Sáng ngày 27/9, Trường Đại học Điện lực đã tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học khoa Kỹ thuật Điện 2024.
Với chủ đề "Hệ thống điện xanh", hoạt động này là cơ hội để người học báo cáo và công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, trao đổi và chia sẻ thông tin về nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả hoạt động học tập của sinh viên, học viên cao học.
Đồng thời, đây là sân chơi học thuật giúp sinh viên giao lưu, học hỏi và rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học, góp phần tăng cường tính sáng tạo, động viên sinh viên phát huy trí tuệ trong học tập và nghiên cứu khoa học; bên cạnh đó, sự kiện cũng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Tham dự hội nghị có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Điện lực; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Sơn - Phụ trách khoa Kỹ thuật Điện, Trường Đại học Điện lực.
Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của đại diện Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật và quản lý lưới điện (EGRID), Công ty trách nhiệm hữu hạn Daiwa House Việt Nam cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Điện lực và sinh viên một số trường đại học tại Hà Nội có bài trình bày tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, cho biết: Đây là dịp để các bạn sinh viên chia sẻ những kết quả, thành tựu trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình. Đồng thời, hội nghị cũng là nơi thể hiện tinh thần sáng tạo, niềm đam mê khoa học và khát vọng cống hiến cho sự phát triển của ngành kỹ thuật điện nói riêng và đất nước nói chung.
“Trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc ứng dụng những thành tựu này vào thực tiễn. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của mỗi cá nhân trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học. Tôi rất tự hào khi thấy các bạn sinh viên của khoa Kỹ thuật Điện đã và đang tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần giải quyết những bài toán thực tiễn trong lĩnh vực điện lực.
Hội nghị hôm nay không chỉ là sân chơi để các bạn sinh viên trình bày những đề tài nghiên cứu mà còn là cơ hội để các em học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, các thầy cô giáo cũng như các bạn sinh viên tại Trường Đại học Điện lực nói riêng và các trường trên địa bàn Hà Nội. Tôi hy vọng rằng qua hội nghị này, các sinh viên sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng nghiên cứu, để từ đó áp dụng vào các dự án thực tế sau này”, thầy Cường nhấn mạnh.
Tại hội nghị, 27 đề tài nghiên cứu khoa học của các nhóm sinh viên và đại diện doanh nghiệp đã được giới thiệu, trình bày có chủ đề liên quan đến ứng dụng của phần mềm PSS/E, nghiên cứu chế độ sạc xe điện, ứng dụng BIM trong lĩnh vực cơ điện, xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng điện năng, giới thiệu kiến trúc hạ tầng đo lường thông minh AMI,...
Sau mỗi phiên trình bày, đại diện các nhóm nghiên cứu đều được các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi phản biện, góp ý hoàn thiện đề tài và định hướng ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Sơn - Phụ trách khoa Kỹ thuật Điện, xoay quanh chủ đề “Hệ thống điện xanh”, các nghiên cứu khoa học được trình bày tại hội nghị đều là các giải pháp phát triển hệ thống điện thân thiện với môi trường, có ý nghĩa góp phần phát triển bền vững đất nước nói chung và ngành năng lượng nói riêng, tuyên truyền và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Chính phủ.
“Trong những năm qua, bên cạnh việc dạy học, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên tại Trường Đại học Điện lực luôn được Đảng ủy, Ban giám hiệu quan tâm, đầu tư. Khoa Kỹ thuật Điện rất vinh dự là đơn vị đầu tiên trong nhà trường tổ chức hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên trong năm học mới.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên đạt hiệu quả cao, yếu tố quan trọng nhất là các bạn phải được tiếp cận với các bài toán thực tế, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp.
Chính vì vậy, tôi mong muốn trong thời gian tới nhà trường sẽ ngày càng thúc đẩy hơn nữa sự kết nối giữa khoa và các bạn sinh viên với các doanh nghiệp để các nghiên cứu khoa học sau khi được thực hiện sẽ ngay lập tức được áp dụng trong thực tế”, thầy Trần Thanh Sơn bày tỏ.
Trình bày mở đầu hội nghị, Phạm Hoàng Tuấn - học viên cao học khóa 11 ngành Hệ thống điện, Trường Đại học Điện lực đã giới thiệu kết quả nghiên cứu của đề tài “Áp dụng phần mềm PSS/E để cực tiểu hóa chi phí nhiên liệu hệ thống điện”.
Chia sẻ về quá trình thực hiện đề tài, Phạm Hoàng Tuấn cho biết: “Tại Việt Nam, việc xác định chi phí nhiên liệu hệ thống điện vẫn còn trải qua một số bước tính toán thủ công, chưa áp dụng hoàn toàn bằng các phần mềm hiện đại.
PSS/E là phần mềm chuyên ngành, có trả phí, được sử dụng tại các tập đoàn điện lực lớn và chưa có tài liệu hướng dẫn chính thức bằng tiếng Việt. Do đó, phần mềm này rất khó để sinh viên làm quen. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu đề tài này, nhờ sự giúp đỡ của các thầy, cô hướng dẫn, em đã có thể tiếp cận với các công nghệ, phương pháp tính toán mới nhất và sử dụng phần mềm để tối ưu hóa cho công việc trong thực tế”.
Trong những năm qua, thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ gắn kết với thực tiễn sản xuất và đào tạo, các đề tài nghiên cứu được Trường Đại học Điện lực triển khai đều có tính khoa học, gắn kết với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài ngành điện; có tính ứng dụng cao, có khả năng thương mại hoá hoặc áp dụng vào thực tiễn tại nhà trường.
Với triết lý “giáo dục toàn diện, vững nền tảng, bền tương lai” cùng mục tiêu lâu dài và bền vững, Trường Đại học Điện lực đang phấn đấu trở thành trường đại học ứng dụng hàng đầu Việt Nam, có mô hình tự chủ toàn diện, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến khu vực và quốc tế. Người học được đào tạo toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động, có khả năng học tập suốt đời, có năng lực sáng tạo và khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu khoa học đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.