Trưởng bộ môn Địa lí, Trường ĐH Đồng Nai tiếp tục góp ý SGK Địa lí

05/11/2022 06:36
Sơn Quang Huyến (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người viết gửi đến bạn đọc một số góp ý của thầy Nguyễn Văn Thuật, về một số kiến thức trong sách Địa lí lớp 10, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Thầy Nguyễn Văn Thuật - Trưởng bộ môn Địa lí tiếp tục trao đổi góp ý về một số kiến thức trong sách Địa lí lớp 10, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nộp lưu chiểu tháng 5 năm 2022.

Thầy Nguyễn Văn Thuật - Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Nguyễn Văn Thuật - Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thứ nhất, tại trang 26, dòng 6 từ dưới lên, tác giả viết: “Nêu sự khác nhau của nội lực và ngoại lực.”

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, tác giả viết sai tiếng Việt, khi yêu cầu phân biệt 2 đối tượng, không thể dùng từ “của” mà phải dùng từ “giữa”. Vì thế câu trên cần sửa lại như sau : “Nêu sự khác nhau giữa nội lực và ngoại lực.”

Thứ hai, trang 26, dòng 4 từ dưới lên, tác giả viết: “Các đồng bằng châu thổ như đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long được hình thành chủ yếu bởi quá trình nội lực hay quá trình ngoại lực, cụ thể là quá trình nào?”

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, Châu thổ là đồng bằng ở vùng cửa sông do phù sa bồi đắp nên. Chính vì thế không có khái niệm “đồng bằng châu thổ” như tác giả hiểu mà chỉ có khái niệm “châu thổ sông Hồng hoặc châu thổ sông Cửu Long”.

Thứ ba, trang 27, dòng 4 từ dưới lên, tác giả viết: “ Dựa vào hình 6.2, hình 8 và kiến thức đã học, hãy trình bày mối quan hệ giữa sự phân bố các vành đai động đất, vành đai núi lửa với sự chuyển dịch các mảng kiến tạo."

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, dựa là đặt một thứ vào một vật khác để đứng vững. Như vậy chỉ dựa tay, dựa lưng .. dựa vào hình làm sao trả lời được câu hỏi?

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật đề nghị phải sửa chữ "dựa" thành chữ "nhìn", chỉ có nhìn vào hình thì học sinh mới trả lời được câu hỏi.

Ảnh minh họa do nhân vật cung cấp

Ảnh minh họa do nhân vật cung cấp

Thứ tư, trang 29, dòng 9 từ dưới lên, tác giả viết: “Bề mặt đất nhận nhiệt nhanh hơn và tỏa nhiệt cũng nhanh hơn bề mặt nước. Vì vậy vào mùa hạ, lục địa có nhiệt độ cao hơn đại dương; còn vào mùa đông, lục địa có nhiệt độ thấp hơn đại dương."

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, đây là nội dung sai lầm nghiêm trọng về kiến thức.

Vận tốc của ánh sáng Mặt Trời không đổi khi chiếu xuống bề mặt Trái Đất. Thành thử không có nơi nào trên Trái Đất nhận bức xạ Mặt Trời nhanh hơn hay chậm hơn.

Đặc tính của nước là hấp thụ nhiệt chậm và tỏa nhiệt cũng chậm, nên biển điều hòa được khí hậu; trái lại bề mặt đệm là đất thì hấp thu nhiệt nhanh và tỏa nhiệt cũng nhanh hơn bề mặt nước.

Thứ năm, trang 42, dòng 5 từ trên xuống, tác giả viết: “Thủy triều là hiện tượng nước biển dâng cao và hạ thấp theo quy luật hàng ngày."

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, trong thế giới tự nhiên không hề có “quy luật hàng ngày” mà chỉ có quy luật tự nhiên.

Quy luật tự nhiên là một quy tắc nói lên rằng nếu trong thiên nhiên tồn tại một tập các điều kiện thì sẽ có một hậu quả xác định. Ví dụ quy luật địa đới, quy luật nhịp điệu...

Như vậy, thủy triều là một hiện tượng trong rất nhiều hiện tượng tự nhiên khác tuân theo quy luật nhịp điệu...

Thứ sáu, trang 108, dòng 19 từ dưới lên, tác giả viết: “Môi trường tự nhiên bao gồm các yếu tố tự nhiên như nước, đất, không khí, sinh vật,..."

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật cho rằng, tác giả viết sách viết không chính xác.

Khí hậu, địa hình, nguồn nước, đất, sinh vật là 5 thành phần tự nhiên chính trên Trái Đất chứ không phải là các yếu tố tự nhiên; trong một thành phần tự nhiên sẽ có các yếu tố tự nhiên, ví dụ : nhiệt độ, ánh sáng, không khí... là các yếu tố của thành phần khí hậu, nội dung trên trong sách giáo khoa chỉ đúng từ "không khí".

Điều đáng nói, không khí là yếu tố của thành phần khí hậu nên không thể đứng đồng cấp với các thành phần tự nhiên khác.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của thầy Nguyễn Văn Thuật. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Sơn Quang Huyến (ghi)