Những ngày đầu năm 2023, giáo viên cả nước đang trong tâm trạng mòn mỏi chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021, đa số giáo viên đồng tình và vui mừng vì sắp được chuyển sang lương mới phù hợp vị trí việc làm.
Giáo viên mong sớm được chuyển xếp lương mới - Ảnh minh họa P.L |
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, sau thời gian dài chờ đợi, Thông tư sửa đổi, bổ sung trên vẫn chưa được ban hành, nhiều giáo viên có bằng đại học trên 10 năm vẫn còn phải hưởng lương trung cấp, vẫn phải hồi hộp chờ đợi, không biết khi nào mới hết thiệt thòi.
Vì sao giáo viên rất mong Thông tư sửa đổi lương mới được ban hành chính thức?
Dưới đây là các nguyên nhân giáo viên rất mong chờ Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Thứ nhất, giáo viên hết hưởng lương từ chùm Thông tư hết hiệu lực
Nếu chưa thể ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung lương theo Thông tư 01-04/2021, tức chưa thể bổ nhiệm, xếp lương mới, tức giáo viên phải hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV đã hết hạn từ ngày 19/3/2021.
Ví dụ, giáo viên tiểu học nếu chưa thể chuyển lương theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT với các hạng III từ 2,34-4,98; hạng II từ 4,0-6,38; hạng I từ 4,4-6,38 thì bắt buộc hưởng lương theo các hạng cũ như hạng IV có hệ số lương 1,86-4,06; hạng III hệ số 2,1-4,89; hạng II hệ số 2,34-4,98 của Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.
Tức, họ phải chịu hưởng lương theo Thông tư đã hết hiệu lực, không còn giá trị pháp lý.
Thứ hai, giáo viên hưởng lương cũ thiệt thòi khi bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý
Như vậy, không được chuyển lương, giáo viên sẽ bị thiệt thòi lớn nhưng quan trọng hơn là việc hưởng lương từ Thông tư đã không còn hiệu lực lại rắc rối về pháp lý khi thực hiện các hồ sơ liên quan đến viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý,…
Một số trường hợp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ đại học, đạt nhiều thành tích, đạt tiêu chuẩn lãnh đạo nhưng do chưa được chuyển xếp lương mới, hưởng lương hạng IV, III cũ (lương trung cấp, cao đẳng) nên không được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng do vướng tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp, rất thiệt thòi cho họ.
Một số trường hợp đề nghị chuyển công tác về cấp Phòng/Sở hoặc chuyển ngạch từ viên chức sang công chức không thực hiện được do vướng hạng chức danh nghề nghiệp khi chưa bổ nhiệm, xếp lương ở hạng mới.
Rõ ràng, quá nhiều phiền toái, bất cập , thiệt thòi khi chưa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021, nhất là giáo viên có bằng đại học hưởng lương trung cấp, cao đẳng hơn 10 năm qua.
Theo người viết, tìm hiểu, trong các đơn vị sự nghiệp công lập và hành chính chỉ có ngành giáo dục mới có việc người có bằng đại học hơn 10 năm vẫn còn hưởng lương trung cấp, đây là một sự thiệt thòi rất lớn của giáo viên và cho thấy vẫn còn khoảng hở trong việc thực thi chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ ba, giáo viên hưởng lương theo 2 chùm Thông tư khác nhau
Bên cạnh đó, giáo viên đang công tác thì hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015 đã hết hạn nhưng giáo viên mới nhận công tác sau ngày 20/3/2021 thì lại hưởng lương theo chùm Thông tư mới dẫn đến cùng là giáo viên nhưng kế toán phải làm lương theo 2 Thông tư, mã số lương khác nhau.
Khi chưa chuyển xếp lương thì Hiệu trưởng và hầu hết giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/2015, giáo viên nhận công tác từ ngày 20/3/2021 hưởng lương theo chùm Thông tư 01-04/2021, rắc rối về nâng lương, tập sự,…
Thứ tư, giáo viên đạt tiêu chuẩn hạng I, II mới đạt tiêu chuẩn mòn mỏi chờ đợi bổ nhiệm
Những giáo viên đạt các tiêu chuẩn hạng I, II mới của chùm Thông tư 01-04/2021, đáng lý được chuyển xếp hạng I, II mới từ 20/3/2021 nhưng đến nay hơn 2 năm vẫn phải chờ đợi, vẫn hưởng lương cũ.
Nhiều người trong số họ là giáo viên giỏi cấp tỉnh, nhà giáo ưu tú, thừa tiêu chuẩn, thành tích nhưng vẫn ngậm ngùi hưởng lương hạng I, II cũ và không biết khi nào mới được chuyển xếp lương mới, họ cũng thiệt thòi.
Thứ năm, có những giáo viên “tàng tàng” hưởng lương hạng II, I
Bên cạnh nhiều trường hợp giáo viên hạng I, II đủ tiêu chuẩn không được bổ nhiệm, xếp lương hạng I, II mới, mòn mỏi chờ đợi thì vẫn còn lực lượng giáo viên làm việc “tàng tàng”, không có thành tích, cống hiến, vi phạm nhiều, thậm chí bị kỷ luật vẫn đang hưởng lương hạng I, II cũ và đang chờ để được “nhảy” qua hạng I, II mới.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT quy định giáo viên chỉ cần đảm bảo thời gian giữ hạng là 9 năm và có trình độ đại học là được chuyển từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới chính là những bất cập, không quan tâm gì đến vị trí việc làm, hiệu quả công việc, thời gian làm việc, khiến nhiều người bất mãn, bức xúc.
Năm 2023, giáo viên không chỉ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng ban hành Thông tư sửa đổi để giáo viên không phải hưởng bất cập, không hưởng lương từ Thông tư hết hạn mà còn mong được trả lương công bằng, hợp lý tránh việc lương “hên, xui”, bất cập, bất công trong giai đoạn vừa qua.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 hướng dẫn xếp lương như thế nào?
Chùm Thông tư 01 - 04/2021 mới và Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 quy định việc chuyển xếp hạng từ hạng cũ sang hạng mới nếu đạt thời gian giữ hạng và trình độ đào tạo như sau:
Đối với giáo viên mầm non: Giáo viên mầm non hạng IV cũ (hệ số lương 1,86 – 4,06) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,1 đến 4,89); hạng III cũ (hệ số lương 2,1 đến 4,89) được bổ nhiệm vào hạng III mới (hệ số lương 2,1 đến 4,89); hạng II cũ (hệ số lương 2,34 đến 4,98) được bổ nhiệm vào hạng II mới (hệ số lương 2,34 đến 4,98).
Đối với giáo viên tiểu học: Giáo viên tiểu học hạng IV cũ (hệ số lương 1,86 – 4,06) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98); hạng III cũ (hệ số lương 2,1 – 4,89) được bổ nhiệm vào hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98); hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (có hệ số lương 4,0 – 6,38).
Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ (hệ số lương 2,1 đến 4,98) được bổ nhiệm vào hạng III mới (hệ số lương 2,34 – 4,98); hạng II cũ (hệ số lương 2,34 – 4,98) được bổ nhiệm vào hạng II mới (hệ số lương 4,0 - 6,38); hạng I cũ (hệ số lương 4,0 - 6,38) được bổ nhiệm vào hạng I (hệ số lương 4,4 – 6,78).
Đối với giáo viên trung học phổ thông: Xếp lương có hệ số lương, hạng tương đương với Thông tư 23/2015/TT-BGDĐT, giống với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 về cơ bản chưa giải quyết được vấn đề công bằng trong trả lương, giáo viên làm tốt công việc, hiệu quả, có uy tín, có chức vụ thì ở hạng cao hơn, khi làm việc hiệu quả thấp, chưa đủ uy tín, tín nhiệm thì phải ở hạng thấp hơn để phấn đấu được lên hạng cao hơn.
Người viết cho rằng nếu chỉ quy định giáo viên hạng II cũ chỉ cần đảm bảo thời gian giữ hạng và trình độ đào tạo mà bỏ qua những tiêu chuẩn của chùm Thông tư 01-04/2021 thì việc bổ nhiệm này có phần “dễ dãi”.
Ví dụ, giáo viên tiểu học đang hưởng lương hạng II cũ theo Thông tư 21/2015 công tác 10 năm có hệ số lương 3,33, không cần biết giữ nhiệm vụ, công tác tốt hay không, có thành tích gì sẽ được bổ nhiệm hạng II mới có hệ số lương 4,0. Điều này sẽ gây nhiều bức xúc cho giáo viên đang công tác.
Giáo viên mong được xếp lương mới, công bằng
Giáo viên rất nóng lòng chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đi kèm với việc xếp lương khoa học, công bằng, theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, giáo viên giỏi, công tác tốt, hiệu quả cao phải xếp lương ở hạng cao hơn.
Người viết xin được có một số kiến nghị khi Bộ Giáo dục và Đào tạo một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, giữ lại tiêu chuẩn khi được bổ nhiệm hạng mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo giáo viên chỉ cần đảm bảo thời gian giữ hạng và trình độ sẽ được bổ nhiệm hạng mới, không căn cứ tiêu chuẩn khác, người viết cho rằng như vậy là không phù hợp, giáo viên phải đảm bảo tiêu chuẩn ở hạng cao (làm việc hiệu quả hơn, cống hiến nhiều hơn) mới được bổ nhiệm và xếp lương ở hạng cao.
Người viết, kiến nghị khi bổ nhiệm hạng mới phải giữ lại tiêu chuẩn các hạng nhưng không quá cứng nhắc, giáo viên đảm bảo các tiêu chuẩn và các tiêu chuẩn quy đổi thì được bổ nhiệm hạng mới tương ứng.
Không nên bỏ tiêu chuẩn khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới vì như vậy là bổ nhiệm “cào bằng”, “dễ dãi”.
Thứ hai, giáo viên đủ tiêu chuẩn hạng nào bổ nhiệm hạng đó
Thông tư 01-04 đã ban hành cụ thể tiêu chuẩn ở các hạng thì việc giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn ở hạng nào thì phải được bổ nhiệm ở hạng đó, không thể có việc chỉ căn cứ vào hạng cũ bổ nhiệm hạng mới như chùm Thông tư 01-04 và tại dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 giáo viên đủ thời gian giữ hạng thì được bổ nhiệm hạng I, II mới.
Người viết xin kiến nghị sửa đổi theo hướng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn ở hạng nào thì được bổ nhiệm ở hạng đó.
Như vậy, giáo viên giỏi, tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo tiêu chuẩn ở hạng nào thì bổ nhiệm ở hạng đó mà không có việc một giáo viên không có gì tiêu biểu, không cố gắng,…mà vẫn ở hạng II, I như hiện nay.
Do đó, giáo viên ở hạng III, IV giỏi, công tác tốt, có nhiều phấn đấu nếu đảm bảo các tiêu chuẩn ở hạng II, I vẫn có thể được bổ nhiệm ở hạng mới đó.
Chia hạng phải đúng ý nghĩa, giáo viên giỏi, nhiều thành tích, cống hiến nhiều hưởng lương ở hạng cao, lương cao hơn..
Thứ ba, 100% giáo viên phải được chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 01-04
Hiện nay tại chùm Thông tư 01-04 và dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 đều quy định chỉ chuyển xếp lương, bổ nhiệm những giáo viên đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 (có trình độ cao đẳng trở lên đối với giáo viên mầm non, có trình độ đại học trở lên đối với giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông).
Còn những giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục trước đây nhưng không đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới sẽ không được chuyển xếp lương mới, mà chỉ hưởng lương theo Thông tư cũ, Thông tư đã hết hiệu lực.
Do đó, hiện nay những giáo viên này vô cùng thiệt thòi dù vẫn còn trong lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP.
Người viết kiến nghị Bộ Giáo dục xem xét đối tượng này, trong đó nhiều người cả đời cống hiến, nhiều thành tích, sắp về hưu,…nhưng lại chuyển xếp lương họ không đạt chuẩn là không phù hợp, khiến nhiều người tâm tư.
Hàng triệu giáo viên đang rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04 để 100% giáo viên được hưởng lương theo đúng vị trí việc làm, hiệu quả công việc, tiến tới trả lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.