Một buổi sáng, hiệu trưởng vui mừng thông báo “Trường mình được cấp trên ưu ái vì sang năm giữ chuẩn quốc gia, nên năm nay sẽ có 12 thầy cô dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện”.
Sau nụ cười vui mừng là những âu lo hiện rõ trên khuôn mặt hiệu trưởng.
Cô nói tiếp, “Cả trường sẽ vất vả vì số lượng thầy cô giáo đi dự thi lần này quá đông. Nhưng là thành tích chung của toàn trường, mong các thầy cô cùng chung tay, san sẻ công việc với nhau”.
Giáo viên đi thi dạy giỏi học sinh mất mát quá nhiều (Ảnh minh họa VOV) |
Ngừng lát, cô nói với giọng đầy tự hào "Không phải trường nào muốn cử số lượng đi thi bao nhiêu cũng được. Trường mình là được ưu tiên nhất đấy, đừng bỏ mất cơ hội".
Nói rồi, hiệu trưởng phân công trách nhiệm cho tổ trưởng, cho mấy thầy cô đang bảo lưu danh hiệu dạy giỏi hỗ trợ, giúp đỡ những giáo viên năm nay “đem chuông đi đánh xứ người”.
Cả trường nháo nhào chuẩn bị
Một trường có 30 lớp học và hơn 50 giáo viên.
Trong đó, có gần chục thầy cô lớn tuổi gần về hưu, 5 giáo sinh mới ra trường, 2 giáo viên mới dạy vài năm và 5 giáo viên đang bảo lưu danh hiệu là không thuộc diện chọn đi thi.
Còn lại gần 30 người để chọn ra 12 người đi thi cũng chẳng hề đơn giản.
Việc chọn nhân tố đi thi cũng nhiều chuyện đáng nói.
Có thầy cô nhất định không chịu tham gia ( toàn là những giáo viên vững tay nghề, có tên tuổi).
Lại có thầy cô muốn đi thi nhưng “vẫn còn non lắm”.
Thế là người phải động viên, thuyết phục, người phải dặn dò, bổ túc kịp thời những kiến thức, kĩ năng cần thiết.
Tâm lý của giáo viên dự thi cũng khá căng thẳng. Bởi, chính thầy cô không chỉ mang thành tích về cho riêng mình mà mang trên vai gánh nặng, trách nhiệm của cả trường.
Có giáo viên nói “Thấy mọi người trong trường nhiệt tình giúp đỡ, thi không đậu thật là phụ công. Thế nên, phải cố gắng bằng mọi giá ”.
Nhà trường phân thành 2 đội, một đội chuyên hỗ trợ tiết dạy (dạy dùm trên lớp) cho giáo viên đi thi.
Một đội sẽ đi dự giờ, góp ý giáo án, xây dựng cách tổ chức tiết dạy sao cho hiệu quả.
Ngày đầu 12 giáo viên đều đi dự lễ khai mạc hội thi, 12 lớp cần giáo viên dạy thế.
Vậy là cứ nháo nhác cả lên. Ban giám hiệu phải phân giáo viên này, cắt cử giáo viên kia dạy thay.
Giáo viên trống tiết nào đều huy động vào dạy thay. Do nhiều giáo viên đi thi nên có lớp chẳng thể tìm ra thầy cô nào trống tiết để hỗ trợ.
Cũng có giáo viên được phân công nhưng quên dạy. Chuyện học sinh ngồi chơi cả tiết cũng là chuyện bình thường.
Rồi đi bốc thăm ngày dạy, tiết dạy, ngày làm quen lớp...nhiều khi không đủ người dạy nên giải pháp tình thế là giáo viên vào dạy luôn 2 lớp.
Cứ ra bài tập cho lớp này ngồi làm lại chạy qua lớp khác giảng bài...cô thầy cứ như con thoi để học trò đỡ mất bài học.
Học sinh mất quá nhiều
Hiệu trưởng luôn nhắc câu “Phòng giáo dục nhắc nhở không được dạy thử”.
Nói thế nhưng chúng tôi vẫn thấy Ban giám hiệu nhỏ to với các tổ trưởng và giáo viên giỏi trong trường xây dựng giáo án, dự giờ, góp ý những thầy cô sắp đi thi.
Ngày thầy cô đi bốc thăm về, khi đã có bài dạy, những thầy cô giáo cốt cán, thầy cô có chuyên môn giỏi bắt đầu được sắp lịch dự giờ từng giáo viên.
Do còn e ngại chỉ đạo của trên nên chuyện dự giờ dạy thử không công bố rộng rãi trên hội đồng.
Những mệnh lệnh không có văn bản vẫn được truyền vào tai nhau và làm lặng lẽ. Thế là, chuyện bỏ lớp đi dự giờ vẫn cứ xảy ra triền miên.
Giáo viên đi dự giờ bỏ lớp, giáo viên dạy thi cũng bỏ lớp. Học sinh thì vui mừng vì được tự do chơi mà không phải học.
Ngày giáo viên đi thi, ngoài cắt cử người đưa đi “Để động viên an ủi về tinh thần”.
Giáo viên ở nhà tiếp tục gồng mình dạy thay cho đồng nghiệp. Vẫn cái cảnh bỏ lớp vì không đủ người dạy thế xảy ra.
Thi 2 môn, đi bốc thăm 2 lần, một buổi làm quen lớp, rồi dự lễ tổng kết đánh giá hội thi…giáo viên vẫn thường xuyên vắng mặt.
Có tiết trò được học, có tiết lại tự học…và cứ thế nhùng nhằng, dai dẳng đến khi cuộc thi thật sự chấm dứt.
Nhiều giáo viên nói “Thương học trò những lớp có giáo viên đi thi".
Nói thế chẳng phải là không có lý. Vì trước đó cả tháng, thầy cô lo chuẩn bị sáng kiến kinh nghiệm, kiến thức cho vòng thi năng lực. Sau đó, chuẩn bị 2 tiết dạy.
Thời gian gần thi lại căng thẳng, lo nghĩ cho bài dạy thi cũng chẳng còn tâm trí đâu mà giảng dạy, mà chăm lo cho học trò.
Thi xong rồi, có người còn lâng lâng với cảm giác vui mừng, mãn nguyện vì đã trút được gánh nặng.
Có người lại buồn rầu, thấp thỏm vì “không biết có đậu không?” cũng chẳng thể ổn định để dạy dỗ.
Thế nên không ít người ngao ngán nói rằng, thầy cô đi thi dạy giỏi, giáo viên trong trường mệt bở hơi tai. Còn học sinh lại bị mất mát quá nhiều. Nghe cũng thật vô lý nhưng đó chính là sự thật.