Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo đó, từ ngày 14/02/2025 chỉ có 3 đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.[1]
Thực tế hiện nay, nhiều trường học không có kinh phí để chi trả cho giáo viên nếu tổ chức dạy thêm, học thêm cho đối tượng học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Vậy nguồn kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường học sẽ lấy từ đâu?
![Ảnh minh họa: Doãn Nhàn 3 (1).png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/juznus/2025_02_10/3-1-4757-3774.png)
Hiện nay, phần lớn các trường học đang và đã tổ chức dạy thêm, học thêm cho đối tượng học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, kinh phí lấy từ nguồn ngân sách cấp cho hoạt động chuyên môn của nhà trường.
Với các địa phương có nguồn kinh phí cấp cho hoạt động chuyên môn nhiều thì kinh phí để tổ chức dạy thêm, học thêm cho đối tượng học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường thì các trường sẽ dễ cân đối hơn.
Ví dụ như cuối năm giáo viên thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu … có thu nhập tăng thêm vài chục triệu đồng từ tiền tiết kiệm chi chuyên môn. Nếu chuyển kinh phí này chuyển sang chi cho tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường học cho các đối tượng được dạy thêm ở trên cũng là hợp tình hợp lý.
Ngoài ngân sách, trong trường học hiện nay có nguồn kinh phí từ thu học phí, nhưng đã được khấu trừ trong dự toán ngân sách cấp hàng năm. Ví dụ, trường A. dự toán được cấp 100 triệu/năm, thu học phí dự toán đạt 1 triệu/năm, thì ngân sách chỉ cấp 99 triệu/năm.
![Ảnh minh họa gdvn-day-them-5068.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/qdhnw1965/2025_01_04/gdvn-day-them-5068-3275-7644.png)
Vấn đề đặt ra là với trường học nguồn ngân sách chi cho hoạt động chuyên môn còn khiêm tốn. Thầy cô ở trường này thường không có tiền thu nhập tăng thêm cuối năm nếu không được cấp kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm thì sẽ lấy tiền đâu để tổ chức dạy thêm trong trường học. Nhà trường có thể vận động tài trợ được không?
Để vận động tài trợ cho trường học, nhà trường phải thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Khoản 2 Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ghi rõ:
2. Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.[2]
Với dẫn chiếu quy định ở trên, nhà trường không thể vận động tài trợ để tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường học.
Từ thực tế trên, để trường học được vận động tài trợ từ các mạnh thường quân hỗ trợ tài chính cho hoạt động dạy thêm thì cần sửa đổi Thông tư 16 cho phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-29-2024-TT-BGDDT-quy-dinh-day-them-hoc-them-622469.aspx
[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-16-2018-TT-BGDDT-quy-dinh-ve-tai-tro-cho-co-so-giao-duc-thuoc-he-thong-giao-duc-quoc-dan-393562.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.