiệm. Chương trình "đẻ" ra nội dung mới nhưng giao cho giáo viên không có chuyên môn dạy, khác nào "cưỡi ngựa xem hoa"?

Thứ hai, khi chương trình tổng thể chính thức được thông qua, môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn. Cần khẳng định, học sinh không quay lưng với môn Lịch sử mà các em chỉ chán ghét cách dạy học như hiện nay - học thuộc lòng các sự kiện khô khan.

Rõ ràng những thành viên trong ban soạn thảo chưa hiểu hết ý nghĩa của môn Lịch sử đối với bậc trung học phổ thông. Có thể nhận thấy, tới đây những môn tự chọn như Lịch sử, Địa lí, Nghệ thuật sẽ rất ít được học sinh lựa chọn - thậm chí bỏ trắng môn Lịch sử là có thật.

Trong khi đó, Giáo dục thể chất là môn bắt buộc (người viết không có ý xem nhẹ môn học này) vì Luật Thể dục thể thao quy định việc học giáo dục thể chất trong nhà trường. Nhưng, chương trình có nội dung: “tiếp tục phát triển ở học sinh kỹ năng chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân...” - cho thấy giai đoạn định hướng nghề nghiệp sao giống dạy trẻ mầm non.

Thứ ba, học sinh bậc trung học phổ thông học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Cùng với đó, các em được chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, việc yêu cầu học sinh phải chọn ít nhất một môn trong mỗi nhóm nhằm giúp học sinh không “học lệch” quá nhiều ở nhà trường phổ thông. Tôi cho rằng, cách chọn tổ hợp môn như vậy chẳng khác nào cách phân ban, học dàn trải mà ngành giáo dục đã thất bại ở chương trình hiện tại.

Chương trình sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 còn nhiều sạn

Liên quan đến "sạn" trong sách Tiếng Việt 1 - Cánh Diều - Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên, ở trang web thứ nhất, công cụ tìm kiếm Google cho ra 42.400.000 kết quả chỉ trong 0,64 giây - chứng tỏ dư luận dành sự quan tâm rất lớn đến cuốn sách.

"Sạn" trong sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều (Giáo sư Thuyết làm Tổng Chủ biên) nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. (Ảnh: Cao Nguyên)

"Sạn" trong sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều (Giáo sư Thuyết làm Tổng Chủ biên) nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. (Ảnh: Cao Nguyên)

Thời điểm năm 2020, "sạn" trong cuốn sách này được hầu hết các phương tiện truyền thông đăng tải với tần suất dày đặc, thu hút một lượng lớn độc giả bàn tán xôn xao.

Bạn đọc từ chuyên gia, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và những người quan tâm đến giáo dục đã lên tiếng bày tỏ sự lo lắng - lẽ nào Giáo sư Thuyết đã vội quên?

Thưa Giáo sư Thuyết, chương trình lớp 1 được triển khai suôn sẻ tại sao cuối tháng 12/2020, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị xuất bản sách giáo khoa Cánh Diều cho biết sẽ in hơn 1 triệu bản Tài liệu điều chỉnh ngữ liệu cuốn sách? [2]

Là giáo viên dạy Ngữ văn, tôi nhận thấy "sạn" trong nhiều trang sách Tiếng Việt 1 - Cánh Diều, do ông làm Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên, mặc dù đội ngũ tác giả đã chỉnh sửa.

Bàn về chương trình lớp 1, ngày 27/3/2022, Báo Gia Lai Online thừa nhận vẫn bộc lộ khó khăn, bất cập.

“Trong sách giáo khoa Tiếng Việt, hầu hết nội dung bài đọc đều khá dài, thậm chí nhiều bài có đến 4 âm vần khó khiến giáo viên lẫn học sinh chật vật trong quá trình tổ chức dạy và học. Dù giáo viên đã giảm bớt số chữ trong bài nhưng học sinh vẫn gặp khó khi tự luyện đọc. Ngoài ra, sách lại không có bài dạy các vần: eng, oăc, oach, uơ và uya…

Riêng với môn Toán, những bài đầu năm học kênh chữ chiếm khá lớn, trong khi nhiều học sinh vẫn chưa thể đọc thông, viết thạo. Giáo viên phải dành thời gian hướng dẫn, phân tích thật kỹ thì các em mới hiểu và làm được bài tập”- theo Báo Gia Lai Online.

Bên cạnh đó, sách Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6, Khoa học tự nhiên 6 cũng đầy rẫy sạn, đã được phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam như:

Tiếng Việt 2 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống nhiều chỗ cẩu thả ngày 9/3/2022; Kiến thức tiếng Việt lớp 6 rất nặng, chưa học bò đã lo học chạy ngày 13/1/2022; Thầy Túc: sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 có nhiều lỗi sai nguy hiểm ngày 6/7/2021.

Ngoài ra, Giáo sư Thuyết khẳng định, "đặc biệt, chưa có những bất cập về kế hoạch dạy học" - theo quan điểm của người viết, đây là cách nói võ đoán (chỉ dựa vào ý chủ quan, không có căn cứ nào cả).

Giáo sư Thuyết có thể tham khảo bài viết "Giáo viên lớp 6 bối rối với các hướng dẫn của Bộ Giáo dục về chương trình mới" ngày 18/8/2021.

Cụ thể, Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở khiến giáo viên chưa có chứng chỉ môn hai môn tích hợp rối bời.

Tài liệu tham khảo:

[1] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tong-chu-bien-noi-ve-gan-100-to-hop-tu-chon-trong-chuong-trinh-lop-10-moi-825508.html?fbclid=IwAR3M-omR4DqPTNuVhefYclOXiMEfMCPu7O7lb_sCJYYG56NOP5osSwUMyRw

[2] //baochinhphu.vn/in-hon-1-trieu-tai-lieu-chinh-sua-sach-tieng-viet-1-bo-canh-dieu-102284932.htm

[3] //baogialai.com.vn/channel/12504/202106/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-o-lop-1-boc-lo-kho-khan-bat-cap-5738693/

[4] //nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/bat-cap-trong-xay-dung-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-302085/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên