Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chủ trương này được nhiều người hưởng ướng, trong đó có những “mạnh thường quân” bỏ tiền đầu tư cho giáo dục.
Giáo dục là một loại hình đầu tư đặc biệt, không chỉ 10 năm, 20 năm mà giáo dục là một chặng đường dài xây dựng và phát triển. Đầu tư cho giáo dục khó mà đem lại kết quả một sớm một chiều, do vậy cũng cần tới một môi trường giáo dục lành mạnh.
Sự việc tranh chấp, lùm xùm ở Đại học Hoa Sen trong thời gian qua có thể để lại một hậu quả không tốt cho các nhà đầu tư giáo dục tâm huyết.
Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh vấn đề thì đây là một bài học lớn cho ngành giáo dục, từ cách quản lí, khung pháp lý cho đến sự thống nhất trong văn bản chỉ đạo điều hành của ngành.
Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng sẽ hầu tòa vào ngày mai trong phiên xử tranh chấp giữa trường Đại học Hoa Sen và hai công ty cổ phần Co-Ordinate và Iconnect. Ảnh Phương Thảo |
Sự việc này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của xã hội về môi trường đầu tư trong giáo dục, làm hoen ố bức tranh giáo dục đại học ở nước ta.
Cũng chỉ xuất phát từ những mập mờ trong chi tiêu tài chính của ban lãnh đạo nhà trường, mà tranh chấp giữa Đại học Hoa Sen với các cổ đông, trong đó có hai công ty cổ phần Co-Ordinate và Iconnect diễn ra suốt một thời gian dài.
Sự việc căng thẳng tới mức Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã phải mở phiên tòa “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên công ty”.
Ngày 29/09/2015, tòa đã xử và kết luận việc Đại học Hoa Sen tự ý điều chỉnh cổ phần của một số cổ đông của Công ty cổ phần I-Connect và công ty cổ phần Co-Ordinate mà không có sự đồng ý của các cổ đông là không có căn cứ.
Theo phán quyết của tòa thì việc này không đúng với các quy định của Thủ tướng trong quy chế tổ chức của trường Đại học tư thục.
Ngoài ra, việc tự ý điều chỉnh của Đại học Hoa Sen cũng được tòa kết luận là không đúng với các quy định của Luật Doanh nghiệp và không hợp pháp.
Hoa Sen cố tình phớt lờ?
Đại học Hoa Sen giống như “treo đầu dê, bán thịt chó”(GDVN) - Lãnh đạo Đại học Hoa Sen nói trường luôn đi theo mô hình phi lợi nhuận, nhưng thực tế trường vẫn chia cổ tức cao và như vậy chắc chắn là trường vì lợi nhuận. |
Dù đã có phán quyết của Tòa án về vụ án tranh chấp nhưng phía ban giám hiệu Trường Đại học Hoa Sen tỏ ra ngoan cố, vẫn cố tình phớt lờ, Đại học Hoa Sen còn làm đơn kháng cáo.
Những vấn đề mập mờ trong chi tiêu tài chính của trường Đại học Hoa Sen, mà trực tiếp là hiệu trưởng Bùi Trân Phượng đã được các cổ động vạch trần trong thời gian qua, có thể thấy việc núp dưới chiêu bài “phi lợi nhuận” chủ yếu là để che đậy đi bộ mặt thật của mình.
Nhìn lại sự việc, theo yêu cầu của các cổ đông nắm giữ 30% cổ phần, các báo cáo tài chính và thuế của Đại học Hoa Sen do hiệu trưởng Bùi Trân Phượng ký trong các năm qua đều thể hiện nhiều khuất tất cầu phải làm rõ.
Điển hình nhất là việc tự ý thay đổi nhà cung cấp, nhà phân phối vật tư trong dự án xây dựng tòa nhà của trường, không tuân theo quy trình.
Việc bị phát giác che giấu 119 tỷ đồng lợi nhuận từ năm 2010 cho đến 2013, việc chuyển doanh thu hơn 16 tỷ đồng từ Đại học Hoa Sen sang công ty TNHH Nhà hành khách sạn và du lịch Vĩnh An do bà Phượng làm chủ.
Đến việc xử lý tài chính không minh bạch, làm thâm hụt tài sản của nhà trường. Chưa kể trong suốt một thời gian dài, bà Bùi Trân Phượng đã chủ động cơ cấu quyền lực của mình khi tự ý có quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm bộ máy vận hành trường một cách vô tội vạ.
Với những gì đã diễn ra, dư luận có quyền nghi ngờ về những gì mà lãnh đạo Đại học Hoa Sen đang cố tình che giấu!
Sự việc này đã được Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 27/1/2016, nhưng phía Đại học Hoa Sen xin hoãn do vắng Luật sư.
Những nhà đầu tư giáo dục tâm huyết tại trường Đại học Hoa Sen và giới trí thức trong nước luôn tin tưởng vào công lý và hy vọng rằng kết quả của phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày mai (28/4), sẽ là cơ sở để dư luận nhìn rõ và chính xác bản chất thật sự của những tranh chấp diễn ra tại ĐHHS trong thời gian vừa qua.
Đây cũng là cơ sở pháp lý để các cấp lãnh đạo sớm công nhận Hội đồng Quản trị được bầu hợp pháp từ Đại hội cổ đông bất thường ngày 02/08/2014, sớm chấm dứt những tranh chấp do ban lãnh đạo hiện hành của trường đại học Hoa Sen cố tình tạo ra để che dấu những sai phạm trong suốt một thời gian dài.