Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo

11/06/2024 16:41
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngày 11/6, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Nhà giáo. 

Tọa đàm dưới sự chủ trì của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

15-6285.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu chủ trì tọa đàm.

Tại tọa đàm, các ý kiến của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đều đồng tình và khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Luật Nhà giáo, đồng thời đề xuất, góp ý thêm nhiều nội dung cho từng điều khoản cụ thể của dự thảo Luật này.

Tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý là quy định về chứng chỉ hành nghề. Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Phòng Công tác Sinh viên cho rằng: Quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề trong Luật Nhà giáo cần nêu rõ về các đối tượng không được cấp chứng chỉ hoặc cấm hành nghề Nhà giáo.

Ngoài ra, dự thảo luật hiện tại cũng chưa có quy định cụ thể về đơn vị tổ chức sát hạch, chưa có quy định về việc cấp lại chứng chỉ hành nghề sau khi thu hồi…

Cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là cần thiết và bắt buộc, Tiến sĩ Bùi Việt Phú, giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục cũng kiến nghị, “Luật cần ghi rõ: “Nhà giáo chỉ được tham gia giảng dạy, giáo dục khi có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp” đồng thời bổ sung quy định đối với nhà giáo đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nghiệp vụ sư phạm có thể thay thế cho chứng chỉ hành nghề”.

gop-y-du-thao-luat-giao-duc-04.png
gop-y-du-thao-luat-giao-duc-01.png
Các đại biểu trình bày ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo.

Một số ý kiến khác bày tỏ quan điểm về việc cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo cần được thực hiện bởi một tổ chức độc lập, cần có hệ thống quản lý, những người không tham gia giảng dạy trực tiếp thì có được cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo và có được công nhận là nhà giáo hay không…

Nhiều vấn đề khác trong dự thảo Luật cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý như: yêu cầu đối với người nước ngoài khi giảng dạy tại Việt Nam; vấn đề tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương…

Bên cạnh đó, tọa đàm cũng ghi nhận một số góp ý, kiến nghị về thể thức trình bày, lựa chọn sử dụng từ ngữ, thuật ngữ phù hợp và chính xác…

gop-y-du-thao-luat-nha-giao_01_2.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Phó hiệu trưởng Nhà trường hoan nghênh tinh thần trách nhiệm, của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, viên chức Nhà trường trong việc triển khai nghiên cứu và góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo.

Phó hiệu trưởng Nhà trường khẳng định, những góp ý thiết thực của thầy cô một lần nữa khẳng định vai trò đóng góp của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đối với những dự thảo văn bản lớn của ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung.

Thu Giang