Hàng loạt khoản thu chồng chéo
Theo phản ánh của các phụ huynh có con theo học tại Trường mầm non xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, thì trường này có hàng loạt khoản thu bất hợp lý, chồng chéo và thiếu minh bạch.
Theo đó, đối với các khoản thu theo hình thức tự nguyện (mua sắm trang thiết bị cho các trường học) phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc, không ép buộc, không bình quân hóa mức đóng góp… Tuy nhiên, lãnh đạo các Trường Mầm non Hợp Thành này vẫn phớt lờ đưa ra định mức cụ thể cho các phụ huynh học sinh “nấp bóng” dưới danh nghĩa các cuộc họp phụ huynh.
Nhiều phụ huynh cho rằng, trường Mầm non Hợp Thành đã đưa ra nhiều khoản thu bấp hợp lý, chồng chéo và bắt buộc |
Điển hình Ban giám hiệu Trường mầm non Hợp Thành đưa ra định mức cụ thể cho khoản thu tiền xã hội hóa tự nguyện. Theo đó mỗi phụ huynh phải đóng ít nhất 300.000 đồng/trẻ và có thể hơn.
Theo các phụ huynh thì mức thu tiền xã hội hóa 300.000 đồng/ trẻ tại một vùng thuần nông như xã Hợp Thành là quá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân. Khoản thu xã hội hóa dùng để đầu tư vào mục đích phục vụ giảng dạy, học tập nhưng phụ huynh lại không được biết nhà trường đã đầu tư vào những khoản gì?
“Nói là tự nguyện nhưng chúng tôi bị ép buộc, không đóng không được chú ạ! Ở vùng nông thôn chúng tôi hầu như thu nhập đều nhìn vào đồng ruộng thì mức thu đó là cao quá. Thu xong khi trường mua sắm cái gì từ khoản thu đó chúng tôi cũng không được biết và không được kiểm tra”, một phụ huynh có con học lớp 3 tuổi tại đây bức xúc cho biết.
Việc mua đồ dùng, học liệu học tập cho các cháu theo đúng quy định các phụ huynh cũng phải đóng trên tinh thần “tự nguyện nhưng bị ép buộc”. Bởi theo quy định các dụng cụ này phụ huynh có thể mua cho con mình tại các cửa hàng bán đồ dùng học tập.
Theo đó, mỗi cháu phải đóng 127.900 đồng/năm để mua đồ dùng và học liệu học tập. Nhiều phụ huynh cho rằng trong các khoản này có nhiều khoản mua trang thiết bị cho trẻ bất hợp lý. Bởi đơn giản các cháu nhỏ lớp 3 tuổi, 4 tuổi còn quá nhỏ không nên để các cháu dùng dao, kéo nhưng nhà trường vẫn liệt kê mỗi cháu phải đóng tiền mua 1 cây kéo để học với giá 3.500 đồng/cây.
Các khoản thu tại trường Mầm non Hợp Thành có nhiều khoản chồng chéo lên nhau |
Các phụ huynh lo ngại tiền sau khi đóng con họ có được sử dụng mua đầy đủ trang thiết bị như khoản tiền họ đã bỏ ra hay không? Hay nhà trường sẽ chỉ mua một số lượng ít rồi cho các cháu học chung. Bởi họ muốn kiểm tra con mình có được mua đầy đủ đồ dùng hay không thì nhà trường lại không “tạo điều kiện”.
Ngoài ra, trong khoản thu về ăn, ở bán trú của học sinh, nhiều phụ huynh phản ánh nhà trường đã thu quá nhiều khoản đóng góp chồng chéo lên nhau. Điển hình mỗi học sinh đã phải đóng 14.000 đồng tiền ăn/trẻ/ngày nhưng mỗi cháu lại phải đóng thêm mỗi tháng 25.000 đồng tiền chi trả thuê giáo viên hợp đồng nấu ăn. Bên cạnh đó mỗi học sinh đã phải đóng 64.000 đồng/trẻ/năm tiền mua đồ dùng ăn bán trú nhưng mỗi học sinh tiếp tục phải đóng thêm tiền mua cốc, bát, thìa 30.000 đồng/trẻ/ năm. Mỗi tháng mỗi học sinh phải đóng 6.000 đồng/trẻ tiền phục vụ cá nhân trẻ nhưng Trường mầm non Hợp Thành lại tiếp tục có thêm mục thu các khoản khăn mặt 5.500 đồng/trẻ/năm; tiền gối 20.000 đồng/năm/trẻ; tiền dép tùy theo độ tuổi trẻ.
Các dụng cụ, học liệu cho các em học tập theo quy định phụ huynh có thể tự mua nhưng tại Trường Mầm non Hợp Thành các phụ huynh đều phải mua của trường theo tinh thần "tự nguyện nhưng ép buộc" |
Theo quy định các trường học tuyệt đối không được thu các khoản kinh phí để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí như: Phí công tác dạy, học, điện sáng, nước sinh hoạt … nhưng Trường Mầm non xã Hợp Thành vẫn thu mỗi em 5.000 đồng/tháng/trẻ tiền điện sáng và nước sạch. Ngoài ra trường này còn thu của mỗi em 8.000 đồng tiền giấy vệ sinh/trẻ/năm; tiền xà phòng 4.000 đồng/trẻ/năm; tiền các loại thuốc và dụng cụ y tế 3.000 đồng/trẻ/năm; tiền chiếu 15.000 đồng/trẻ/năm; tiền chăn 30.000 đồng trẻ/năm; tiền phản 30.000/trẻ/năm với trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi.
Muốn làm việc phải có giấy giới thiệu của Phòng giáo dục huyện
Do thấy quá nhiều khoản đóng góp bất hợp lý và bị ép buộc vô lý nên nhiều phụ huynh đã phản đối không đóng số tiền xã hội hóa giáo dục. Để làm rõ sự việc trên phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã vào làm việc với bà Hoàng Thị Mơ – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hợp Thành. Sau khi được phóng viên trình đầy đủ các giấy tờ làm việc theo yêu cầu bà Mơ lại trở mặt: “Anh có giấy giới thiệu của trưởng Phòng Giáo dục huyện không? Nếu không có tôi không làm việc vì quy định của phòng phải có giấy giới thiệu của phòng xuống mới làm việc”. Sau đó bà Mơ viện lý do bận đi họp và thoái thác trả lời vấn đề của các phụ huynh đã phản ánh.
Theo bà Hoàng Thị Mơ - Hiệu trưởng trường Mầm non Hợp Thành phóng viên muốn làm việc phải có giấy giới thiệu của phòng giáo dục vì đó là quy định của ngành giáo dục huyện này? |
Qua trao đổi với phóng viên ông Trần Văn Thành- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cho biết: “Phòng không ra quy định phóng viên báo chí muốn làm việc với các trường phải có giấy giới thiệu của phòng. Phóng viên cứ trình đầy đủ các giấy tờ làm việc theo đúng quy định thì cứ làm việc bình thường với lãnh đạo các trường”.
Về vấn đề này ông Nguyễn Trọng Hoàn – Phó chánh văn phòng sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Các khoản thu hàng năm Sở đã gửi về cho các phòng, các trường thực hiện theo đúng các quy định. Còn về vấn đề làm việc với phóng viên Sở không quy định muốn làm việc với các trường phải có giấy giới thiệu của cấp trên. Nhưng tại các Phòng giáo dục có quy định hay không thì chúng tôi không rõ”.
Như vậy, trong khi Trường Mầm non xã Hợp Thành có hàng loạt thu chi mập mờ và có dấu hiệu lạm thu. Nhưng lãnh đạo trường này vẫn gây khó dễ cho phóng viên xác minh thông tin thì việc phụ huynh phản ánh nhà trường gây khó dễ để họ kiểm tra các trang thiết bị học tập, ăn uống cho con mình là có cơ sở.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến sự việc này