Trường đại học "tiết lộ" mức lương khởi điểm của sinh viên ngành Kinh tế đầu tư

24/01/2024 06:28
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên học Kinh tế đầu tư được trang bị kiến thức cơ bản liên quan đến kinh tế, như kinh tế vi mô, vĩ mô; các vấn đề về đầu tư, đánh giá đầu tư.

Kinh tế đầu tư là ngành đào tạo tập trung nghiên cứu tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội đến việc đầu tư, phân tích rủi ro, tiềm năng sinh lời của các dự án đầu tư kinh tế.

Sinh viên học về kinh tế đầu tư có thể trở thành chuyên gia lĩnh vực phân tích kinh tế, quản lý danh mục đầu tư trong tổ chức tài chính, chuyên viên tư vấn tài chính, quản lý đầu tư doanh nghiệp.

Hiện, một số trường đại học đang đào tạo ngành/chuyên ngành Kinh tế đầu tư như: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Thủy Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Duy Tân, Học viện Ngân hàng.

Bên cạnh đó, cũng có cơ sở đào tạo đang chờ đủ 3 năm để đóng ngành Kinh tế đầu tư do gặp khó trong công tác tuyển sinh (ví dụ như Trường Đại học Tân Trào đã ngừng tuyển sinh ngành Kinh tế đầu tư 2 năm nay).

Nguồn: Ngọc Mai

Nguồn: Ngọc Mai

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Quốc Hưng – Trưởng Bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh tế và Quản lý (Trường Đại học Thủy Lợi) cho biết, chuyên ngành Kinh tế đầu tư thuộc Bộ môn Kinh tế của Khoa đã được kiểm định chất lượng về chương trình đào tạo.

Kinh tế đầu tư còn khá mới nhưng với sự tham gia giảng dạy của đội ngũ giảng viên nhiệt huyết, sinh viên được tiếp cận với kiến thức một cách dễ dàng, trang bị đầy đủ kỹ năng phục vụ cho công việc.

Với chuyên ngành Kinh tế đầu tư, sinh viên được học những kiến thức cơ bản liên quan đến kinh tế, ví dụ như kinh tế vi mô, vĩ mô, các vấn đề về đầu tư, đánh giá đầu tư. Những học phần khó, giảng viên sẽ áp dụng những phương pháp dạy học linh hoạt để đơn giản hóa các kiến thức trừu tượng khi truyền tải đến sinh viên.

Cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đầu tư khá rộng mở. Ví dụ như các vị trí liên quan đến đánh giá và thẩm định dự án đầu tư, hoặc có thể làm nhân viên sale bất động sản (hay còn gọi là nhân viên kinh doanh bất động sản); làm việc tại các cơ quan quản lý đầu tư (như phòng kế hoạch – tài chính, sở kế hoạch – đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư); thẩm định dự án của các ngân hàng thương mại; trung tâm xúc tiến đầu tư,...

“Theo thống kê tình hình việc làm sau 2 năm sinh viên Kinh tế đầu tư tốt nghiệp cho thấy, hơn 90% các em có việc làm đúng chuyên ngành và nhận mức lương hàng chục triệu đồng/tháng”, thầy Quốc Hưng chia sẻ.

Chương trình đào tạo chuyên ngành kinh tế đầu tư luôn được Trường Đại học Thủy Lợi cải tiến. Tuy nhiên, để học tốt, sinh viên cần chăm chỉ, cẩn thận (vì liên quan đến đầu tư), quản trị rủi ro tốt và nhạy cảm với đầu tư. Đặc biệt, theo thầy Quốc Hưng, sinh viên học tốt môn Toán sẽ rất thuận lợi khi học Kinh tế đầu tư.

“Chuyên ngành Kinh tế đầu tư không nặng kiến thức như một số chuyên ngành thuộc khối ngành kỹ thuật nhưng việc học cũng khá vất vả vì phải tư duy Toán nhiều. Ngoài ra, nếu người lao động muốn làm việc ở công ty quốc tế, hoặc hưởng lương cao thì cần có trình độ ngoại ngữ để tiếp cận kiến thức mới thông qua nghiên cứu tài liệu viết bằng tiếng nước ngoài”, thầy Quốc Hưng nói.

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có đào tạo chuyên ngành Kinh tế đầu tư. Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cù Thanh Thủy - Trưởng Bộ môn Kinh tế phát triển cho biết, điểm trúng tuyển chuyên ngành Kinh tế đầu tư theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây của trường khoảng từ 22-23 điểm.

Chia sẻ về sự cần thiết và nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này, cô Thủy cho rằng, xu hướng đầu tư theo dự án đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Điều này đặt ra vấn đề cần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động đầu tư vì nguồn lực trong và ngoài nước rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên viên kinh tế đầu tư.

“Sinh viên chuyên ngành Kinh tế đầu tư được trang bị kiến thức như: lập dự án đầu tư, quản trị rủi ro, đầu thầu trong đầu tư, thị trường vốn đầu tư, phân tích chính sách phát triển và nhiều các môn học thực hành chuyên môn khác.

Chương trình đào tạo của chuyên ngành Kinh tế đầu tư Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được xây dựng theo chuẩn đầu ra CDIO - chương trình đào tạo dựa vào nhu cầu thực tế của xã hội. Do vậy, sinh viên khi ra trường có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm việc", cô Thủy cho biết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cù Thanh Thủy. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cù Thanh Thủy. Ảnh: NVCC

Sinh viên tốt nghiệp Kinh tế đầu tư cũng có thể làm chuyên viên tư vấn giải pháp tài chính; nghiên cứu viên và giảng viên tại các tổ chức Liên hợp quốc và Chính phủ; viện nghiên cứu các bộ, ban, ngành về kinh tế đầu tư, đầu tư quốc tế.

Thu nhập khởi điểm khi người lao động làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước trong lĩnh vực kinh tế đầu tư dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng. So với các ngành nghề khác, mức lương này theo cô Thủy đánh giá là khá cao.

Để chuyên ngành Kinh tế đầu tư đến gần hơn với người học, cô Thủy cho rằng, chương trình đào tạo nên bổ sung thêm các học phần thực hành, thực tế để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với kiến thức thực tiễn liên quan đến kinh tế, đầu tư. Ngoài ra, cơ sở giáo dục nên tạo các sân chơi, cuộc thi liên quan đến chuyên ngành để người học áp dụng kiến thức từ giáo trình vào thực tế.

Cùng chia sẻ về ngành Kinh tế đầu tư, theo Tiến sĩ Đỗ Hải Hưng – Trưởng Bộ môn Kinh tế đầu tư, Khoa Quản lý kinh doanh (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho hay, ngành Kinh tế đầu tư của Khoa bắt đầu mở từ năm 2016 và tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm học 2017-2018. Theo khảo sát, ngành Kinh tế đầu tư là 1 trong 3 ngành (Kinh tế đầu tư, Công nghệ thông tin, Logistic) có mức thu nhập cao hơn hẳn so với các ngành học khác mà nhà trường đang đào tạo.

Cũng theo thầy Hưng, vị trí việc làm liên quan đến kinh tế đầu tư rất rộng. Ví dụ, nhà trường cần mua 10 chiếc điều hòa nhưng không phải muốn là mua được ngay mà cần phải thông qua hoạt động đấu thầu - điều này đòi hỏi phải có nhân lực am hiểu về đầu thầu. Chưa kể, thực tế một số dự án thu hút vốn đầu tư FDI cũng cần có đội ngũ nhân lực chuyên sâu về kinh tế đầu tư.

Theo thầy Hưng, số tín chỉ thực hành trong chương trình đào tạo của ngành Kinh tế đầu tư tăng theo từng năm học. Cụ thể, trước đây, số tín chỉ thực hành chỉ hơn 20%, còn hiện chiếm khoảng 31% chương trình đào tạo. Đặc biệt, từ năm học 2022-2023, chương trình đào tạo của ngành cải tiến hơn nhờ bổ sung học phần đi sâu vào góc độ đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

“Ngành Kinh tế đầu tư của trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, không mang tính hàn lâm. Chương trình có những học phần mà một số trường cùng đào tạo ngành/chuyên ngành Kinh tế đầu tư không có như: đầu tư quốc tế, đầu tư tài chính,… Sinh viên được học theo chuyên đề nên sẽ phải có sản phẩm thực tế khi kết thúc chuyên đề”, thầy Hưng chia sẻ.

Nhằm giúp sinh viên không chán nản khi tiếp xúc với các học phần khó của ngành Kinh tế đầu tư, theo thầy Hưng, chương trình đào tạo của ngành được xây dựng theo chuẩn CDIO, sinh viên hoạt động nhóm nhiều hơn và bài giảng cũng có sự kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Tuy nhiên, muốn học tốt, bản thân sinh viên cũng cần chủ động trang bị kiến thức nền tảng về kinh tế thì mới theo học được.

Chỉ ra một số thách thức trong đào tạo ngành Kinh tế đầu tư, thầy Hưng cho rằng, thứ nhất, hiện nay chưa có nhiều cơ sở đào tạo ngành/chuyên ngành này. Phần lớn học sinh chỉ biết đến các ngành Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh,…

Thứ hai, công tác truyền thông về ngành/chuyên ngành Kinh tế đầu tư chưa thực sự đẩy mạnh và rõ nét.

Thứ ba, số lượng cơ sở đào tạo tiến sĩ kinh tế đầu tư trong nước chưa nhiều (chỉ tập trung đào tạo tiến sĩ kinh tế đầu tư ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

Thầy Hưng cũng cho biết thêm, hiện nay, ngành Kinh tế đầu tư của Khoa có 14 giảng viên, trong đó có 4-5 giảng viên trình độ tiến sĩ đúng ngành (Trưởng ngành là giảng viên tốt nghiệp trình độ tiến sĩ kinh tế đầu tư Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), còn lại là giảng viên trình độ thạc sĩ (cả đúng ngành và ngành gần), chưa có giảng viên chức danh phó giáo sư, giáo sư.

Ngọc Mai