TS người Việt chia sẻ bí kíp làm việc hiệu quả ở công ty công nghệ lớn tại Nhật

06/07/2024 06:44
Diệu Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Từng theo học ngành Điện tử - Viễn thông (Trường ĐH Điện lực), TS. Vũ Văn Khoa hiện là nhà nghiên cứu và phát triển tại Công ty Công nghệ hàng đầu Nhật Bản.

Tiến sĩ Vũ Văn Khoa từng là sinh viên khóa D2, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực. Đây là khóa thứ 2 kể từ khi Trường Đại học Điện lực được thành lập dựa trên cơ sở Trường Cao đẳng Điện lực; đồng thời cũng là khóa sinh sinh viên đầu tiên của Khoa Điện tử - Viễn thông.

Hiện, Tiến sĩ Vũ Văn Khoa đang là Kỹ sư ở bộ phận nghiên cứu và phát triển tại Công ty Espec Nhật Bản - nhà sản xuất buồng thử nghiệm môi trường hàng đầu thế giới. Công ty có chi nhánh ở nhiều quốc gia khác nhau trên toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, New Zealand, Hàn Quốc và châu Âu.

Coi ngành học theo đuổi là niềm vui, trải nghiệm độc đáo

Chia sẻ về những “bước chân chập chững” đầu tiên đến với ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông của Trường Đại học Điện lực, anh Vũ Văn Khoa cho biết, anh cảm thấy may mắn vì có nền tảng gia đình, bố mẹ đều làm trong ngành kỹ thuật. Chính vì thế, anh có cơ hội được gặp gỡ với nhiều bạn bè, đồng nghiệp của bố mẹ làm trong ngành Điện tử - Viễn thông, được nghe những câu chuyện làm nghề và định hướng đam mê ngay từ khi còn nhỏ.

“Bên cạnh đó, tôi cũng có cơ hội được tiếp xúc với máy tính từ sớm (nhưng việc tiếp xúc với mạng Internet lúc đó chưa phổ biến), nên tôi thường tự mày mò, tháo lắp máy tính và tìm hiểu về mạng.

Đối với tôi, việc lựa chọn theo đuổi ngành Điện tử - Viễn thông là một điều rất tự nhiên và không mất nhiều thời gian phải cân nhắc lựa chọn”, anh Vũ Văn Khoa chia sẻ.

b0a8a305b40916574f18.jpg
Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Trường Đại học Điện lực, anh Khoa có cơ hội học cao học tại Đại học Ritsumekan – một ngôi trường có truyền thống lâu đời và xếp hạng hàng đầu tại đất nước Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ sâu hơn về ngành kỹ thuật này, Tiến sĩ Khoa cho biết, Điện tử - Viễn thông không phải là một ngành dễ, nhưng lại có đóng góp trực tiếp cho xã hội hiện đại thông qua các sản phẩm và dịch vụ số. Vì thế, bên cạnh việc nắm vững kiến thức từ ngành học, việc thường xuyên cập nhật kiến thức từ các nguồn tài liệu, tin tức và tự thực hành là điều cần thiết.

Đối với anh Khoa – một người học và làm trong ngành, việc nghiên cứu, hiểu biết các kỹ thuật mới, có đóng góp vào sự phát triển các sản phẩm dịch vụ cũng là một niềm vui và là trải nghiệm độc đáo.

Không chỉ có đam mê với ngành học từ rất sớm, khi còn là sinh viên, anh Vũ Văn Khoa cũng rất tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến nghiên cứu khoa học, cuộc thi Robocon, sinh viên tình nguyện,…

Nhớ lại về quãng thời gian này, anh Khoa cho biết, khi còn là sinh viên năm thứ 2 đại học, anh và các bạn cùng khóa đã thành lập một nhóm nghiên cứu robot để tham dự cuộc thi Robocon.

“Suốt mấy tháng, tôi dành hầu hết thời gian ở một góc hành lang trong trường, học cách sử dụng các máy móc cơ khí, thiết kế, lắp ráp mạch điện tử và lập trình. Khi ấy, nhận được sự hướng dẫn của một anh lớn trong đội, tôi đã hiểu mọi thứ rất nhanh và cứ nghĩ mọi thứ sẽ tiến triển thuận lợi. Nhưng chỉ khi bắt tay vào làm, tôi mới thấy được việc tạo ra một sản phẩm thực sự không hề dễ dàng.

Một tuần trước ngày thi vòng loại, mọi người trong đội dành cả thời gian ăn ngủ ở trường để hoàn thành robot và chạy thử. Đến ngày thi, trong khi các đội khác dùng ô tô, thuê xe lam chở robot đến sân thi đấu thì đội của tôi chỉ có ba chiếc xe máy.

Tuy chỉ xếp thứ hai vòng bảng nhưng đây cũng là một trải nghiệm đặc biệt, giúp tôi được tiếp cận mạch điện tử và tự mình tìm hiểu quá trình phát triển một sản phẩm cơ điện tử từ rất sớm; bước đầu giúp tôi tự tin với những kỹ năng thực tế mà mình học được”, anh Vũ Văn Khoa kể lại.

Vươn ra biển lớn để chắp cánh đam mê

Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Trường Đại học Điện lực, anh Khoa có cơ hội học cao học tại Đại học Ritsumekan – một ngôi trường có truyền thống lâu đời và xếp hạng hàng đầu tại đất nước Nhật Bản. Hướng nghiên cứu chính của anh Khoa khi học nâng cao là nghiên cứu về mạng cảm biến không dây trong giám sát, tái tạo các điều kiện môi trường như nhiệt độ, nắng, mưa, gió, áp suất.

Mạng này có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và thường được biết đến như một phần của mạng IoT (Internet of Things – nghĩa là Internet vạn vật, là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm và các công nghệ khác, cho phép các đồ vật và thiết bị thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau). Tính ứng dụng, sự thiết thực của mạng cảm biến không dây cũng là một trong những lý do để anh Khoa theo đuổi nghiên cứu này.

Với hướng nghiên cứu chuyên sâu, việc xác định được hướng đi của đề tài là điều không dễ. Chia sẻ thêm về những khó khăn bước đầu khi quyết định học nâng cao này, Tiến sĩ Khoa cho biết:

“Bản thân tôi cũng đã có một khoảng thời gian dài bị mắc kẹt, không có tiến triển trong nghiên cứu do đi không đúng hướng. Để giảm tải căng thẳng và áp lực, tôi cũng thử tìm tòi, học thêm một số khóa học bên ngoài. Thật may là điều này vừa giúp tôi vơi đi mệt mỏi, vừa biết thêm một số kiến thức, kỹ năng hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu, làm việc của mình”.

Trong quá trình học lên cao học và làm nghiên cứu sinh, anh Khoa còn được các giáo sư người Nhật Bản hỗ trợ và xuất bản nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế, các hội nghị trong và ngoài Nhật Bản.

Ngoài các công việc thuộc chuyên ngành Điện tử - Viễn thông, anh Khoa còn tham gia và tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm ở mảng thiết kế cơ khí, thử nghiệm và phân tích chức năng sản phẩm, phát triển phần mềm hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Năm 2021, anh Khoa chính thức đạt học vị Tiến sĩ tại Đại học Ritsumekan với chuyên ngành Điện, Điện tử và Hệ thống máy tính.

19a02e02390e9b50c21f.jpg
Tiến sĩ Vũ Văn Khoa đang là Kỹ sư ở bộ phận nghiên cứu và phát triển tại Công ty Espec Nhật Bản - nhà sản xuất buồng thử nghiệm môi trường hàng đầu thế giới. Ảnh: NVCC.

Hiện nay, anh Vũ Văn Khoa là kỹ sư ở bộ phận nghiên cứu và phát triển tại Công ty Espec Nhật Bản (đã làm việc được hơn 3 năm). Đây là công ty có uy tín trên thế giới, có thị phần lớn ở Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh máy tái tạo điều kiện môi trường và cung cấp các dịch vụ đi kèm.

Nhờ vậy, vị tiến sĩ này được làm việc phù hợp với chuyên môn và khả năng. Đồng thời, có nhiều mảng công việc khác có thể phát triển thêm, khuyến khích sáng tạo dựa trên việc hiểu bản chất sự việc, được tiếp xúc với các đối tác lớn trong lĩnh vực bán dẫn, thiết bị điện tử.

Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình chuẩn bị để làm việc tại một công ty lớn, Tiến sĩ Khoa cho hay: "Trước khi tốt nghiệp khoảng một năm rưỡi, tôi có cơ hội đi thực tập tại một công ty khác ở Nhật Bản. Để chuẩn bị cho đợt thực tập này, tôi đã làm hồ sơ trên trang mạng xã hội tìm kiếm việc làm LinkedIn.

Sau khi thực tập, nhận thấy việc thực tập giúp ích nhiều cho quá trình xin việc nhưng lại ảnh hưởng đến quá trình làm luận án tốt nghiệp nên tôi quyết định tạm dừng quá trình xin việc. Nhưng may mắn thay, lúc này hồ sơ của tôi lại được một công ty giới thiệu việc làm để ý và chủ động liên hệ. Nhờ đó, tôi nhận được sự kết nối, hỗ trợ của công ty giới thiệu việc làm này trong suốt quá trình phỏng vấn.

Vì Espec Nhật Bản là một công ty lớn, luôn nằm trong trong top đầu của ngành, nên tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng sau khi kết thúc 2 vòng phỏng vấn, khi nhận được lời đề nghị có muốn làm việc tại công ty không, tôi đã rất vui mừng và nhận lời luôn. Quá trình xin việc cũng hoàn thành sớm hơn dự kiến, giúp tôi có thêm rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho tốt nghiệp”.

Tuy nhiên, việc thích nghi với môi trường làm việc tại một công ty lớn trên thế giới cũng không phải là điều dễ dàng.

“Lúc ấy, quá trình đào tạo nhân viên mới của một công ty lớn khiến tôi khá choáng ngợp. Bởi lẽ, để tiếp thu được một lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn, đòi hỏi con người phải có sự tập trung cao độ. Bên cạnh đó, nhân viên mới cũng luôn phải thể hiện bản thân mình qua việc đặt câu hỏi, cung cấp ý tưởng, làm việc nhóm, nâng cao mục tiêu và hướng đến lợi ích chung”, anh Khoa chia sẻ.

Các khó khăn bước đầu được giải tỏa dần dần sau khi kết thúc quá trình đào tạo nhân viên mới và bắt tay vào làm công việc chuyên môn. Lúc này, anh Khoa được làm việc với nhiều chuyên gia, được giải thích dễ hiểu về chuyên môn, cơ cấu tổ chức và cách làm việc trong công ty...

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường, Tiến sĩ Vũ Văn Khoa cho biết, được làm việc ở một công ty lớn là niềm mơ ước của nhiều người và điều này không phải là quá khó khăn. Tuy nhiên, để làm được điều ấy, các bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt cho bản thân.

Trong đó, việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch là rất quan trọng, nhưng sự linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch cũng không thể thiếu.

Đối với sinh viên lĩnh vực Điện tử - Viễn thông, các bạn nên học và phát triển một vài kỹ năng như Machine learning, các ngôn ngữ lập trình,.... và ưu tiên những kỹ năng giúp tận dụng lợi thế của mình.

Khi gặp khó khăn, hãy cố gắng nỗ lực trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Chúng ta nên chọn thời điểm tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp, để mình có đủ thời gian để tự cố gắng, nhưng cũng không muộn quá để lỡ mất cơ hội được giúp đỡ.

Đặc biệt, với những bạn quan tâm đến cơ hội việc làm tại đất nước mặt trời mọc, Tiến sĩ Khoa cho biết: “Hằng năm, các công ty Nhật Bản có quy trình tuyển dụng sinh viên mới ra trường gần như là giống nhau.

Mức lương dành cho sinh viên mới ra trường dao động trong khoảng từ 180.000 – 210.000 yên cho bậc cử nhân và 220.000 – 250.000 yên cho trình độ thạc sĩ trở lên. So với một số công ty ở Mỹ, Úc, châu Âu,… mức lương này không cao bằng, nhưng chế độ đãi ngộ lại khá tốt (hỗ trợ tiền thuê nhà, trợ cấp nhà ở và gia đình, thủ tục làm visa lưu trú). Chế độ tăng lương cũng như phúc lợi xã hội của các công ty cùng quy mô cũng khá gần nhau, nên mặt bằng chung, người đi làm ở Nhật Bản khá là ổn định.

Với sinh viên mới ra trường, đa phần các công ty Nhật Bản không yêu cầu nhiều kỹ năng, chủ yếu căn cứ vào động lực làm việc và tính cách phù hợp với công ty. Tất nhiên, có nhiều kỹ năng phù hợp sẽ là điểm cộng, vì trong quá trình đào tạo ở công ty sẽ học hỏi nhanh hơn và làm được việc sớm hơn".

Vì thế, theo Tiến sĩ Vũ Văn Khoa, việc một ứng viên là người "dám nghĩ dám làm", có những góc nhìn khác biệt và chịu khó học hỏi là phẩm chất cần thiết.

Diệu Dương