Chúng tôi tiếp tục câu chuyện hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Thanh Oai, Hà Nội, ông Nguyễn Đình Lập thừa nhận có tiêu cực trong dạy và học. Trong khi chờ kết quả thanh tra từ Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều ý kiến đồng thuận về chống tiêu cực trong ngành giáo dục. Thậm chí có nhiều độc giả là người dân tại xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội lên tiếng thất vọng về tấm gương người thầy mà gia đình tin tưởng gửi con vào học.
Độc giả Lê Minh rất cảm ơn Báo Giáo dục Việt Nam đã phanh phui được những tiêu cực trong giáo dục, độc giải này viết: “Đọc những bài viết của Quý báo chúng tôi thấy công lý vẫn hiện hữu. Từ trước tới giờ quá nhiều phụ huynh chúng tôi bức xúc mà không thể làm gì được. Nhìn ông ấy ăn tiền trắng trợn mà vẫn phải chịu”.
Trường THPT Nguyễn Du đang chứng kiến sự xuống cấp của một hiệu trưởng |
Theo vị độc giả xưng tên là Minh, thì hiệu trưởng Nguyễn Đình Lập rất khéo léo để “nhận” tiền của phụ huynh. Bằng cách, thông qua giáo viên trong trường để làm việc chứ trực tiếp nhận từ phụ huynh, sau đó ai thắc mắc hiệu trưởng sẽ giải thích trường hợp này con cô này, cháu thầy nọ nên ưu tiên. Độc giả mong thanh tra làm rõ vụ này cho dư luận đỡ bất bình!
Một đọc giả sống và làm việc gần khu vực nhà trường nhận xét, chuyện như thế này không phải chỉ có ở trường THPT Nguyễn Du mà nó xảy ra ở khắp nơi trong thành phố Hà Nội. Đặc biệt là Hà Tây cũ.
Độc giả còn chỉ đích danh các trường như: Trường THPT Mỹ Đức C, Huyện Mỹ Đức. Theo đó, ở đây có rất nhiều lớp chọn, học thêm tràn lan. Cụ thể là ngay cả lớp 10, trước ngày 15/8 học sinh cũng được học thêm đồng loạt 5 môn trong thời gian 2 tuần.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du đã bôi nhọ cả ngành giáo dục
(GDVN) - Nhận định này được ông Lê Ngọc Quang – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định với phóng viên, sau những dấu hiệu tiêu cực tại ngôi trường này.
Một độc giả thường xuyên theo dõi Báo Giáo dục Việt Nam viết lên lời tâm sự rằng: “Những con mọt tham nhũng hối lộ thì thiếu gì cách để che đậy. Có phải sở Giáo dục chỉ đạo cho hiệu trưởng Lập nhận quà lót tay không mà ông ấy giám công khai trắng trợn, chỉ khổ cho phụ huynh học sinh phải chịu”.
Sau khi đọc các bài viết liên quan, độc giả Nguyễn Văn Minh cho rằng, các trường từ tiểu học đến THPT hiệu trưởng rất tinh quái lách luật lạm thu bằng cách thu các khoản tiền từ học sinh không có thông báo danh mục bằng văn bản cụ thể, mà hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm chỉ thông báo với học sinh bằng miệng.
Một độc giả cũng bức xúc nói: “Ông Lập ăn tiền trắng trợn thế này mà vẫn còn nói “có gì ghê gớm”. Ông cầm những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bao phụ huynh nghèo mà không hề run tay, không hề áy náy lương tâm, ông có xứng đáng với hai từ thầy giáo nữa không, ông có là người không?”.
Bức xúc với cách hành xử của hiệu trưởng Nguyễn Đình Lập, một phụ huynh có con học tại đây khẳng định: “Tham nhũng rõ quá còn gì, tôi có con học ở đấy đã ra trường rồi và đã từng biếu ông "gói bánh" 3 triệu, giá đấy là bình dân như chúng tôi, còn đâu A1, A2 thì gấp đôi, gấp ba. Hình như thầy sắp nghỉ hưu, chắc ra sức vơ vét để hạ cánh?
Vị phụ huynh khác đồng cảm khi cứ nghe người dân kêu khổ mà không làm gì được mấy lão "mọt tiền".
“Theo tôi cứ cử người có con học giỏi mà bị ức hiếp, làm cái camera nhỏ ghi lại và đưa lên mạng chống tham nhũng. Chỉ là chúng ta đồng tâm vì đất nước này”.
Độc giả Nguyễn Văn Minh thì nói thẳng: “Hiện tượng này hiện nay đang là vấn nạn. Ở trường nào cũng có những tiêu cực như vậy. Nhưng hiện tại Sở Giáo dục - Hà Nội vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Một trong những kẽ hở của hệ thống quản lý giáo dục và pháp luật đó là nhà trường tổ chức thi tuyển lớp chọn và bắt học sinh viết đơn xin vào học theo mẫu của nhà trường với nội dung xin thi và học ở lớp chọn mang tính tự nguyện. Thực tế không tự nguyện một chút nào. Vậy đây chính là lỗ hổng của những quy định đã tạo cho những tiêu cực phát triển”.
Chia sẻ thêm về luồng ý kiến từ lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, độc giả Nguyễn Hoa bày tỏ: “Tôi đọc lời giải thích của PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội trên báo mà buồn cho ngành giáo dục. Ông về kiểm tra nghe ông hiệu trưởng giải thích và khẳng định ông ta làm đúng luật, vậy ngành giáo dục có luật con chuyển lớp, chuyển trường phải có phong bì đến nhà ông hiệu trưởng hay không? Đạo đức và phẩm chất cán bộ suy đồi, ông PGĐ nhận phong bì thì quên hết lời phụ huynh và học sinh kêu cứu?
Chúng tôi tiếp tục thông tin về sự việc này.