Phải thay đổi căn bản, nền tảng hệ thống giáo dục quốc dân

22/08/2018 06:49
Phương Linh
(GDVN) - Theo Phó Giáo sư Phan Thanh Bình, cần tạo ra bước ngoặt trong việc thay đổi căn bản, nền tảng hệ thống giáo dục quốc dân.

Ngày 21/8/2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại Thành Phố Hồ Chí Minh.

Chủ trì hội nghị là Phó Giáo sư Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã đến dự, phát biểu tại hội nghị này.

Cần thay đổi căn bản, nền tảng hệ thống giáo dục quốc dân

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Giáo sư Phan Thanh Bình cho biết, hiện đất nước đã thoát khỏi chiến tranh từ rất lâu, nền kinh tế - xã hội đã phát triển tương đối mạnh mẽ, thì đây là lúc cần tạo ra bước ngoặt để thay đổi căn bản, nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói rằng, đợt góp ý lần này, các chuyên gia, nhà giáo dục, thầy cô giáo cần nhìn giáo dục phát triển ở mức toàn diện, các ý kiến đóng góp cần thoát khỏi những loay hoay trước mắt, hướng đến cái vĩ mô, đáp ứng được sự phát triển nền kinh tế - xã hội, nền giáo dục trong tương lai.

Phó Giáo sư Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị sáng ngày 21/8 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Phó Giáo sư Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị sáng ngày 21/8 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đề nghị, cần suy nghĩ đến cái mới mẻ, phát triển theo hướng tổng thể giai đoạn 20 – 30 năm cho ngành giáo dục, xây dựng một luật đáp ứng đầy đủ cho sự phát triển của đất nước nói chung, nền giáo dục nói riêng cho tương lai.

“Chính vì vậy, cần tránh những loay hoay trước mắt, sửa những câu chữ trong dự thảo Luật, mà cần một tư duy, suy nghĩ mới mẻ” – Phó Giáo sư Phan Thanh Bình đề nghị.

Không nên đi học ngày thứ 7

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp – bà Phan Thị Thu Hà phát biểu: Không nên thực hiện việc đi học ngày thứ 7.

Hiện bậc mầm non, tiểu học đã thực hiện việc này rồi, thì trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng nên làm theo.  Hiệu trưởng được quyền tự chủ, quyết định học hay không học ngày thứ 7, nhưng một số trường sợ không đảm bảo kế hoạch học tập, đảm bảo chương trình nên cũng không dám bỏ hẳn ngày này.

Bà Phan Thị Thu Hà kiến nghị, trong thời gian sắp tới, chuẩn bị thay chương trình, sửa đổi luật thì cũng nên quy định hẳn vào trong luật luôn việc này, để học sinh có thể vui chơi, nghỉ ngơi vào ngày cuối tuần.

Cũng theo bà Phan Thị Thu Hà, vào ngày thứ 7, Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo nghỉ, có việc gì xảy ra thì không thể giải quyết được việc gì, nên tốt nhất là để giáo viên nghỉ, hoàn thành công tác sinh hoạt đoàn thể.

Sau khi nêu lên những chính sách bất hợp lý đối với các giáo viên giỏi, được điều về làm công tác quản lý ở Phòng, Sở Giáo dục, bà Hà cũng mong lần sửa đổi này sẽ có tính toán lại, tạo điều kiện đồng bộ hơn nữa để giáo viên trong diện này có thể yên tâm công tác.

Bà Phan Thị Thu Hà - Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Đồng Tháp (ảnh: P.L)
Bà Phan Thị Thu Hà - Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Đồng Tháp (ảnh: P.L)

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp Phan Thị Thu Hà còn nói, Luật sửa đổi nên cụ thể hơn, tính toán định mức học sinh/giáo viên, quy định tiết dạy hiện này của giáo viên thì không tạo điều kiện cho người tốt được làm thêm giờ, người dạy chưa tốt thì hạn chế lại, để nâng cao bồi dưỡng năng lực cho họ.

Song song đó, bà Hà cũng thể hiện quan điểm đồng tình của mình với dự thảo Luật sửa đổi, nhưng cần bổ sung học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có thể tham gia hội đồng trường, còn mầm non và tiểu học thì nên cân nhắc lại, vì nhỏ quá, không hiểu thì để làm gì, tham gia có hình thức không?

Bà Phan Thị Thu Hà cũng thống nhất, việc phổ cập cần kéo dài tới bậc trung học cơ sở, tiến tới miễn giảm hẳn học phí cho học sinh ở bậc này.

“Ngoài ra, cần hỗ trợ cho học sinh học các trường ngoài công lập, tư thục, chăm lo cho học sinh mầm non không phân biệt công tư thì sẽ tạo ra công bằng xã hội, tạo mặt bằng chất lượng học sinh” – bà Ha chia sẻ.

Về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, quan điểm của bà Phan Thị Thu Hà là nên duy trì, nhưng cần tính toán lại, ai sai chỗ nào thì xử lý chỗ đó, còn quản lý thì thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Cũng giống như năm 2015 đã từng áp dụng, bà Phan Thị Thu Hà đề xuất, em nào muốn thi đại học thì tham gia kỳ thi do đại học tổ chức, còn em nào không muốn thì tham gia kỳ thi trung học phổ thông do Sở tổ chức.

“Nếu các đại học tham gia vào, thì người dân sẽ tin tưởng và yên tâm hơn, cảm thấy việc đánh giá này là công bằng” – bà Hà kết luận.

Phương Linh