"Bia ít lạc nhiều"
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh nhiều trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trước ngày bế giảng đã phát thông báo đến phụ huynh yêu cầu đăng ký mua sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học tập… cho năm học mới.
Giá cả bộ sách tại các trường cũng khác nhau, mỗi trường một vẻ, nhưng có một điểm chung, trường nào cũng bán sách theo kiểu “bia kèm lạc” tức bán sách giáo khoa thì ít mà sách tham khảo, sách bài tập, sách bổ trợ thì nhiều.
Bán được càng nhiều sách lãnh đạo nhà trường càng hưởng nhiều hoa hồng. Chính vì vậy mà nhiều trường có những cách làm rất lập lờ, thiếu minh bạch, bán sách theo bộ, không bán lẻ.
Phụ huynh chỉ được chọn mua trọn bộ hoặc không mua. Chính điều này gây khó cho phụ huynh, bởi nếu mua ở ngoài không biết cuốn nào thiếu, cuốn nào thừa. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh phải ngậm đắng chi cả đống tiền mua sách đầu năm cho con.
Trường Yên Viên bán sách không minh bạch, gây bức xúc |
Giá một bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng qua trường đã được “phù phép” thêm rất nhiều sách tham khảo, sách bổ trợ với lý do nhà trường đưa ra cần cho việc dạy và học.
Đáng nói, nhiều phụ huynh cũng phải thốt lên rằng có những cuốn cả năm học sinh không dùng, nếu có dùng cũng chỉ dùng rất ít. Nhưng vì để đổi lấy bình yên, bộ sách bị đẩy giá lên cả chục lần, thậm chí hơn thế nữa.
Nhiều gia đình có vài cháu cùng đi học cũng méo mặt khi phải đăng ký mua sách cho con theo kiểu này, còn lãnh đạo nhà trường vui mừng vì được hưởng lợi từ chiết khấu, từ hoa hồng rất cao từ đơn vị cung cấp.
Đáng nói, cách làm của nhiều trường dù trên danh nghĩa là “tự nguyện” nhưng gần như ép buộc bằng nhiều hình thức như ép chỉ tiêu giáo viên, thông báo kiểu lập lờ…
Điều đó gây bức xúc trong phụ huynh sinh, nhưng không phải ai cũng dám lên tiếng vì sợ con bị trù cũng không muốn phiền phức như tại Trường tiểu học thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Sau thông tin phản ánh tình trạng bán trọn bộ sách giáo khoa giá trên trời tại Trường tiểu học thị trấn Yên Viên, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh về sách giáo khoa của phụ huynh Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội).
Không ít phụ huynh Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ bức xúc trước việc bộ sách của học sinh tính tổng còn cao hơn cả Trường tiểu học thị trấn Yên Viên.
Bộ sách lớp 5 của học sinh mua của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) có giá lên đến 745.000 đồng. Ảnh: Vũ Phương. |
Cụ thể, một phụ huynh có con năm tới lên Lớp 5, Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ thất vọng và bức xúc trước bộ sách Lớp 5 có giá lên đến 745.000 đồng.
Phụ huynh này cho biết: “Lúc chồng tôi và con mang bộ sách về tôi đã khá choáng váng và sốc bởi bộ sách có giá 745.000 đồng.
Nhà trường thông báo mua cả bộ như vậy, ai không mua có thể ra ngoài mua. Trường không bán lẻ, phụ huynh cũng không được lựa chọn mua quyển nào, khoa hông mua quyển nào.
Như thế khác nào ép phụ huynh mua cả bộ. Lẽ ra giáo viên phải tư vấn cho phụ huynh ngoài mua bộ sách giáo khoa cơ bản sẽ mua thêm cuốn sách tham khảo nào.
Nhà trường bán vậy, phụ huynh chỉ biết đăng ký mua mà không dám ý kiến vì sợ con bị trù dập, bị để ý, phụ huynh cũng mang phiền phức vào người.
Nhưng rõ ràng việc nhà trường bán rất nhiều sách đi kèm sách giáo khoa cho học sinh là có vấn đề. Trường vì học sinh hay vì được chiết khấu cao, bán được càng nhiều sách càng hưởng nhiều hoa hồng.
Trong khi đó, thực tế nhiều cuốn sách các con mua từ năm ngoái nhưng cả năm không dùng đến vô cùng lãng phí. Một học sinh mua thì không thấy lãng phí, nhưng cả ngàn phụ huynh mua mới thấy lãng phí biết bao”.
Bộ sách lớp 5 có giá 745.000 đồng gồm sách giáo khoa cơ bản có giá 89.000 đồng còn lại sách vở bài tập, sách tham khảo. Ảnh: NVCC. |
Phụ huynh tự nguyện mua trọn bộ
Tương tự, một phụ huynh khác có con chuẩn bị lên lớp 2 Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ bức xúc cho biết: “Bộ sách lớp 2 nhà trường bán 440.000 đồng bao gồm một bộ sách giáo khoa cơ bản có giá chỉ hơn 50.000 đồng và rất nhiều cuốn vở bài tập, bộ đồ dùng học toán…không cần thiết vẫn được bán cùng.
Biết rằng, việc phụ huynh đăng ký mua hay không nhà trường không ép buộc, nhưng với cách làm như vậy khác nào ép buộc phụ huynh phải mua trọn bộ.
Nhà nào có vài cháu cùng đi học, có lẽ chỉ lo tiền sách đầu năm học phụ huynh đã toát mồ hôi rồi còn đủ các khoản phải đóng khác”.
Làm thế nào để ngăn "hoa hồng" ở trường học? |
Trao đổi với phóng viên, không ít phụ huynh có tâm lý e ngại mua sách ở ngoài vì chỉ sợ lệch so với sách của các bạn mua ở trường. Hơn nữa, cũng có tâm lý ủng hộ cô giáo chủ nhiệm vì lớp nào không hoàn thành chỉ tiêu cô giáo sẽ bị nhắc nhở.
Ngày 30/5, trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Đỗ Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: “Phát hành sách giáo khoa nhà trường thực hiện theo công văn hướng dẫn của Sở về các đầu sách.
Khi về nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng sẽ lựa chọn loại sách tham khảo nào phù hợp với các con. Nhà trường không yêu cầu các con mua”.
Bà Đỗ Thị Kim Liên khẳng định: “Phụ huynh đăng ký mua sách giáo khoa của trường là hoàn toàn tự nguyện. Có thể phụ huynh không mua sách mới có thể vẫn dùng được sách cũ”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đơn vị nào cung cấp sách cho trường, bà Đỗ Thị Kim Liên cho biết: “Các con đăng ký mua sách, trường đăng ký với Phòng Giáo dục và Đào tạo”.