Hôm 24/8 tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
Hội nghị tổ chức với mục đích lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà giáo, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và các cơ quan hữu quan nhằm hoàn thiện hai dự thảo luật.
Còn 5 vấn đề lớn Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mong muốn các ý kiến của chuyên gia tâm huyết tiếp tục đóng góp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tâm Đan, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có những quan điểm xung quanh các vấn đề lớn cần tập trung đóng góp ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tâm Đan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đỗ Thơm) |
Thứ nhất về trình độ phổ thông, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tâm Đan khẳng định nên giữ kỳ thi trung học phổ thông như hiện nay.
Theo đó, kỳ thi được tổ chức tại các địa phương có sự tham gia của các trường đại học.
Việc chấm thi nên có sự quản lý, tổ chức chấm thi theo cụm. Về mặt chủ trương, Tiến sĩ Tâm Đan tán thành như hiện nay.
Theo bà, vừa qua có một số tiêu cực xảy ra ở các địa phương, quan điểm của bà là sai ở đâu xử lý ở đó.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp với cấp ủy đảng ở địa phương để xây dựng, chọn được cán bộ quản lý tham gia tổ chức kỳ thi có đủ trình độ, phẩm chất.
“Nếu thay đổi hay hơn thì chưa rõ nhưng trong tình hình hiện nay, tôi ủng hộ việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tâm Đan nói.
Theo vị nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vấn đề đặt ra chỉ là kiểm tra tổ chức kỳ thi tốt hơn mà thôi.
Bà đánh giá, việc ra đề thi đã có phân hóa.
Miền núi, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đến 82%, do vậy nó đã đảm bảo quyền lợi của học sinh phổ thông.
Về vấn đề thời gian học, bà nhấn mạnh kinh nghiệm quốc tế là một lớp sĩ số tốt nhất là từ 25 - 30 cháu.
Trong tình hình Việt Nam hiện nay, sĩ số có thể cao đến 40 cháu. Với sĩ số đó, việc giảng dạy mới đảm bảo chất lượng tốt.
Tuy nhiên, ở nhiều lớp học hiện nay, sĩ số lên đến 60. Gấp đôi sĩ số cho phép thì làm sao đảm bảo được chất lượng giảng dạy.
Vì vậy, bà đề nghị xem xét kỹ vấn đề sĩ số là quan trọng hay là học 2 buổi là quan trọng để đảm bảo chất lượng?
Liên quan đến việc miễn học phí bậc trung học cơ sở, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đề nghị cần phải ghi rõ là không thu từ năm nào thay vì lại giao cho Chính phủ.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục khẳng định không bỏ thi mà giao cho các địa phương.
Việc thi tuyển sinh đại học, cao đẳng giao cho các trường tự chủ.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Giao, có nhiều ý kiến nhấn mạnh đề xuất bỏ kỳ thi hay giao cho các địa phương có đề cập đến chuyện tốn kém.
"Theo tôi, việc có lợi hay không thì rất khó tính toán chi tiết được.
Bởi nếu sai sót toàn thể thì rất khó xử lý.
Chỉ cần một sai lầm ở Hà Giang thôi thì có những thứ mất rất nhiều tiền cũng không thể lấy lại được”.
Không đề cập lại các nội dung mà các đại biểu đã phát biểu, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đề cập thêm về chương trình giáo dục hiện nay.
Ông nhấn mạnh, chúng ta cứ tập trung đào tạo tri thức quá nhiều, chưa thấy giỏi đâu chỉ thấy học sinh yếu ớt.
Giờ các nước trên thế giới người ta không chỉ quan tâm chỉ số IQ mà họ còn coi trong EQ, AQ….
Vì thế, theo Giáo sư, luật nên quy định không tổ chức chương trình học vào thứ Bảy, Chủ nhật.
Các chương trình ngoại khóa cũng phải có tỉ lệ nhất định.
“Ở Ba Lan, bố mẹ nếu bắt con học buổi tối ngoài giờ là bị cảnh sát hỏi”, Giáo sư dẫn chứng.
Ông trăn trở: “Các cháu bây giờ học quá khổ so với thời của chúng tôi.
Ngày xưa chúng ta học 4 – 5 tiếng ở trường về còn đi mò cua bắt ốc.
Bây giờ các cháu học suốt cả ngày. Đứa nào cũng mắt lồi ra, người yếu ớt. Có lẽ chúng ta phải quan tâm hơn đến giáo dục toàn diện.
Cái quan trọng nhất của giáo dục là đào tạo con người thực tế, là lối sống, tri thức sống, văn hóa sống”