Trao đổi với phóng viên sáng nay, ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, năm 2014 đối với diện được tuyển thằng chỉ tuyển giải nhất quốc gia môn Sinh, giải nhì, giải ba vẫn phải xét tuyển bình thường.
Hiệu trưởng Đại học Y cũng cho rằng, một giải ba và câu chuyện đi thi được 27,5 điểm là hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó Đại học Y Hà Nội năm tới sẽ xin thêm diện tuyển thẳng ở môn Toán.
Ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. |
“Miếng bánh của tôi có 500 người, giờ phải chia cho 150 người thì người khác hết phần, thi được 27 điểm vẫn trượt, đó là câu chuyện” ông Hinh nói.
Cũng theo thông tin từ ông Hinh, đối tượng đạt giải nhì, giả ba quốc gia trong diện xét tuyển chỉ cần qua sàn là đỗ (ba điểm 5). Trong số chỉ tiêu được tuyển thẳng là 18 em, trong đó có 5 chỉ tiêu y đa khoa, 5 y học cổ truyền, 5 kỹ thuật y học, 2 điều dưỡng và 1 khoa dinh dưỡng.
Năm 2013, trường Đại học Y Hà Nội cũng xin không tuyển thẳng giải ba nhưng không được Bộ GD&ĐTchấp nhận. Năm nay, trường có hơn 9.300 thí sinh đăng ký dự thi (chỉ tiêu của trường là 1.000), giảm nhiều so với năm 2013. Theo ông Hinh, đây là do thí sinh đã biết chọn trường đúng với năng lực học tập.
Theo chia sẻ của ông Hinh, tháng 9 tới các trường phải trình bộ phương án tuyển sinh riêng, nhưng cơ bản trường Đại học Y Hà Nội vẫn giữ như hiện nay. Tuyển sinh riêng theo ông Hinh khó nhất vẫn là khâu làm đề, ông đảm bảo không dưới 2/3 trường vẫn phải đi mua đề của Bộ GD&ĐT khi tuyển sinh riêng.
“Không ông hiệu trưởng nào dại lại đi làm đề, chúng tôi đang mua đề, đặt chỗ nào chuyên nghiệp thì chúng tôi dùng, bao nhiêu năm nay chúng tôi sử dụng đề này không có vấn đề gì. Trường Đại học Y Hà Nội không thể ra được đề toán bởi không có đội ngũ cán bộ để ra đề, chúng tôi phải đi mua” ông Hinh cho biết.
Rút ra từ năm trước về việc 27 điểm vẫn trượt Đại học Y, ông Hinh cho biết, đừng để chuyện này xay ra, đó là tiếng động không cần thiết. Đây là cuộc thi lấy từ cao xuống thấp cho tới đủ chỉ tiêu mà thôi.