Tổng nguồn thu hơn 1.700 tỷ đồng/năm của Trường ĐH Văn Lang đến từ đâu?

12/09/2023 06:32
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường ĐH Văn Lang có tổng nguồn thu hợp pháp lớn nhất trong số các trường ĐH ở nước ta hiện nay.

Trường Đại học Văn Lang là trường đại học tư thục giảng dạy đa lĩnh vực theo định hướng ứng dụng tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học có quy mô sinh viên lớn nhất nước ta hiện nay.

Những năm gần đây, Trường Đại học Văn Lang có sự gia tăng mạnh mẽ về quy mô đào tạo sinh viên, các ngành đào tạo thuộc đa dạng các lĩnh vực, và đặc biệt có tổng nguồn thu hiện đang là lớn nhất trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Khuôn viên Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: website nhà trường

Khuôn viên Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: website nhà trường

5 năm, quy mô sinh viên tăng hơn 3 lần

Cụ thể, về quy mô sinh viên, thống kê của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam từ báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Văn Lang trong vòng 5 năm qua cho thấy, quy mô sinh viên của Trường có sự phát triển mạnh mẽ.

Năm học 2018-2019, Trường Đại học Văn Lang quy mô đào tạo khoảng 13.200 sinh viên. 5 năm sau, tức năm học 2022-2023, quy mô đào tạo sinh viên toàn trường đã tăng lên tới gần 43.000 sinh viên, gấp khoảng 3,25 lần năm học 2018-2019.

Trong đó, 2 năm là năm học 2019-2020 và năm 2018-2019 ghi nhận tốc độ tăng về quy mô sinh viên nhanh nhất trong cả giai đoạn. Cụ thể, số lượng sinh viên năm sau tăng gần gấp đôi so với năm 2018-2019, với tốc độ tăng trưởng là 73,9%. (chi tiết số liệu theo dõi bảng biểu bên dưới).

Các năm học tiếp theo, quy mô sinh viên tiếp tục được tăng lên, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có sự "hạ nhiệt" hơn so với những năm trước đó.

QUY MÔ SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG QUA CÁC NĂM
Năm 2022-2023 2021-2022 2020-2021 2019-2020 2018-2019
Khối ngành I 0 0 0 0 0
Khối ngành II 4268 3345 2455 1758 1085
Khối ngành III 14629 14025 11081 8365 4760
Khối ngành IV 262 213 168 147 182
Khối ngành V 7958 6878 4952 3927 2624
Khối ngành VI 1127 991 641 449 116
Khối ngành VII 14638 13221 11354 8422 4499
Tổng số 42882 38673 30651 23068 13266

Theo đề án tuyển sinh năm 2023, dự kiến năm nay Trường Đại học Văn Lang tuyển sinh đào tạo 68 ngành thuộc 6 khối ngành II, III, IV, V, VI và VII. Trường không đào tạo khối ngành I về Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.

Nhìn chung, sinh viên khối ngành III và VII của Trường Đại học Văn Lang trong những năm qua đều có số lượng tương đương nhau, và chiếm tỷ lệ cao so với sinh viên 4 khối ngành còn lại.

Năm 2022-2023, quy mô sinh viên khối ngành III là 14.629 sinh viên, khối ngành VII là 14.638 sinh viên. Khối ngành V có 7.958 sinh viên, khối ngành II gồm 4.268 sinh viên, khối ngành VI là 1.127 sinh viên. Khối ngành IV có quy mô nhỏ nhất với 262 sinh viên.

Hơn 4.000 sinh viên tốt nghiệp/năm, chỉ có 1 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc

Năm nay, điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 của Trường Đại học Văn Lang dao động khoảng 16-24 điểm. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Răng - Hàm - Mặt với 24 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước.

Kế tiếp là ngành Y khoa 22,5 điểm, Dược học 21 điểm, Điều dưỡng 19 điểm. Đa số các ngành còn lại có điểm chuẩn trúng tuyển là 16 điểm và 18 điểm.

Theo công khai về thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Văn Lang những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 90%. Trong đó, theo số liệu khảo sát mới nhất (báo cáo năm 2022-2023), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm đạt trung bình trên 95% ở tất cả các khối ngành.

Trong số 4.438 sinh viên chính quy tốt nghiệp (theo số liệu khảo sát mới nhất tại báo cáo ba công khai năm 2022-2023) của Trường Đại học Văn Lang, có 1 sinh viên xuất sắc, 293 sinh viên giỏi, 3.151 sinh viên khá. Như vậy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá đạt khoảng 71%, loại giỏi đạt 6,6%, tỷ lệ sinh viên xuất sắc chiếm tỉ lệ không đáng kể.

Khảo sát số liệu 5 năm qua (từ năm 2018-2019 đến năm 2022-2023), số lượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc các năm hầu như không có, hoặc có với số lượng khiêm tốn là 1 sinh viên. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ loại khá trở lên tăng dần qua các năm.

Tổng nguồn thu hơn 1.700 tỷ đồng/năm của Trường Đại học Văn Lang đến từ đâu?

Tính đến tháng 8 năm 2023, cả nước ta có 6 cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục đạt tổng nguồn thu trên 1.000 tỷ đồng/năm (Tổng hợp từ đề án tuyển sinh và báo cáo 3 công khai của các cơ sở giáo dục). Trong đó, Trường Đại học Văn Lang là trường dẫn đầu tổng nguồn thu trong số các trường đại học (bao gồm cả công lập và tư thục) với 1.758 tỷ đồng/năm.

Số liệu từ đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Văn Lang. Ảnh chụp màn hình

Số liệu từ đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Văn Lang. Ảnh chụp màn hình

Số liệu này được trích từ đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Văn Lang. Bên cạnh công bố tổng nguồn thu năm 2022, trường này cũng công khai chi phí đào tạo 1 sinh viên là 30 triệu đồng/năm. Mức chi phí đào tạo này được duy trì trong 2 năm qua (năm 2022, 2021).

Theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT về Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở giáo dục đại học phải công khai các cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; Công khai thu chi tài chính. Các thông tin phải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm.

Tuy nhiên, trong danh mục báo cáo ba công khai của Trường Đại học Văn Lang, các thông tin về báo cáo tài chính (biểu mẫu 21) chưa được cập nhật thông tin.

Danh mục Báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Văn Lang: Biểu mẫu 21 về công khai tài chính và biểu mẫu 17 về cam kết chất lượng đào tạo sau đại học không có nội dung.

Danh mục Báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Văn Lang: Biểu mẫu 21 về công khai tài chính và biểu mẫu 17 về cam kết chất lượng đào tạo sau đại học không có nội dung.

Thông thường, nguồn thu của trường đại học thường đến từ các khoản thu chính sau: ngân sách đầu tư nhà nước, học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thu từ hoạt động dịch vụ giáo dục hợp pháp khác.

Theo tìm hiểu, hiện các hoạt động đào tạo của Trường bao gồm đào tạo đại học, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, các chương trình liên kết quốc tế.

Đối với đào tạo đại học, hiện Trường xây dựng 3 chương trình học với mức học phí khác nhau.

Đối với Chương trình Tiêu chuẩn, thông tin từ website chính thức của Trường, hiện mức học phí dao động từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/ học kỳ. Đối với ngành Răng -Hàm -Mặt, mức học phí dự kiến từ 85 triệu đồng đến 98 triệu đồng/học kỳ.

Chương trình Đặc biệt, đơn giá tín chỉ chương trình Đặc biệt cho khóa nhập học 2019 là 1,8 triệu đồng/tín chỉ.

Và chương trình quốc tế liên kết với 8 trường đại học trên thế giới. Học phí các chương trình này mỗi năm dao động khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm đến khoảng trên dưới 200 triệu đồng/năm.

Chương trình Thạc sĩ 80 triệu đồng, riêng ngành Thạc sĩ Mỹ thuật ứng dụng 100 triệu đồng. Hiện Trường có 14 ngành có đào tạo trình độ Thạc sĩ. Chương trình Thạc sĩ Quốc tế ngành Quản trị và Kinh doanh số (Đại học Liverpool John Moores) 1 năm học phí 195 triệu đồng. Chương trình Tiến sĩ ngành Ngành Khoa học Môi trường có học phí 136,5 triệu đồng/khóa học.


Hiện Trường Đại học Văn Lang có 5 viện nghiên cứu trực thuộc, gồm: Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (STAI), Viện Khoa học Công nghệ ứng dụng, Viện Công nghệ vật liệu tiên tiến, Viện nghiên cứu Di sản văn hóa và Phát triển, Viện Khoa học tính toán và Trí tuệ Nhân tạo.

Từ năm 2018 đến năm 2022, tổng nguồn thu của Trường tăng tới hơn 300%. Tổng nguồn thu hàng năm của trường tăng đều qua các năm, trong đó từ năm 2021 đến năm 2022, tốc độ tăng về nguồn thu ghi nhận ở mức cao nhất so với các năm trước đó, khoảng 70%.

Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên

Khối ngành II: Nghệ thuật

Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, Pháp luật

Khối ngành IV: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên

Khối ngành V: Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y

Khối ngành VI: Sức khỏe

Khối ngành VII: Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng.

Bắc Sơn