Đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin
Người thầy - chỉ thực sự trở thành người truyền cảm hứng cho học sinh khi là người dẫn dắt, người chia sẻ, người đồng hành.
Đặc biệt khi sự đam mê của “thế hệ Gen Z” là công nghệ thông tin, mạng xã hội, công nghệ của trí tuệ nhân tạo, người thầy không thể nằm ngoài xu hướng mà phải thực sự nắm vững và làm chủ các công nghệ đó.
Giáo viên của Trường Trung học cơ sở Đà Nẵng trong tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố - Phương pháp dạy học này đã được ngành giáo dục Hải Phòng đánh giá cao. (Ảnh: Nhà trường cung cấp) |
Với các nhà trường, chuyển đổi số trong giáo dục không đơn thuần chỉ ở công tác quản lý nhà trường, quản lý hồ sơ mà còn được áp dụng để nâng lên một tầm cao mới đó chính là chuyển đổi số đối với phương tiện, công cụ, phương pháp dạy học.
Đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội, các trường học đang dần tiến tới xây dựng các lớp học thông minh, lớp học không sách, vở, không bút viết, học sinh đến lớp với một máy tính bảng hỗ trợ học tập.
Ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại Trường Trung học cơ sở Đà Nẵng (quận Ngô Quyền, Hải Phòng), một trong những đơn vị luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, công tác dạy và học.
Về cơ sở vật chất, từ năm 2020, nhà trường đã có 12 màn hình tương tác lắp tại các phòng học, chiếm 67% số lớp học được sử dụng.
Tiếp đó, trong quá trình công tác, giảng dạy, nhà trường nhận thấy rằng giáo viên, học sinh rất vất vả trong việc chuẩn bị phương tiện, đồ dùng dạy học hay việc ứng dụng hợp lý các phần mềm để đổi mới phương pháp dạy học.
Chính vì vậy, những năm gần đây nhà trường luôn tập trung tìm tòi các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin để có thể phát huy tối đa thế mạnh cơ sở vật chất của trường, tận dụng nguồn tài nguyên vô tận trên mạng internet.
Từ đó, tiết kiệm tối đa chi phí, công sức chuẩn bị phương tiện, đồ dùng dạy học của giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Biểu đồ tư duy tương tác dạng phòng tranh trên kho học liệu điện tử. (Ảnh: Nhà trường cung cấp) |
Nổi bật trong đó, năm học 2021-2022, giáo viên nhà trường đã có sáng kiến “Tiếp tục phát huy hiệu quả của màn hình tương tác nhờ biến bài giảng powerpoint thành bài giảng tương tác bằng phần mềm Class point. Qua đó, linh hoạt chuyển đổi trạng thái dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến để phát triển năng lực học sinh và nâng cao kết quả thi vào lớp 10 trung học phổ thông môn tiếng Anh".
Sáng kiến này đã tiết kiệm cho giáo viên và học sinh hơn 300 triệu đồng/năm, cùng với đó giáo viên sẽ không phải chỉnh sửa các bài giảng khi chuyển đổi trạng thái dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá.
Xây dựng học liệu số phục vụ công tác dạy và học
Đến năm học 2022-2023, với những yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đồng thời hưởng ứng cuộc thi "Xây dựng thiết bị dạy học số" do Bộ giáo dục và Đào tạo phát động, Trường Trung học cơ sở Đà Nẵng tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy gắn liền với công tác chuyển đổi số, xây dựng nguồn tài nguyên dạy học.
Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu các phần mềm có thể xây dựng thiết bị dạy học số giúp giáo viên có thể dùng để giảng dạy, học sinh có thể sử dụng để học, ôn tập, giáo viên nhà trường đã triển khai biện pháp “Nâng cao chất lượng môn tiếng Anh qua việc hướng dẫn học sinh sáng tạo, sử dụng hiệu quả bản đồ tư duy tương tác thông minh”.
Giáo viên của Trường Trung học cơ sở Đà Nẵng được tặng bằng khen tại hội thi giáo viên giỏi thành phố. (Ảnh: LT) |
Biện pháp này là sự kết hợp khéo léo, đơn giản của phần mềm là vẽ bản đồ tư duy (iMindMap; MindMaple;...) các tranh ảnh có sẵn với trang web thinglink.com để giáo viên và học sinh sáng tạo nên các bản đồ tư duy số tương tác dùng để dạy, học, ôn tập, tự kiểm tra.
Theo cô giáo Trịnh Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đà Nẵng, với biện pháp này các giáo viên tiếng Anh của trường đã phân rõ từng kiểu bản đồ tư duy tương tác dùng để giảng dạy từng kiểu bài đặc trưng bộ môn tiếng Anh.
Từ đó, chất lượng bộ môn Tiếng Anh tại nhà trường được nâng cao rõ rệt, biện pháp này cũng được đánh giá cao tại các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố.
Ví dụ như, khi tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi, trong khi các đồng nghiệp cần phải chuẩn bị bản thuyết trình powerpoint với hàng chục slide, thì giáo viên nhà trường đã thực hiện toàn bộ nội dung bản thuyết trình bằng bản đồ tư duy tương tác với 1 đường link duy nhất chứa đựng đầy đủ các nội dung từ video, hình ảnh… .
Trước hiệu quả của biện pháp sử dụng hiệu quả bản đồ tư duy tương tác thông minh, giáo viên nhà trường tiếp tục mở rộng biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy thành sáng kiến “Xây dựng học liệu số tương tác để nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả các hoạt động giáo dục”.
Biểu đồ tư duy tương tác tổng thể từ vựng trong bài 2, tiếng Anh lớp 6. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Mục tiêu của sáng kiến là xây dựng học liệu số tương tác cho tất cả các môn học đặc biệt đối với khối lớp 6, 7 đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sáng kiến được thực hiện để khắc phục những khó khăn về phương tiện, đồ dùng dạy học còn đang thiếu rất nhiều tại hai khối lớp này. Sáng kiến góp phần giảm tải cho giáo viên và học sinh về công sức thiết kế các đồ dùng dạy học.
Theo quy trình, những dạng bản đồ tư duy tương tác dựa trên khả năng ứng dụng, chức năng của từng bản đồ sẽ được chia nhóm các học liệu số phù hợp.
Trong đó, học liệu số tương tác thành 3 nhóm chính: Tranh ảnh số tương tác kèm theo những chú ý chi tiết; bản đồ tư duy tương tác, các sơ đồ hệ thống kiến thức tương tác; bản đồ trình tự thời gian, địa điểm tương tác.
Sáng kiến này theo đó sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên khổng lồ mà tất cả các giáo viên, cộng đồng đã xây dựng trong nhiều năm nay đó chính là các sơ đồ tư duy, các tranh ảnh đã có trong sách giáo khoa, trên internet.
Cụ thể, sáng kiến đã biến những tranh ảnh, sơ đồ tĩnh thành những tranh ảnh sinh động đi kèm những file media (âm thanh, video) mang tính tương tác cao. Các học liệu số này cũng dễ dàng ứng dụng vào các bài dạy trên lớp thông thường cũng như các bài giảng E-learning
Bởi vậy, không chỉ giáo viên dùng để tạo ra những học liệu số tương tác mà học sinh cũng có thể dễ dàng sáng tạo những học liệu số tương tác góp phần xây dựng được kho học liệu số lớn gấp nhiều lần những dạng học liệu số khác.
Ngoài ra, những học liệu số tương tác này dễ dàng chia sẻ tới cộng đồng bằng cách gửi các đường link. Những học liệu được tạo ra từ sáng kiến này sẽ đón trước việc ứng dụng sách điện tử vào nhà trường, hình thành các hoạt động dạy-học đồng thời thực hiện tốt yêu cầu chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo.