Trải lòng của một thầy giáo dạy môn Mỹ thuật

25/07/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gửi gắm thông điệp, tiếp thêm niềm đam mê và tình yêu của học trò với sắc màu, tranh vẽ là hạnh phúc, thành công của nhà giáo dạy Mỹ thuật

Chỉ bằng các đồ vật quen thuộc như phấn màu, bảng đen, với đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, nhà giáo Nguyễn Trí Hạnh đã vẽ nên những bức tranh bảng độc đáo, thu hút mọi ánh nhìn. Mỗi bức tranh đều được thầy Hạnh trau chuốt, thổi hồn một cách sinh động, trở thành tác phẩm nghệ thuật mang thông điệp, được đồng nghiệp và học sinh yêu thích, ngưỡng mộ.

Nhà giáo Nguyễn Trí Hạnh sinh năm 1983, quê ở thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), hiện đang là giáo viên môn Mỹ thuật của Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh.

Nhà giáo Nguyễn Trí Hạnh - giáo viên môn Mỹ thuật, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nhà giáo Nguyễn Trí Hạnh - giáo viên môn Mỹ thuật, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hạnh kể, tháng 5/2005, thầy tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Cuối tháng 9/2005, thầy nhận công tác tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh. Sau đó, thầy tham gia học tại chức ngành Sư phạm Mỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ở Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh, thu nhập chính của thầy Hạnh là dạy học, ngoài ra, thầy còn đảm trách thêm mảng An ninh trường học.

Trước đó, thầy Hạnh còn nhận thuê vẽ tranh tường bằng nhiều chất liệu, trong đó có sơn dầu... để vừa thỏa mãn niềm đam mê vừa có thêm thu nhập.

Những tranh tường do thầy Hạnh vẽ để có thêm thu nhập. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những tranh tường do thầy Hạnh vẽ để có thêm thu nhập. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh là trường có 3 cấp học. Mỗi tuần, tôi dạy 21 tiết Mỹ thuật của cấp tiểu học và trung học cơ sở, còn cấp trung học phổ thông chưa đưa vào dạy Mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những ngày đầu dạy học, khó khăn nhất đối với tôi là thu nhập của nghề giáo ít ỏi.

Có nhiều lời mời tôi sang trường khác làm việc, hoặc chuyển nghề để có thu nhập cao hơn. Nhưng với lòng trắc ẩn, tình thương trẻ mồ côi đã tiếp thêm động lực, sức mạnh để tôi ở lại gắn bó với trường đến nay”, thầy Hạnh chia sẻ.

Từ tình yêu thương đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, bằng những kinh nghiệm, tài năng của nhà giáo dạy Mỹ thuật, thầy Hạnh thường xuyên vẽ tranh để tặng học sinh treo trang trí trong lớp. Nhận tranh từ thầy giáo, các em học sinh đều thích thú và bảo nhau có ý thức giữ gìn cẩn thận.

Đặc biệt, cách đây không lâu, xuất phát từ những cuộc họp lớp, họp phụ huynh từng tham dự, thầy Hạnh nảy sinh ý tưởng dùng phấn màu để trang trí chiếc bảng trong lớp với sự kết hợp giữa chữ viết và họa tiết vẽ.

Một số bức tranh vẽ bằng phấn màu của nhà giáo Nguyễn Trí Hạnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Một số bức tranh vẽ bằng phấn màu của nhà giáo Nguyễn Trí Hạnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo thầy Hạnh, để có tác phẩm tranh vẽ bằng phấn màu chân thực nhất, thầy Hạnh đều dành một khoảng thời gian ấp ủ, nung nấu ý tưởng, nghiên cứu sâu, phác thảo ra giấy cấu trúc của sự vật, hiện tượng. Đôi lúc, thầy Hạnh cũng được đồng nghiệp, học sinh và bạn bè gợi ý, cố vấn một số đề tài, ý tưởng vẽ tranh bằng phấn màu.

“Bản chất sự vật hiện tượng bên ngoài đã là thể thẩm mỹ. Nhưng qua sự tập trung, kỹ thuật của người vẽ, nó sẽ trở thành một tác phẩm đẹp. Tôi thường vẽ tranh trên bảng vào thời gian rảnh, khi các em học sinh không có giờ lên lớp. Tác phẩm đơn giản có thể hoàn thành trong 1 giờ đồng hồ, tác phẩm nào đầu tư hơn thì mất vài ba ngày. Mới đây, tôi tâm đắc nhất đó là tranh vẽ nhân Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thầy Hạnh cho biết.

Tranh vẽ nhân Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tranh vẽ nhân Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ về những bức tranh sinh động này, thầy Hạnh nói: “Tôi đã nhiều lần thất bại khi những ngày đầu tập vẽ bằng phấn. Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục kiên trì, tự học, luyện vẽ từ những nét đơn giản như hoa, lá… đến chi tiết phức tạp hơn như chân dung. Mỗi bức vẽ đều mang những tâm tư, tình cảm mà tôi muốn gửi đến học trò. Tôi muốn, mỗi khi nhìn vào những bức tranh này, các em học sinh sẽ trau dồi thưởng thức mỹ thuật. Sự hào hứng của học sinh, khích lệ của đồng nghiệp chính là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu và cho ra những tác phẩm mới công phu hơn, ý nghĩa hơn”.

Theo thầy Hạnh, 2 năm gần đây, nhà trường xây dựng Câu lạc bộ Mỹ thuật dành cho học sinh cả 3 cấp học tham gia học tập, sinh hoạt, trao đổi về các thể loại, chất liệu, vẽ tranh theo chủ đề hàng tháng. Đến nay, câu lạc bộ có 12 thành viên, do 1 học sinh lớp 12 làm trưởng nhóm và thầy Hạnh làm cố vấn chuyên môn.

Học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh (tỉnh Nghệ An) sinh hoạt trong Câu lạc bộ Mỹ thuật. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh (tỉnh Nghệ An) sinh hoạt trong Câu lạc bộ Mỹ thuật. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Dạy học cho trẻ mồ côi, người thầy đôi khi là người anh, người cha, người bạn để dễ dàng tâm sự, động viên. Hơn nữa, dạy Mỹ thuật cho những học sinh mồ côi có niềm đam mê hội họa, các em càng cảm nhận được tình yêu thương và sự gắn kết gửi gắm qua mỗi bức họa. Chính điều này đã giúp nhiều học sinh trong Câu lạc bộ Mỹ thuật phát triển tài năng, tự tin giành được giải cao ở các cuộc thi vẽ.

Song, hoạt động của câu lạc bộ hiện nay còn nhiều khó khăn như phòng sinh hoạt đang trưng dụng phòng học chính khóa, họa phẩm chủ yếu do thầy và trò tự mua sắm nên chưa đa dạng, phong phú”, thầy Hạnh chia sẻ.

Tiết học môn Mỹ thuật của thầy Hạnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiết học môn Mỹ thuật của thầy Hạnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bàn về vấn đề giảng dạy môn Mỹ thuật, theo thầy Hạnh, hiện nay, nhìn chung các trường gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi, đặc biệt, tư tưởng của một số học sinh, phụ huynh vẫn phân biệt các môn chính, môn phụ, xem nhẹ môn Mỹ thuật.

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa môn Mỹ thuật vào giảng dạy ở cấp trung học phổ thông nhưng nhà trường chưa trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học, và chưa có đủ giáo viên.

Môn Mỹ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 không nhằm đào tạo học sinh trở thành họa sỹ mà bổ trợ cho các em định hướng nghề nghiệp và bồi dưỡng giá trị thẩm mỹ. Giáo viên chúng tôi rất mong muốn tới đây sẽ được giảng dạy, truyền đạt kiến thức Mỹ thuật cho học sinh trung học phổ thông”, thầy Hạnh bộc bạch.

Dưới đây là một số tranh bằng phấn màu được nhà giáo Nguyễn Trí Hạnh vẽ nhân các sự kiện của trường, lớp

Ngọc Mai