LTS: Nước Mỹ nổi tiếng là đất nước của tự do. Và họ luôn tự hào về điều đó.
Ở xứ sở cờ hoa, giữa cha mẹ và con cái, ý kiến của mỗi người đều được tôn trọng. Con trẻ có quyền phản biện, không bị áp đặt rằng cha mẹ nói gì cũng đúng hay con cái nhất nhất phải nghe theo lời cha mẹ.
Tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ câu chuyện tranh luận giữa hai mẹ con người Mỹ để mọi người cùng suy ngẫm và thảo luận về quyền tranh luận tự do áp dụng đối với nền giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Khi con bạn hỏi, bạn thích là người thắng hay thua trong cuộc đời, bạn sẽ trả lời con bạn như thế nào?
Ở Mỹ, đã có đối thoại sau giữa mẹ và con, xin được kể để chúng ta cùng ngẫm.
Như các bạn cũng biết, Mỹ là đất nước của tự do. Con trẻ hay người lớn đều có quyền tự do giống nhau, và thậm chí, trẻ con luôn được ưu tiên trong mọi dịch vụ.
Trẻ con tại Mỹ được tự do tranh luận, không bị áp đặt ý kiến phải tuân theo người lớn. |
Năm rồi, ở Mỹ có bầu cử, và thế là dân tình, tự do mà, từ trẻ con đến người già, đều quan tâm và bình luận. Người yêu kẻ thích đều có quyền lên tiếng về các ứng cử viên.
Ở nhà nọ, hai mẹ con yêu thương nhau lắm, nhưng khổ cái lại ủng hộ cho hai ứng viên khác nhau.
Thế là trong bữa ăn, trong các cuộc tranh luận đều có những “đụng độ” về ý kiến về các ứng cử viên, và mẹ hay con đều cứng đầu cả, bảo vệ đến cùng ứng viên mình lựa chọn.
Rồi đến hồi người thắng kẻ thua cũng được phân minh rõ ràng. Mẹ hỏi con giọng đầy vui vẻ:
“Thế nào, con đã thấy mẹ nói đúng chưa?”
Con cười trả lời: “Mẹ đúng trong một sự lựa chọn sai của đất nước này thì hay gì!”
Mẹ bắt đầu nhăn mặt: “Nhưng mẹ đã lựa chọn đúng, và người thắng mới có ý nghĩa, vì họ là người được viết vào lịch sử!”
(Ở đây phải xin mở ngoặc nói thêm cho rõ, là với xã hội Mỹ, nguyên tắc “Người chiến thắng lấy tất” – The winner takes all” trong cuộc sống cạnh tranh là nguyên tắc phải học thuộc số 1).
Con im lặng một lúc, rồi đáp: “Mẹ ơi, trong lịch sử nước Mỹ và thế giới, dù là thắng hay thua cuộc, ai cũng đều được ghi lại hết mà.
Con được học là lịch sử không phải là điều gì bất biến, vì nó còn phụ thuộc vào ai là người viết lịch sử.
Và dù có thắng có thua, cùng một đất nước hay một gia đình như nhà mình, nếu không vì lợi ích chung, mẹ thắng mà con thua, chúng ta đâu có vui gì. Con chỉ mong có ai làm cho tất cả cùng thắng thì con vui!”
Người mẹ lặng đi, vì mẹ đã không thể hình dung được một đứa trẻ vẫn đang dưới tuổi 18 và chịu sự giám sát của cha mẹ lại có thể suy nghĩ sâu sắc đến vậy.
Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này cho các bậc cha mẹ và nhà giáo Việt Nam, vì mục đích nâng cao khả năng dạy và học ở Việt Nam.
Chúng ta sẽ ứng xử và dạy dỗ con mình cách nào, để các con có thể có những tư duy độc lập của mình trong bất kỳ tình huống nào?
Trong lịch sử làm cha làm mẹ của mình, có khi nào chúng ta luôn dùng “quyền huynh thế phụ” để áp đặt suy nghĩ và quan điểm của mình cho con cái?
Trong quá trình giảng dạy, liệu chúng ta có còn thời gian để nghe ý kiến của học sinh sinh viên?
Ra ngoài xã hội, sao lúc nào cũng thấy người trên “chỉ bảo” người dưới, mà không nhìn thấy ở đâu quan hệ “cộng tác”, cùng tốt, cùng vui?
Chúng ta có phiền lòng khi thấy học sinh hay con cái “cãi” lại không?
Và có lẽ chúng ta đã sống quá lâu trong thời kỳ mà mình đúng thì người khác phải sai, mình thắng thì người khác phải thua, để chúng ta lúc nào cũng “được mất” trong bất kỳ hành xử nào?
Những cấu trúc gia đình – xã hội, những quyền lực “vô hình” đè nặng lên tư duy, thói quen, hành xử, từ trong nhà ra đến trường học, xã hội như vậy, có phải là nguyên nhân làm cho chúng ta và con cháu chúng ta không thể sáng tạo, không thể phản biện và không thể chấp nhận sự khác biệt về ý kiến và quan điểm của người khác?
Giáo dục tạo nên sự trưởng thành về tư duy của thanh thiếu niên |
Khi tôi được nghe câu chuyện này, người kể chuyện đã nói với tôi:
“Một vài người tốt không thể thay đổi cả xã hội. Một vài thầy giáo tốt không thể thay đổi cả hệ thống giáo dục.
Điều mà nước Mỹ cần làm bây giờ là thay đổi nhận thức của mọi người, tất cả mọi người rằng ai cũng là người Mỹ và có trách nhiệm cho tương lai của đất nước này, dù là ở đảng phái nào hay ở vị trí nào. Nếu không, chúng ta chỉ có thể cùng dắt nhau rơi xuống hố!”
Cá nhân tôi, dưới góc độ của nhà nghiên cứu giáo dục, tôi quan tâm và hy vọng là, với những phẩm chất và năng lực được liệt kê trong chương trình cải cách giáo dục mới, Việt Nam chúng ta tìm ra được cách phát triển kỹ năng thu nhận kiến thức, tư duy sáng tạo và phản biện, phân tích và có ý kiến độc lập của học sinh Việt Nam.
Trong một hệ “giáo dục” mở và trong rất nhiều tình huống, chúng ta cần dũng cảm thừa nhận rằng cuộc sống sẽ không có câu trả lời chỉ có đúng hay sai như thi trắc nghiệm mà học sinh chúng ta đang phải luyện.
Mong được các bạn ngẫm và chia sẻ tiếp.