Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề thi cuối kỳ chung trong toàn tỉnh cho lớp 9 và lớp 12
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, hiện nay, việc kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) chủ yếu giao cho các cơ sở giáo dục tự tổ chức. Riêng đối với khối lớp 9 và lớp 12, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ ra đề kiểm tra cuối kỳ chung cho các trường trong toàn Sở.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ quản lý chất lượng thông qua kiểm tra công tác dạy học, báo cáo số liệu của các đơn vị, nắm bắt tình hình thông qua việc tổ chức kiểm tra tại các cơ sở giáo dục.
Lý giải về việc Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề kiểm tra cuối kỳ chung cho hai khối lớp 9 và lớp 12, thầy Nam cho biết:
“Lớp 9 và lớp 12 là hai lớp cuối cấp rất quan trọng. Tại Quảng Nam, những năm trước, với tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (trừ hệ chuyên), địa phương không thi tuyển mà xét tuyển theo phân tuyến, do vậy, việc ra đề đánh giá chung sẽ là cơ sở để có đánh giá chung về chất lượng của các cơ sở giáo dục; Đồng thời, điều này cũng giúp cho quá trình thực hiện xét tuyển bằng kết quả học tập của các em vào trường trung học phổ thông được khách quan và chính xác hơn.
Tương tự đối với lớp 12, việc tổ chức kiểm tra chung sẽ giúp Sở xác định được chất lượng của các trường để đánh giá hiệu quả tổ chức dạy học, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý để hướng tới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, giúp các em học sinh đạt được kết quả tốt nhất”.
Theo thầy Nam, việc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì ra đề kiểm tra đánh giá chung trong toàn Sở nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay Sở mới chỉ đang thực hiện ra đề kiểm tra chung đối với khối lớp 9 và lớp 12 (đều đang học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006).
Nhưng, việc Sở ra đề kiểm tra chung như vậy cũng ít nhiều “bị vênh” so với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là tăng cường tính chủ động trong các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, hiện nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai cho các khối lớp 1,2,3 cấp tiểu học; lớp 6,7 ở cấp trung học cơ sở; lớp 10 ở cấp trung học phổ thông. Theo đó, định hướng của chương trình mới là: các cơ sở giáo dục hoàn toàn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường. Nhà trường, tổ bộ môn sẽ tính toán dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trong trường… để điều chỉnh tiến độ giảng dạy cho phù hợp. Do vậy, điều này sẽ tạo ra sự không đồng nhất giữa các trường, không giống như chương trình cũ các nội dung và tiến độ giảng dạy đều có kế hoạch chung.
Trước thực tế này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết:
“Theo định hướng tiến tới tăng tính chủ động của các đơn vị, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý về mặt nhà nước và chuyên môn, có đánh giá nhất định trên cơ sở theo dõi, do vậy quản lý bằng việc ra đề kiểm tra chung có lẽ sẽ không thực hiện nữa”. Tuy nhiên, theo thầy Nam, hiện đơn vị vẫn đang tính toán và chưa quyết định chính thức.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước, Quảng Nam), thầy Cái Văn Hùng cũng bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao hình thức kiểm tra đánh giá chung trong toàn tỉnh đang thực hiện.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hùng cho biết:
“Việc thực hiện kiểm tra đánh giá chung trong toàn tỉnh hiện nay sẽ là mức chuẩn để đánh giá chất lượng dạy học của các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Nếu để mỗi trường một đề kiểm tra thì rất khó đánh giá mặt bằng chung giữa các cơ sở giáo dục”.
Góp ý về cách thức kiểm tra đánh giá trong toàn tỉnh khi các khối lớp đã hoàn toàn triển khai dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (vào những năm học tới), thầy Hùng cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo nên giao hoàn toàn việc kiểm tra về cho các trường chủ động.
“Thực hiện dạy học theo chương trình mới, số lượng học sinh đăng kí theo nguyện vọng các tổ hợp môn giữa các trường là khác nhau, chưa kể, giữa các đơn vị sẽ có kế hoạch dạy học khác nhau, linh hoạt theo thực tế của từng đơn vị. Do vậy, theo tôi nên giao hoàn toàn việc kiểm tra đánh giá về cho các trường sẽ có sự phù hợp hơn, đồng thời cũng giúp các trường chủ động hơn về mặt thời gian, kế hoạch, nội dung…”, thầy Hùng nêu kiến nghị.
Để đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá đúng thực chất và công bằng, theo thầy Hùng, cần có sự quán triệt nghiêm túc và sâu rộng trong toàn bộ thầy cô giáo trong trường về việc đảm bảo tính bảo mật, công bằng, khách quan và đảm bảo quyền lợi của mọi học sinh như nhau trong ra đề kiểm tra, giám sát và quản lý.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (Quảng Nam). Ảnh: Fanpage nhà trường |
Chia sẻ thêm với phóng viên về cách thức thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Châu - giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (Quảng Nam) cho biết:
“Đối với cá nhân tôi, khi kiểm tra đánh giá học sinh ở điểm thường xuyên, tôi sẽ đa dạng phong phú các hình thức đánh giá để phù hợp với học sinh thời đại ngày nay. Ví dụ như có phần đánh giá theo nhóm, vận dụng kiến thức công nghệ để thực hiện các bài kiểm tra chứ không chỉ chăm chăm kiểm tra đánh giá kiến thức trên giấy.
Kiểm tra đánh giá ngoài kiến thức, cần chú trọng khuyến khích học sinh phát triển năng lực. Ngoài ra, giáo viên cần xác định các em nắm kiến thức cơ bản nào, chứ không phải cứng nhắc bắt học sinh phải học hết tất cả kiến thức sách giáo khoa, với tất cả môn học, như vậy thì sẽ gây nên áp lực lớn cho các em”.
Bên cạnh đó, để giảm tình trạng “làm đẹp học bạ”, cô Châu cũng kiến nghị phía các cơ sở giáo dục đại học nên xem xét giảm tỷ lệ xét tuyển đầu vào bằng điểm học bạ. Cụ thể, khi các trường đại học vẫn để tỷ lệ lớn xét vào trường bằng điểm học bạ cao, sẽ vô tình khiến nhiều em học sinh “chỉ chăm chăm vào học bạ, các em không quan trọng thi tốt nghiệp; nhiều em chỉ thi tốt nghiệp đủ điểm để qua và cố gắng tạo điểm học bạ đẹp, đủ điều kiện để yên tâm vào đại học”, cô Châu nói.