Không nói thì ai cũng biết chức năng quyền hạn của nhà trường, đó chính là nơi dạy chữ, dạy người.
Vậy mà giờ đây vì những khoản lợi nhuận mang tên “hoa hồng” nhiều trường học trong cả nước bỗng biến thành nơi kinh doanh, nơi quảng cáo cho không ít các dịch vụ, biến môi trường giáo dục vốn uy nghiêm trở thành nơi bán buôn, eo xèo của nhiều tiếng thở than, oán trách.
Bảng báo giá và chiết khấu hoa hồng đưa về các trường của Công ty cổ phần sách và thiết bị Bình Thuận (Ảnh tác giả) |
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phản ánh đến bạn đọc những câu chuyện buồn về chuyện bán sách trong nhiều trường học hiện nay ở khá nhiều địa phương.
Giáo viên thành gì khi trường học là nơi bán sách?
Khi trường học thành nơi bán sách thì giáo viên thành gì?
Thành kẻ tuyên truyền, định hướng để phụ huynh đăng ký mua sách.
Thành kẻ nịnh nọt, van nài để phụ huynh mua sách cho đủ chỉ tiêu.
Thành kẻ nói dối trắng trợn “Sách này độc quyền chỉ nhà trường mới có bán.
Nếu phụ huynh không đăng ký mua sách từ bây giờ thì sang năm các em không có sách học, chúng tôi không chịu trách nhiệm”.
Hay “Sách này là sách thật, đảm bảo chất lượng về cả nội dung lẫn hình thức.
Mua sách trôi nổi bên ngoài dễ gặp sách in lậu là tiếp tay cho kẻ làm ăn phạm pháp hoặc con mình không thể học được…”.
Bình Thuận tiếp tục yêu cầu các trường học bán vở “Em luyện viết" |
Thành kẻ đòi nợ khi phụ huynh mua sách thiếu không chịu trả tiền.
Có giáo viên vì tin lời hứa của phụ huynh, vì thương trò chưa có sách học nên bán thiếu và ngày nào cũng phải lên lớp đòi tiền.
Để rồi đòi không được đành ngậm ngùi móc hầu bao gần như trống rỗng của mình để trả.
Thành kẻ vô tâm, vô cảm khi réo gọi tên học sinh có cha mẹ chưa trả tiền để rồi nhiều khi phủ cơn giận lên người những đứa trẻ con vô tội bằng những lời đay nghiến xót xa.
Thành người chịu nhục câm nín khi gặp phải phụ huynh ngay thẳng đã “vã” thẳng vào mặt bằng những câu “Sao sách cô giáo bán đắt thế? Tôi mua sách bên ngoài họ giảm cho 10% cơ mà?”
Làm giáo viên đủ sống rồi, bán sách làm gì để thiên hạ sống với cô giáo ơi!
Hoa hồng bán sách vào túi ai?
Ví như một bộ sách giáo khoa lớp 4 với đầy đủ các môn cũng lên đến gần 500 ngàn đồng.
Mua sách trong trường, phụ huynh phải trả đúng số tiền ấy.
Nhưng nếu mua sách bên ngoài các hiệu sách thì được chiết khấu lại khoảng 10-15%. Số tiền hoa hồng là của phụ huynh.
Thế nhưng mua sách trong trường, phụ huynh không được nhận số tiền hoa hồng trích lại mà phải mua đúng giá bìa.
Vậy số tiền hoa hồng này sẽ vào túi ai?
Bao nhiêu năm tham gia bán sách ở nhà trường, tổng kết mùa bán sách, giáo viên chúng tôi thường được nhận tiền bồi dưỡng là 2 ngàn đồng/bộ sách đã bán cho học sinh.
Một lớp khoảng 30 em, thầy cô sẽ được trích lại khoảng 60 ngàn đồng.
Đã có lần chúng tôi không ký nhận vì không muốn cầm số tiền hoa hồng này nhưng không được.
Bởi, người phát tiền nói “Danh sách đã lập rồi, đây cũng là quy định, chị không nhận tiền em biết để đâu?”
Được biết bảng báo giá bán sách của đơn vị phát hành ghi rõ trích lại hoa hồng từ 10-15% cho bên bán.
Vậy mà các trường học chỉ chi lại cho giáo viên, người trực tiếp tuyên truyền, định hướng và bán sách thu tiền là 2 ngàn đồng/bộ.
Chỉ tính riêng số tiền bán sách của cả trường thì 15% số tiền hoa hồng ấy cũng chẳng hề nhỏ.
Số tiền hoa hồng vào túi ai thì mọi người cũng có thể đoán biết.
Đây cũng chính là câu trả lời cho những thắc mắc của không ít người “Vì sao hiệu trưởng nhà trường không phản đối việc bán sách trong nhà trường mà lại tiếp tay nhiệt tình theo sự chỉ đạo của cấp trên?"