Mức lương thấp không thu hút được sinh viên giỏi, giáo viên giỏi
Trong thông báo tuyển dụng giáo viên của một trường công lập trên địa bàn Hà Nội có ghi điều kiện tuyển dụng:
Thực hư chuyện lương mới chưa có, giáo viên đã bị cắt phụ cấp thâm niên, chức vụ |
Cá nhân có hộ khẩu tại Hà Nội
Có tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện, yêu nghề, yêu thương học sinh
Tác phong nhanh nhẹn, ngoại hình khá, có tinh thần trách nhiệm cao.
Ưu tiên những người có nguyện vọng gắn bó lâu dài.
Ưu tiên những người có kinh nghiệm làm việc, có năng lực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục.
Độ tuổi: Không quá 35 tuổi
Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm I, Đại học Sư phạm – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Sư phạm II- Hà Nội
Có trình độ tiếng Anh tốt, thành thạo tin học văn phòng
Nhìn thông báo tuyển dụng giáo viên như này, nhiều sinh viên Sư phạm lắc đầu lè lưỡi vì yêu cầu cao mà mức lương hợp đồng chỉ có 1,8 triệu đồng/ tháng.
Sinh viên hóm hỉnh: “Đọc những yêu cầu này tôi cứ tưởng họ đang tuyển chuyên gia” hoặc “Với mức lương 1,8 triệu đồng/ tháng bằng với lương làm thêm tại quán cafe nhưng yêu cầu tương đương mức lương 18 triệu đồng/ tháng”.
Lương thấp, giáo viên giỏi khó lòng toàn tâm toàn ý cho công việc (Ảnh:vtv.vn) |
Đây là một câu chuyện phản ánh thực trạng tuyển dụng giáo viên hiện nay: Yêu cầu cao nhưng mức lương lại rất thấp.
Điều này dẫn đến tình trạng: Sinh viên giỏi “né” ngành Sư Phạm, giáo viên giỏi xếp bút nghiêng về quê...chăn vịt.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Muốn nâng cao chất lượng của giáo viên, trước tiên phải nâng lương cho họ!
Thầy Nhĩ nói: “Theo tôi chất lượng của giáo dục được tạo nên bởi đội ngũ giáo viên. Họ là những người trực tiếp đứng lớp, giảng bài.
Cho nên nếu muốn nâng cao chất lượng của giáo viên thì phải đảm bảo cho họ có mức lương và đời sống tốt”.
Thầy Nhĩ dẫn chứng và đối chiếu với một số quốc gia: “Tôi đi một số quốc gia họ rất coi trọng người giáo viên. Lương của giáo viên có thể nuôi sống một gia đình.
Trong khi tại Việt Nam, nếu một nhà giáo chỉ có thu nhập 3-4 triệu đồng/ tháng thì không thể nào đủ lo cho cuộc sống của họ chứ đừng nói đến nuôi dạy con cái và có tài sản tích lũy”.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Nâng lương cho giáo viên trước rồi mới tính đến chuyện nâng cao chất lượng (Ảnh:Thùy Linh) |
Nhiều chuyên gia cho rằng: Mức lương của giáo viên hiện nay chưa tương xứng với những gì thầy cô bỏ ra.
Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn đến ngành Sư phạm đang không thu hút được sinh viên giỏi và nhiều giáo viên giỏi bỏ nghề làm những công việc khác.
Thực tế trong những năm qua, nhiều trường Sư phạm đang gặp khó trong vấn đề tuyển sinh.
Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến sinh viên giỏi ít mặn mà với ngành sư phạm: việc làm cạnh tranh, thu nhập thấp, cơ hội thăng tiến và tôn vinh không cao.
Thực trạng này đúng với cả những giáo viên dạy giỏi trong các trường công lập.
Lấy mức lương của một giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức ( Hà Nội) chỉ có 1,2 triệu đồng/ tháng.
Trong khi đó để hoàn thành một khóa học và thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học cũng phải mất ngót nghét từ 6 đến 7 triệu đồng.
Như vậy người giáo viên phải làm quần quật 6-7 tháng mới đủ lương để đi học, nâng cao kiến thức.
Lương thấp, nhiều giáo viên vất vả mưu sinh (Ảnh: Vũ Ninh) |
Có một số câu chuyện vừa đau lòng, vừa đáng tiếc. Trường hợp của thầy Nguyễn Minh Tuấn, sau khi học xong Đại học Sư phạm Hà Nội nhận dạy hợp đồng tại huyện Mỹ Đức.
Thầy Tuấn công tác 6 năm với mức lương hợp đồng mỗi tháng là hơn 1 triệu đồng.
Trong khi đó nói về chuyên môn thầy Tuấn rất xuất sắc: bồi dưỡng học sinh giỏi, thành thạo ngoại ngữ, tin học…Thầy còn giỏi đến mức biên soạn sách phục vụ việc ôn tập cho học sinh giỏi.
Tuy nhiên trong tháng 5/2019, thầy gọi điện cho phóng viên than thở: “Anh sẽ bỏ nghề và vào miền Nam sau đó lên núi ở ẩn một thời gian. Cuộc sống và công việc quá mệt mỏi, không thể cố được nữa”.
Như vậy đang có một nghịch lý rằng: Yêu cầu cho giáo viên ngày càng cao nhưng đời sống của họ vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Giáo sư Phan Quang Trung nhận định: “Không chỉ đối với riêng ngành giáo dục mà vấn đề về tiền lương là nguyên nhân của sự trì trệ của đất nước và xã hội.
Một sự thay đổi cơ bản về tiền lương có ỹ nghĩa rất lớn. Có những người giáo viên chỉ có 1,3 triệu đồng thì họ sống làm sao được”.
Nâng lương cho giáo viên trước, nâng cao chất lượng giáo viên sau
Ngày 13/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục.
Chỉ thị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học 2019 - 2020.
Toàn bộ thang, bảng lương, tiền lương giáo viên từ 01/7/2019 |
Đây là những nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được toàn ngành triển khai xuyên suốt trong 3 năm qua, căn cứ tình hình cụ thể, mỗi năm sẽ có những hoạt động trọng tâm để triển khai thực hiện theo hướng đảm bảo chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục ở từng bậc học.
Một trong 9 nhóm nhiệm vụ được đưa ra: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Bên cạnh đó 5 nhóm giải pháp cơ bản bao gồm:
Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo;
Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục;
Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo;
Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục;
Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.
Như vậy trong 5 nhóm giải pháp giải quyết 9 nhóm nhiệm vụ không có nói đến việc nâng cao đời sống của giáo viên cụ thể là đảm bảo thu nhập từ công việc dạy học (nâng lương).
Lương 1,3 triệu đồng/ tháng nhưng tiền học chứng chỉ tiếng Anh, tin học lên đến 6, 7 triệu, giáo viên làm sao có đủ (Ảnh: Vũ Ninh) |
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi với Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ về: Mối quan hệ giữa việc tăng lương giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ dạy học.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nói: “Hai việc này tất nhiên phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Nếu chúng ta nâng cao chất lượng giáo viên nhưng mức lương của họ chưa đủ sống bắt buộc họ phải làm chân trong, chân ngoài.
Nếu giáo viên vừa bận dạy học mà còn phải vất vả mưu sinh: buôn bán, đồng áng…thì làm sao họ tập trung công tác được
Cho nên làm được cái việc giải quyết vấn đề đời sống, chính sách cho giáo viên, nâng lương cho giáo viên thì hãy nghĩ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Nếu chất lượng giáo viên đã thấp mà đời sống của họ cũng thấp thì họ buộc phải lo cho đời sống của mình trước rồi mới tính đến chuyện dạy học sau”.
Theo thầy Nhĩ việc nâng lương cho giáo viên cần phải làm trước, làm ngay: “Nếu nâng lương cho họ thì họ mới tập trung giảng dạy, nâng cao chất lượng lên được.
Người giáo viên đóng một vai trò quyết định đến chất lượng của giáo dục. Thực tế mấy kỳ thi qua, điểm thi ngoại ngữ rất kém.
Một phần nguyên nhân là ở ta chưa có nhiều giáo viên giỏi về ngoại ngữ. Nhưng nếu bản thân giáo viên muốn đi học để cải thiện ngoại ngữ thì bản thân họ phải có tiền trước đã.
Lương còn không đủ nuôi gia đình, người giáo viên sao nghĩ đến những chuyện khác được”.
Lương giáo viên được coi là thấp so với nhiều ngành khác (Ảnh minh họa: DAD 15) |
Câu chuyện về mức lương của giáo viên đã được nhiều chuyên gia và người làm giáo dục phân tích.
Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: “Luật giáo dục và luật lao động hiện nay đều đang sửa đổi.
Một vấn đề đặt ra là làm sao để luật giáo dục và luật lao động phải thống nhất mức lương cơ bản của giáo viên phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng”.
Để dẫn chứng cho vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Minh Đức nêu ra các ví dụ:
“Nhiều trường chúng tôi có dịp đến chẳng hạn như trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bắc Hà lương của cô nuôi chỉ có 1,3 triệu đồng.
Hay như ngay tại Thanh Oai, Hà Nội có những thầy giáo dạy hợp đồng 21 năm mà lương cũng chỉ 1,3 triệu đồng.
Trước những ý kiến như trên, kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa thêm vào 5 nhóm giải pháp trong đó có nhóm giải pháp: Nâng lương, cải thiện đời sống cho giáo viên để họ yên tâm công tác.