Hơn 25 năm trong nghề, ít nhất cũng đã trải qua 2 lần thay sách.
Hơn 90% các khóa bồi dưỡng giáo viên được tiến hành theo hình thức hội thảo - tập huấn (Ảnh Bảo Giáo dục thời đại). |
Chúng tôi nhận thấy công tác bồi dưỡng giáo viên để tiếp cận chương trình mới chưa thật sự hiệu quả.
Dẫn đến người trực tiếp được dự lớp bồi dưỡng nắm bắt nội dung chương trình mơ hồ.
Người được bồi dưỡng gián tiếp lại thật sự mệt mỏi và không hề hiệu quả.
Bởi, cách người ta tổ chức bồi dưỡng giáo viên thường thiếu thực tế và mang tính áp đặt quá nhiều.
Đối tượng chính là thầy cô giáo lại luôn phải nghe lại những báo cáo viên mang danh cấp phòng, cấp sở mà đôi khi trình độ chuyên môn thực tế lại xa vời.
Thế nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận chương trình mới của đại đa số thầy cô giáo.
Báo cáo viên là ai?
|
Người đóng vai báo cáo viên có vai trò vô cùng quan trọng.
Chất lượng của những buổi tập huấn giáo dục thế này gần như phó thác hoàn toàn cho những báo cáo viên.
Họ là ai mà đóng vai trò quan trọng như thế? Phần lớn là các chuyên viên cấp phòng, cấp sở và một số ít là phó hiệu trưởng, giáo viên cốt cán của các trường.
Chuyên viên có người chưa bao giờ giảng dạy hoặc đã “bỏ dạy” từ rất lâu.
Giáo viên cốt cán có người chỉ có danh còn năng lực đôi khi không bằng một giáo viên bình thường.
Thậm chí phó hiệu trưởng chẳng phải người nào cũng nắm chắc chuyên môn.
Có người gặp may khi “cờ đến tay” thì phất.
Do hạn chế về năng lực, do thiếu kinh nghiệm giảng dạy nên khi đi tiếp thu chương trình mới từ các chuyên gia giáo dục, từ những người làm chương trình cũng chỉ đạt mức nửa vời.
Vì thế, khi về truyền đạt lại cho giáo viên các cơ sở cũng chẳng còn được bao nhiêu.
|
Không ít những câu hỏi thắc mắc của giáo viên nêu ra cũng chẳng thể nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Đổi mới khối nào chỉ giáo viên khối ấy đi học
Do điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, do lượng báo cáo viên không đủ, thế nên đổi mới khối nào chỉ giáo viên khối ấy được đi học bồi dưỡng trực tiếp.
Những giáo viên này về trường lại tiếp tục bồi dưỡng lại cho giáo viên toàn trường bằng những buổi học lý thuyết và những tiết dạy dự giờ.
Chất lượng của buổi bồi dưỡng cũng phụ thuộc vào trình độ giáo viên.
Thế nên, mới xảy ra tình trạng “tam sao thất bản” giữa các huyện thị trong tỉnh, đặc biệt là các trường trong một địa bàn với nhau.
Bồi dưỡng giáo viên qua mạng sẽ vô cùng hiệu quả
Học tập qua mạng (e-learning) là hình thức học tập có nhiều thuận lợi đối với người học, đặc biệt là việc bồi dưỡng chương trình thay sách giáo khoa.
Việc lựa chọn hình thức bồi dưỡng có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao năng lực của nhà giáo trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Giáo viên sẽ trực tiếp được nghe những vị chuyên gia giáo dục, những nhà viết sách báo cáo về chương trình mới, về cách triển khai và thực hiện.
Thông qua việc học trực tuyến, thầy cô sẽ trực tiếp nêu lên những thắc mắc của mình và sẽ được nghe những giải đáp kịp thời từ những nhà chuyên môn.
Giáo viên là những người đang hằng ngày giảng dạy, vì thế những câu hỏi, những tình huống họ đưa ra sẽ vô cùng thực tế.
Bồi dưỡng qua mạng tất cả giáo viên bậc tiểu học sẽ được tham gia và sẽ tránh được những tam sao thất bản khi người báo cáo năng lực, trình độ chênh nhau.