Trường đại học giàu nhất nước Mỹ tạo nguồn thu từ đâu?

27/12/2023 06:40
Tường San (dịch tổng hợp từ US news, CBS news)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ thường xây dựng quỹ tài trợ của mình qua hai cách là từ các khoản quyên góp và lợi nhuận đầu tư.

Không chỉ là một trong những tổ chức giáo dục đại học uy tín, danh giá nhất, Đại học Harvard còn là cơ sở giáo dục đại học giàu nhất tại Hoa Kỳ.

Qua bảng xếp hạng dựa trên dữ liệu tài trợ đối với năm tài chính 2021 của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Harvard (có trụ sở tại thành phố Cambridge, tiểu bang Masschusetts của Hoa Kỳ) là cơ sở giáo dục đại học giàu nhất quốc gia này với khoản thu được từ nguồn tài trợ năm tài chính 2021 là 53,2 tỷ USD.

Bảng xếp hạng các trường đại học giàu nhất Hoa Kỳ dựa trên dữ liệu tài trợ đối với năm tài chính 2021 (Nguồn: CBS News)

Bảng xếp hạng các trường đại học giàu nhất Hoa Kỳ dựa trên dữ liệu tài trợ đối với năm tài chính 2021 (Nguồn: CBS News)

Năm 2022, trường cũng là đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học có nguồn tài trợ lớn nhất Hoa Kỳ của US News với gần 50,9 tỷ USD.

Thông tin từ báo cáo tài chính gần nhất của Đại học Harvard cũng cho thấy, năm tài chính 2023, quỹ tài trợ của trường ở mức 50,7 tỷ USD. Mặc dù giảm 0,2 tỷ USD so với năm 2022, tuy nhiên quỹ tài trợ này vẫn lớn hơn GDP của 120 quốc gia như Tunisia, Bahrain, Iceland,…

Trên thực tế, có thể thấy rằng, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở quốc gia này cũng thường xây dựng quỹ tài trợ của mình qua hai cách là từ các khoản quyên góp và lợi nhuận đầu tư.

Đơn cử, các khoản quyên góp đã mang lại cho Đại học Harvard đến 45% doanh thu. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng đối với sự quyên góp tài chính từ các cựu sinh viên giàu có của nhà trường. Những cựu sinh viên này có ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách và cả chương trình đào tạo của nhà trường.

Được biết, quỹ tài trợ là một tập hợp các khoản tài trợ mà trường nhận được và từ đó có thể định kỳ rút ra để trang trải các chi phí phục vụ công tác, hoạt động.

Cụ thể, quỹ tài trợ thường chịu sự kiểm soát của trường đại học hoặc một nhóm có liên kết chặt chẽ với cơ sở giáo dục đại học đó.

Ý nghĩa của quỹ tài trợ là tạo ra nguồn tài nguyên liên tục nhằm đảm bảo cho việc chi tiêu của các trường đại học như sử dụng các dịch vụ tiện ích, lương giảng viên, nhân viên,…

Đặc biệt, các khoản tài trợ cũng giúp cho cơ sở giáo dục đại học giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ học phí.

Chia sẻ từ Phó Giáo sư lâm sàng về chiến lược và tinh thần kinh doanh Paul Friga tại Trường Kinh doanh Kenan-Flager (Đại học Bắc Carolina, Hoa Kỳ) cho hay, hầu như trường đại học thường sử dụng nguồn thu từ các khoản tài trợ để thực hiện những việc như hỗ trợ tài chính cho sinh viên, nghiên cứu, nâng cao trình độ cho giảng viên, thực hiện các sáng kiến, ​​​​chiến lược,…

Ngoài ra, các nguồn tài trợ còn giúp trường công lập có nhiều quyền tự chủ hơn trước sự phân bổ của tiểu bang và liên bang tại Hoa Kỳ.

Đại học Harvard (Nguồn: CBS News).

Đại học Harvard (Nguồn: CBS News).

Được biết, Đại học Harvard và Đại học Yale là hai cơ sở giáo dục đại học đầu tiên áp dụng hình thức gây quỹ cho cựu sinh viên ở Hoa Kỳ. Theo đó, quỹ tài trợ từ cựu sinh viên được xây dựng từ các chiến dịch gây quỹ vào đầu thế kỷ 20.

Tại báo cáo tài chính gần đây nhất của trường, bà Claudine Gay - Hiệu trưởng Đại học Harvard đã trình bày, năm vừa qua, trường đã chi hơn 850 triệu USD để hỗ trợ tài chính cho người học.

Cụ thể, sinh viên thuộc các gia đình có thu nhập dưới 85.000 USD/năm sẽ được nhà trường tài trợ hoàn toàn, tuy nhiên, sinh viên đến từ các gia đình có thu nhập từ 85.000 USD/năm đến 150.000 USD/năm sẽ đóng góp tối đa 10% thu nhập hàng năm.

Sự hỗ trợ tài chính như vậy được nhà trường cho rằng là rất cần thiết đối với các sinh viên thuộc những gia đình có thu nhập thấp bởi mức học phí và lệ phí cho năm học hiện tại của trường đã ở mức 79.450 USD.

Tường San (dịch tổng hợp từ US news, CBS news)