Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, sứ mạng của nhà trường được thông tin trên website:
"Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học công lập hàng đầu về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ đại học, sau đại học; là trung tâm nghiên cứu khoa học, trọng tâm là khoa học pháp lý, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, hiện đại; góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng trong khoa học, nhất là khoa học pháp lý; có quan hệ quốc tế rộng rãi; giữ vai trò nòng cốt, là chỗ dựa đáng tin cậy trong quan hệ với các cơ sở đào tạo khác, đặc biệt là các cơ sở đào tạo Luật ở các tỉnh phía Nam".
Tuyển sinh trình độ đại học vừa làm vừa học gặp khó
Quy mô đào tạo trình độ đại học các năm 2021, 2022 và 2023 của nhà trường tương đương là 10.640, 10.967 và 10.446.
Bảng tổng hợp dữ liệu quy mô đào tạo đại học từ năm 2021 đến năm 2023 (Căn cứ đề án tuyển sinh trình độ đại học các năm 2021,2022 và 2023). |
Về sự biến động trong quy mô đào tạo đại học nêu trên, đại diện nhà trường thông tin, thông qua số liệu đã được Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện cụ thể trong Đề án tuyển sinh trình độ đại học từ năm 2021 đến năm 2023 cho thấy, quy mô đào tạo trình độ đại học trong 3 năm qua của trường có phần biến động và có sự giảm nhẹ.
Theo đó, năm 2021, quy mô đào tạo đại học của trường đạt 10.640 sinh viên; năm 2022, quy mô đào tạo của trường là 10.967 sinh viên (tăng 327 sinh viên so với năm 2021); năm 2023, quy mô đào tạo của trường đạt 10.446 sinh viên sinh viên (giảm 521 sinh viên so với năm 2022).
Con số giảm này ở trình độ đại học hệ đào tạo vừa làm vừa học.
Cụ thể, năm 2021 quy mô đào tạo đại học chính quy của trường là 8.131 sinh viên. Đến năm 2022 là 8.776 sinh viên (tăng 645 sinh viên, tỷ lệ tăng là 7,93%). Năm 2023 là 9.151 sinh viên (tăng 375 sinh viên, tăng là 4,27%).
Do vậy, nếu tính quy mô đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy của năm 2023 so với năm 2021, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1.020 sinh viên, tương đương tăng 12,54%.
Trái lại, quy mô đào tạo đại học hình thức vừa làm vừa học có xu hướng giảm.
Cụ thể, năm 2021 quy mô đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học của nhà trường là 2.509 sinh viên.
Đến năm 2022, quy mô đào tạo đại học hình thức vừa học vừa làm giảm xuống còn 2.191 sinh viên (giảm 318 sinh viên). Đến năm 2023, giảm xuống còn 1.295 sinh viên (giảm 896 sinh viên so với năm 2022, tỷ lệ giảm là 40,78%).
Quy mô đào tạo đại học vừa làm vừa học các năm 2021,2022, 2023. |
Về nội dung trên, đại diện nhà trường cho hay, ngược lại với quy mô đào tạo hình thức chính quy, quy mô đào tạo trình độ đại học hình thức vừa làm vừa học giảm mạnh.
Từ số liệu thống kê đề cập như nêu trên, về cơ bản quy mô đào tạo trình độ đại học của nhà trường từ năm 2021 đến năm 2023 không những không tăng, mà còn có phần còn giảm nhẹ. Theo đó, quy mô đào tạo hình thức chính quy vẫn tăng, nhưng quy mô đào tạo hình thức vừa làm vừa học lại giảm tương đối mạnh.
Đại diện Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, quy mô đào tạo trình độ đại học giảm, một phần là do trong 3 năm qua là do nhà trường vẫn giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học hình thức chính quy là 2.400 chỉ tiêu (trong đó 2.100 chỉ tiêu dành để tuyển sinh đối tượng đã tốt nghiệp trung học phổ thông và 300 chỉ tiêu dành để tuyển sinh đối tượng đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học) và hình thức vừa làm vừa học có 555 chỉ tiêu (được xác định tối đa không vượt quá 30% của 1.850 chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của lĩnh vực pháp luật).
Mặt khác, mặc dù chỉ tiêu đào tạo hình thức vừa làm vừa học mỗi năm được xác định là 555 chỉ tiêu, nhưng từ năm 2021 đến năm 2023 việc tuyển sinh đối với hình thức này đều không đạt được chỉ tiêu như đã đăng ký.
Cụ thể, năm 2021, nhà trường chỉ tuyển được 439 sinh viên (đạt tỷ lệ 79,1% so với chỉ tiêu); năm 2022, chỉ tuyển được 400 sinh viên (đạt tỷ lệ 72,07% so với chỉ tiêu); và đặc biệt năm 2023, chỉ tuyển được 216 sinh viên (đạt tỷ lệ 38,92% so với chỉ tiêu).
"Việc không tuyển đủ chỉ tiêu như đã đăng ký đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quy mô đào tạo trình độ đại học của trường từ năm 2021 đến năm 2023 có phần giảm", đại diện nhà trường thông tin.
Giảng viên nghỉ việc do mức lương thấp để đi làm luật sư, công ty luật
Theo thống kê của nhà trường về số lượng giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường có 2 giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài trong năm 2023 và 1 giảng viên đi học tiến sĩ theo diện Đề án 89 năm 2022.
Năm 2023, nhà trường có 1 giảng viên được cử đi học theo diện Đề án 89. |
Về nội dung trên, đại diện nhà trường cho hay, các tiến sĩ đào tạo ở trong nước hay ở nước ngoài đều được nhà trường hỗ trợ về học phí, thưởng theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Nhà trường với điều kiện có cam kết thời gian làm việc cho trường sau khi đào tạo.
Đối với các giảng viên đi học theo Đề án 89 của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh chế độ tiền lương, thưởng đảm bảo theo quy định của pháp và nhà trường, bên cạnh đó giảng viên đi học theo Đề án 89 đều phải có cam kết thời gian phục vụ cho trường gấp 02 (hai) lần thời gian đi đào tạo và bồi thường theo quy định của pháp luật nếu vi phạm cam kết.
Các chính sách hỗ trợ, thưởng nêu trên nhằm đảm bảo phát triển nhân lực chất lượng cao cho nhà trường, đảm bảo sự phát triển liên tục, kế thừa những thế hệ chuyên gia đầu ngành của nhà trường.
Năm học 2022-2023, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có sự sụt giảm về số giảng viên cơ hữu có trình độ phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Tuy nhiên đến năm học 202302024, nhà trường đã tăng số lượng giảng viên. |
Theo báo cáo ba công khai những năm gần đây, số lượng giảng viên cơ hữu của trường có sự biến động. Theo đó, năm học 2021-2022, nhà trường có 17 phó giáo sư, 55 tiến sĩ, 201 thạc sĩ và 4 trình độ đại học.
Đến năm học 2022-2023, nhà trường có 1 giáo sư, 14 phó giáo sư (giảm 3), 41 tiến sĩ (giảm 14), 154 thạc sĩ (giảm 47) và 4 trình độ đại học.
Năm học 2023-2024, nhà trường có 1 giáo sư, tăng 1 phó giáo sư lên 15, 65 tiến sĩ (tăng 24), 194 thạc sĩ (tăng 40) và 2 trình độ đại học (giảm 2) so với năm học trước.
Cơ cấu giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh của 3 năm học. |
Về nội dung trên, đại diện Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, số lượng giảng viên giảm (tuy nhiên số lượng tiến sĩ tăng – tức là tăng về chất lượng) trong những năm gần đây, xuất phát từ một số lý do.
"Mức thu nhập của giảng viên nhà trường trong thời gian qua có tăng, nhưng không tăng mạnh (do không được tăng học phí trong nhiều năm). Điều này dẫn đến khó thu hút nhân lực có chất lượng cao làm giảng viên tại trường, do có sự cạnh tranh trong thị trường lao động", đại diện nhà trường thông tin.
Đại diện nhà trường cũng cung cấp thông tin cụ thể thêm, thực tế cho thấy, nhiều giảng viên nhà trường xin chấm dứt hợp đồng làm việc, mới có thể làm luật sư, làm việc công ty luật...
Họ chỉ có lựa chọn, hoặc là giảng viên (viên chức) hoặc bỏ viên chức, mới có thể hành nghề luật ở đơn vị khác.
Cạnh tranh nữa là về mức thu nhập giữa trường công và trường tư. Mức thu nhập trường đại học tư hiện nay cao hơn so với các trường đại học công, làm cho việc thu hút nhân sự làm giảng viên rất hạn chế.
Tiêu chuẩn để tuyển dụng giảng viên theo quy định hiện nay của nhà nước có sự thay đổi so với trước đây (tối thiểu trình độ giảng viên là thạc sĩ). Nhà trường cũng có tăng điều kiện về trình độ ngoại ngữ, do đó nguồn tuyển giảng viên cũng hạn chế hơn.
"Định hướng phát triển giảng viên trong thời gian tới của nhà trường là sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng phân hóa tăng thu nhập của giảng viên có học hàm tiến sĩ, học vị phó giáo sư, giáo sư.
Xây dựng chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ giảng viên từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi để tạo nguồn giảng viên.
Khuyến khích giảng viên học tiến sĩ bằng các chính sách hỗ trợ học phí, khen thưởng khi tốt nghiệp...", đại diện nhà trường thông tin.